Xuất khẩu trái cây sang EU: Thêm vấn đề cần lưu ý để tồn tại ở thị trường khó tính bậc nhất

0
183
Điều khiến khách bản xứ không quan tâm đến quả vải là do giá bán quá cao. (Nguồn: TTXVN)

Tận dụng tốt lợi thế về mặt thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã và đang xâm nhập EU – thị trường khó tính bậc nhất thế giới.

Kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực (1/8/2020), kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt những kết quả ấn tượng. Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam. Ngoài các loại trái cây đã được xuất khẩu nhiều năm, trong tháng 6/2021, EU cũng đã nhập quả vải tươi của Việt Nam. Việc tiếp cận thành công thị trường cao cấp đã nâng vị thế của sản phẩm, mở ra cơ hội cho quả vải đến với thị trường mới. Cùng với lô vải thiều đầu tiên vào Czech và Pháp, các loại trái cây khác như: Thanh long, mít, xoài, nhãn, bưởi… cũng đang được Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đẩy mạnh xúc tiến thương mại để xuất khẩu sang các quốc gia trong khối EU.

Nông sản xuất khẩu vào EU thường có giá cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của thị trường và luôn giữ được sự ổn định về giá mua cũng như sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường này không phải dễ vì yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm rất khắt khe; những tiêu chuẩn, đòi hỏi của EU cũng ngày càng cao, tần suất giám sát, kiểm tra cũng cao hơn các thị trường khác.

Nhiều chuyên gia nhận định, có muôn vàn rào cản về pháp lý, do đó buộc DN phải chủ động tìm hiểu thông tin và đáp ứng đầy đủ, ổn định các quy định mới có thể xuất khẩu bền vững. Do khoảng cách địa lý xa, chi phí tiếp cận thị trường cao, Doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu về chi phí, rủi ro để cân bằng được bài toán xuất khẩu. Doanh nghiệp có thể xây dựng những câu chuyện xung quanh quy trình sản xuất nông sản xuất khẩu nhằm tạo sự khác biệt cho nông sản Việt trên thị trường EU.

Tuy nhiên mọi vấn đề sẽ không chỉ dừng lại tại đó, giữa tháng 11/2021, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra khuyến cáo cấm nhập khẩu vào thị trường 27 nước đối với các sản phẩm khai thác từ việc phá rừng. Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, quy định này không ảnh hưởng đến Việt Nam vì nước ta đã ký cam kết với EU chỉ xuất khẩu lâm, nông sản theo đúng quy định.

Nhưng liên quan đến việc trái cây Việt Nam vào thị trường EU, mùa hè vừa qua, vải thiều Việt Nam đã được nhập khẩu vào thị trường EU nói chung và Bỉ nói riêng thông qua công ty Vinamex Belgium. Vải được chuyên chở bằng đường hàng không tới Frankfurt (Đức) và Paris (Pháp), sau đó, công ty Vinamex dùng xe sang chở về Bỉ. Vải được bán tại 2 siêu thị lớn là Carrefour Tongres (ở Brussels) và Spar Hasselt (cách Brussels khoảng 150 km). Giá bán là 24€/kg, gấp đôi so với quả cerise loại to, ngon nhất (12 €/kg). Đối với khách nước ngoài, quả vải Việt Nam rất lạ vì quả tròn, to, xuất hiện giữa mùa hè khi các loại quả khác đang vào vụ thu hoạch như dâu, cerise, nho… Điều khiến khách bản xứ không quan tâm đến quả vải là do giá bán quá cao.

Để quảng bá quả vải, các siêu thị phải mang ra lối vào, mời khách nếm thử, nhưng họ vẫn không mua vì giá cao. Hơn nữa, khách hàng Bỉ phản hồi, họ không thích vì vải Việt Nam quá ngọt, trong khi vải nhập từ Nam Phi hay từ Australia, giá bán thấp hơn (6€/kg), ngọt nhưng có vị hơi chua, hợp với khẩu vị của người bản xứ.

Vải thiều được đóng theo từng hộp, mỗi hộp khoảng 1 kg nhưng có những khách hàng chỉ mua vài lạng. Vải bày bán rời, chỉ sau 1-2 ngày trở nên thâm vỏ, hình thức rất xấu, khách hàng chê, không mua.

Vụ vải năm nay chỉ đáp ứng nhu cầu của những người Việt Nam sống xa quê hương, nhớ hương vị quê nhà, còn đa phần người bản xứ đều không quan tâm. Tuy nhiên, với giá bán buôn tại công ty (14€/kg), rất ít người Việt Nam sẵn sàng chi tiền mua vì người Việt tại Bỉ sống rất tiết kiệm. Nhà nhập khẩu nhiều khi phải gọi điện mời những người quen đến mua vải để “ủng hộ”, thậm chí, gặp người Việt ngoài đường, lôi kéo họ vào mua vải nhưng đều bị từ chối.

Liên quan đến nhãn lồng của Sơn La, nhãn được nhập sang Hà Lan và sau đó được phân phối đi toàn châu Âu. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, các đại lý mang hàng trả lại nhà phân phối do khâu bảo quản kém, nhãn thối.

Với những vấn đề nêu trên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần xem xét lại việc xuất khẩu hoa quả sang thị trường EU, về cách thức bảo quản và xác định rõ đối tượng khách hàng vì mục đích là nhắm tới khách hàng Châu Âu. Còn khách hàng người Việt đã bão hòa với quả vải và họ không còn thiết tha nữa.

Thu Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here