Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2023 đạt hơn 430 triệu USD

0
177
Trong 11 tháng của năm 2023, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 402 triệu USD. (Nguồn: VnEconomy)

Trong 11 tháng của năm 2023, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 402 triệu USD (tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái), dự kiến cả năm đạt hơn 430 triệu USD.

Trong 11 tháng của năm 2023, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 402 triệu USD. (Nguồn: VnEconomy)

Đáng chú ý, trong 10 tháng của năm 2023, xuất khẩu thịt gia cầm tăng mạnh, đạt hơn 4000 tấn, trị giá 10,55 triệu USD; tăng 250% về lượng và tăng 315,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022…

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 của ngành Chăn nuôi, chiều 19/12.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), ngành Chăn nuôi năm 2023 tiếp tục vượt khó, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy, tổng đàn lợn năm 2023 ước đạt 30,3 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022; đàn trâu 2,2 triệu con, giảm 1,0%; đàn bò 6,4 triệu con tăng 1,0%; đàn gia cầm 558,6 triệu con, tăng 2,6%.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhận định mặc dù chịu nhiều áp lực về giá thức ăn chăn nuôi, giá sản phẩm chăn nuôi thiếu ổn định và áp lực cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu, nhập lậu… nhưng đàn vật nuôi vẫn được duy trì ổn định; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt hơn; hơn nữa sức tiêu dùng giảm do ảnh hưởng của lạm phát, đồng thời nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm.

“Số liệu thống kê các tháng từ đầu năm đến thời điểm hiện tại cho thấy giá lợn hơi xuất chuồng năm 2023 luôn thấp hơn giá năm 2022, nhiều thời điểm nông dân chăn nuôi lợn thua lỗ. Tuy vậy, chăn nuôi lợn vẫn có kết quả tích cực dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá lợn hơi thấp, chi phí đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học và phòng dịch cao, giá thức ăn chăn nuôi theo xu hướng giảm nhưng chưa đáng kể và vẫn còn ở mức cao”, ông Đăng chia sẻ.

Ông Phạm Kim Đăng chỉ ra rằng sự phát triển của ngành Chăn nuôi trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như tình trạng nhập lậu và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi không rõ nguồn gốc; chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào (đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, con giống có năng suất, chất lượng cao); liên kết, tổ chức sản xuất trong chăn nuôi theo chuỗi giá trị (từ trang trại đến bàn ăn) chưa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; kiểm soát an toàn sinh học, dịch bệnh, an toàn thực phẩm và quản lý môi trường chăn nuôi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, cho rằng sản lượng tăng trưởng trong lúc khó khăn, tổng cung tổng cầu thay đổi vẫn tăng trưởng, khả năng tiêu thụ thấp nhưng vẫn tăng trưởng cao, đó là bài toán khó đặt ra cho ngành Chăn nuôi. Do đó, phải xây dựng ngành Chăn nuôi tự chủ, xem lại cơ cấu ngành hàng chăn nuôi, tăng gia cầm, giảm đàn lợn để có sự cân đối.

Năm 2024, ngành Chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng khoảng 4-5% so với năm 2023, tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28-30%

Mục tiêu năm 2024, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 7,89 triệu tấn, tăng 3,8%; sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,87 triệu tấn tăng 4,0%; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 2,31 triệu tấn tăng 3,1%; sản lượng trứng các loại khoảng 19,68 tỷ quả tăng 3,7%; sản lượng sữa đạt trên 1,28 triệu tấn tăng 6,7%; sản lượng mật ong là 25,8 ngàn tấn tăng 9,8%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 20,5 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2023″.

Như Trung

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here