Xuất khẩu tôm giảm 4,4%

0
53
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu tôm tháng 11/2019 ước đạt trên 300 triệu USD, cộng dồn 11 tháng đạt khoảng 3,1 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến, hết năm 2019, xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2018 và không đạt mục tiêu đề ra 4 – 4,2 tỷ USD.

Trong năm 2019, sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường xuất khẩu bị cạnh tranh quyết liệt với Ấn Độ và Indonesia do các nước này được mùa tôm, giá xuất khẩu rất cạnh tranh gây khó cho con tôm Việt Nam làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu tôm.

Bốn thị trường xuất khẩu chủ lực

4 thị trường xuất khẩu tôm chủ lực, gồm: EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, trong đó có 2 thị trường tăng là Mỹ và Trung Quốc, 2 giảm là EU và Nhật Bản.

EU vẫn là thị trường xuất khẩu tôm số 1 của doanh nghiệp Việt Nam (chiếm 21%), 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này chiếm tỷ lệ 20,90%, đạt 580,80 triệu USD, giảm 24,76% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu tôm vào EU chỉ tăng trưởng dương duy nhất trong tháng 7, các tháng còn lại đều tăng trưởng âm.

Thị trường Mỹ giữ vị trí số 2 với kim ngạch đạt 548,15 triệu USD, chiếm tỷ lệ 19,72%. Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 10 tăng 4,8% đạt 71,3 triệu USD. Lũy kế 10 tháng, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 548,2 triệu USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 19,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Thị trường lớn thứ 3 là Nhật Bản, xuất khẩu sang Nhật Bản trong tháng 10/2019 đạt trên 64 triệu USD, cộng dồn 10 tháng đạt 508,70 triệu USD, chiếm tỷ lệ 18,30%, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu tôm sang thị trường lớn thứ 4 là Trung Quốc tháng 10 đạt 56,3 triệu USD, tăng 20,4%.

Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong số 4 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam. Cộng dồn tháng 10, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 438,6 triệu USD, tăng 9,2%. Dự kiến, đến cuối năm xuất khẩu tôm sang Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng.

Triển vọng trong năm 2020

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep, thị trường Mỹ chiếm tỷ lệ đến 20% tổng khối lượng tôm xuất khẩu, nhưng do tác động về rào cản thương mại, rào cản thuế chống bán phá giá (CBPG) và do ảnh hưởng đến tâm lý chung của thị trường khiến cho xuất khẩu tôm vào thị trường này không thể bứt phá. Tác động lớn nhất vẫn là vấn đề CBPG, nhưng với kết quả khả quan tại POR 13 đã góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam sang  Mỹ.

Cạnh tranh tôm giá rẻ của Ấn Độ cũng là một vấn đề, cho nên ngoài việc có lợi thế về thuế CBPG thì đồng thời phải làm sao giảm được giá thành và đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Có như vậy, con tôm mới có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu ở thị trường Mỹ, dự kiến tăng khoảng 5% trong quý 4/2019.

“Đối với thị trường EU, vấn đề chứng nhận và truy xuất nguồn gốc cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, có như vậy mới có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu tôm ở thị trường châu Âu. Chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng, Hiệp định EVFTA có hiệu lực và được thực thi trong năm 2020, tôi cho rằng con tôm Việt Nam sẽ có một tương lai tốt hơn ở thị trường châu Âu”, ông Hòe nhấn mạnh.

Riêng đối với thị trường Trung Quốc do điều chỉnh lại các phương thức mua bán nên các doanh nghiệp phải chuẩn bị hàng hóa để đáp ứng được yêu cầu này. Về cơ bản năm 2020, khả năng sản phẩm tôm sẽ đỡ vất vả hơn năm 2019 về mặt cạnh tranh. Xu thế trước đây thị trường đuổi theo giá, bây giờ xu thế đó giảm nhiều, nếu chỉ cạnh tranh về mặt giá thì tôm Việt Nam vẫn có một số lợi thế nhất định.

“Xuất khẩu tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vào những tháng cuối năm khi lượng tồn kho giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường EU những tháng cuối năm chưa thể phục hồi. Cạnh tranh về giá tôm vẫn là áp lực lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam”, ông Hòe dự báo.

(Nguồn: vneconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here