Xuất khẩu gạo: Không còn nỗi lo phụ thuộc

0
71
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đối diện không ít khó khăn, điển hình là sự sụt giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ hội lại được mở ra ở những thị trường mới.

Nhu cầu thấp, giá giảm

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, nhu cầu tiêu thụ gạo hạn chế do thị trường toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi suy thoái thương mại. Giá gạo của Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam có mức chênh lệch không nhỏ; nhu cầu tiêu thụ ảm đạm giữ giá gạo Việt Nam ở mức thấp gần 12 năm qua. Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đang suy giảm cả về lượng, giá trị và giá xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc 8 tháng qua đạt 347.520 tấn, tương đương 173,74 triệu USD, giá 499,9 USD/tấn, lần lượt giảm 67,8%, 67,2% và 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm – Tổng giám đốc Tổng công ty VinaFoods 1, gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam đã thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường khác.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, thời gian tới, thị trường bế tắc, nhu cầu giảm khiến giá lúa, gạo trong nước có thể giảm nhẹ. Cụ thể, trong tháng 9/2019, Chính phủ Philippines sẽ cân nhắc sử dụng đa dạng các biện pháp phi thuế, như yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh và kiểm dịch thực vật để điều chỉnh hoạt động nhập khẩu gạo.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Philippines cũng đang đề xuất áp thuế tự vệ đối với nhập khẩu gạo, dự kiến sẽ không thấp hơn 30%, do quy định trong Đạo luật Cộng hòa số 8.800 của nước này có đề cập Philippines có thể áp thuế 30 – 80% đối với gạo nhập khẩu vượt quá 350 nghìn tấn.

Tin vui từ những thị trường mới

Dù khó khăn, song theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, hết năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu được hơn 6,5 triệu tấn. Đây cũng là mục tiêu xuất khẩu được toàn ngành đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, về lâu dài, ngành này cần củng cố lại vấn đề chất lượng.

Một số chuyên gia cho rằng, xuất khẩu gạo thời gian tới vẫn có những cơ hội khả quan từ các thị trường như Singapore và Mỹ. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trước tình hình hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản lượng gạo của Thái Lan, Singapore – quốc gia thường xuyên nhập khoảng 30 – 40% gạo từ Thái Lan – đang xem xét chiến lược đa dạng hóa nhập khẩu từ các nguồn khác.

Cơ hội tiếp cận thị trường gạo Singapore sẽ mở ra với các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam và Campuchia, các quốc gia trong cùng khu vực Đông Nam Á, có lợi thế giao thương cùng với Singapore. Ngoài ra, Nhật Bản – quốc gia thường xuyên nhập khẩu 50% gạo từ Mỹ đang xem xét chuyển hướng sang nhập khẩu gạo từ các quốc gia ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có Việt Nam.

Đáng chú ý, một số nhà nhập khẩu của Mỹ đã thêm gạo vào danh mục hàng hóa mua từ Việt Nam. Theo đó, từ nửa đầu năm nay, Vietway – công ty chuyên bán hàng trên Amazon online, bắt đầu mua gạo Hoa Nắng đóng gói nhỏ của Việt Nam để xuất sang thị trường Mỹ. Ông Erik Frankel – Tổng giám đốc Vietway – cho rằng, đây cũng là cách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu và phát triển thương hiệu gạo tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề phía doanh nghiệp này quan tâm đó là giá, chất lượng và giấy tờ liên quan đến xuất khẩu hàng hóa.

Theo các chuyên gia, để tăng được lượng gạo Việt vào Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần lưu ý những quy định về hạn chế nhập khẩu hàng hóa của Mỹ, ước tính phí hải quan, thực hiện đầy đủ các quy định của hải quan về thông quan, thuế cũng như các vấn đề liên quan đến logistics.

(Nguyễn Hạnh, baocongthuong.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here