Xu thế hình thành các tiêu chuẩn mới trong thương mại và đầu tư quốc tế, tác động tới Việt Nam

0
232
(minh họa)

I. Xu thế hình thành các tiêu chuẩn mới trong thương mại và đầu tư quốc tế

Trong bối cảnh chuyển đổi xanh, giảm phát thải và phát triển bền vững là chiều hướng không thể đảo ngược, các tiêu chuẩn mới trong thương mại và đầu tư quốc tế đang dần định hình theo hướng gắn thương mại và đầu tư với các tiêu chí về giảm phát thải các-bon, phát triển bền vững, lao động, môi trường, chống tham nhũng… Một số xu thế và tiêu chuẩn đáng chú ý nổi lên là:

  1. Bước đầu hình thành cơ chế định giá các-bon qua biên giới.

1.1. Định giá các-bon ngày càng phổ biến và trở thành công cụ then chốt để thực hiện các mục tiêu khí hậu theo cam kết tại Hiệp định Pa-ri. Các nước hiện sử dụng nhiều công cụ định giá các-bon khác nhau (bắt buộc, tự nguyện, trực tiếp hoặc gián tiếp) thông qua xây dựng hệ thống trao đổi tín chỉ các-bon, giao dịch khí nhà kính (Liên minh châu Âu đã triển khai cơ chế mua bán khí thải từ 2005), thuế các-bon hoặc các hình thức áp thuế môi trường gián tiếp đối với xăng dầu, nhiên liệu hoá thạch… Hiện nay, có khoảng 39 quốc gia và vùng lãnh thổ đang áp dụng các cơ chế giao dịch các-bon. Giá các-bon có xu hướng tăng nhanh và đáng kể trong thời gian qua (theo hệ thống mua bán khí thải của EU, giá các-bon năm 2021 đã tăng gấp 3 lần mức năm 2018, lên 53 euro/tấn), tuy nhiên không đồng đều giữa các ngành và các quốc gia.

Xu thế hiện nay cho thấy việc áp dụng các cơ chế định giá các-bon[1] nội địa được đẩy nhanh và ngày càng mở rộng ra các ngành/lĩnh vực mới[2], nhất là tại các nước phát triển. Đây sẽ công cụ mang tính thị trường quan trọng, vừa có ý nghĩa điều chỉnh giảm phát thải, vừa tạo doanh thu để đầu tư cho các mục tiêu khí hậu. Ngày 16/7/2021, thị trường giao dịch khí thải các-bon toàn Trung Quốc khởi động giao dịch trực tuyến và trở thành một trong những thị trường các-bon lớn nhất toàn cầu[3]. Hàn Quốc triển khai Cơ chế giao dịch phát thải (ETS) từ tháng 01/2015. Úc định giá các-bon thông qua “Quỹ Giảm phát thải ERF”[4] từ năm 2014. Mê-xi-cô đã áp dụng đồng thời ba công cụ định giá các-bon gồm hệ thống mua bán khí thải (SCE), thuế các-bon liên bang và thuế các-bon cấp địa phương sau khi thông qua Luật về Biến đổi Khí hậu năm 2018…

1.2. Trong bối cảnh xu thế định giá các-bon ngày càng phổ biến, việc hình thành các cơ chế định giá, giao dịch các-bon qua biên giới là xu thế đang được thúc đẩy nhanh nhằm bảo đảm tiêu chuẩn chung trong thương mại và đầu tư kinh doanh quốc tế.

EU là nhà tiên phong trong xây dựng Cơ chế điều chỉnh các-bon qua biên giới (CBAM). Bản chất của cơ chế này là việc áp thuế quan các-bon đối với các hàng hóa có mức phát thải cao (giai đoạn đầu gồm xi măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, điện và hydrogen) được nhập khẩu từ các nước chưa áp dụng định giá các-bon hoặc cơ chế định giá đó chưa tương ứng với định mức, tiêu chuẩn của EU. CBAM sẽ được thử nghiệm từ 01/10/2023, có hiệu lực chính thức từ 01/01/2026. Cơ chế này hướng đến một số mục tiêu: (i) Bảo đảm sự đồng bộ giữa cơ chế định chế các-bon trong và ngoài EU[5], ngăn ngừa tình trạng “rò rỉ các-bon” (carbon leakage), thúc đẩy các quốc gia đối tác thiết lập công cụ định giá các-bon theo tiêu chuẩn của EU. (ii) Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản xuất nội địa, tạo môi trường kinh doanh công bằng giữa các công ty trong và ngoài EU. (iii) Thúc đẩy các tập đoàn lớn tăng đầu tư tại chính quốc, góp phần hỗ trợ cho chính sách chuyển dịch đầu tư về trong nước (re-shoring) nhằm bảo đảm tự chủ chiến lược và an ninh kinh tế. (iv) Tạo nguồn thu cho triển khai các mục tiêu về khí hậu[6]. (v) Về đối ngoại, thể hiện vai trò đi đầu, dẫn dắt của EU trong ứng phó với biến đổi khí hậu và gây sức ép lên các quốc gia phát thải cao, cạnh tranh về thương mại, địa chính trị như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ…

Ngoài EU một số quốc gia cũng đang nghiên cứu thông qua và áp dụng các cơ chế điều chỉnh các-bon biên giới. Một số nghị sỹ Mỹ (Đảng Dân chủ) đã bước đầu đề xuất một số đạo luật có liên quan như Dự luật Cạnh tranh sạch đưa ra vào tháng 6/2022 và Dự luật Cạnh tranh và Chuyển đổi công bằng, thích ứng, sáng tạo và tự cường (Dự luật FAIR) đưa ra tháng 7/2021[7]. Anh đang tiến hành lộ trình 05 bước[8] trong xây dựng và triển khai cơ chế định giá các-bon qua biên giới với tham vọng phối hợp với EU về thuế các-bon mới trong nỗ lực chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

  1. Thương mại, chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng gắn với các tiêu chí về phát triển bền vững, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, chống phá rừng, lao động, nhân quyền và chống tham nhũng.

Xu hướng rà soát tính bền vững của các chuỗi cung ứng về lao động, nhân quyền và môi trường ngày càng phổ biến và trở thành tiêu chuẩn chung ở các nước phát triển theo tiêu chí về kinh doanh có trách nhiệm của OECD. Trước đây, các tiêu chí này chủ yếu mang tính khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các trách nhiệm xã hội, nhưng hiện nay đã cho thấy sự thay đổi căn bản là được “pháp lý hoá” thành các nghĩa vụ bắt buộc phải thực thi, có chế tài xử phạt. EU là “nhà tiên phong” trong định hình các tiêu chí về thương mại bền vững, thông qua thúc đẩy và triển khai 02 quy định:

  2.1. Đạo luật cấm hàng hoá liên quan đến phá rừng (EUDR)

Ngày 19/4/2023, Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức thông qua Đạo luật cấm hàng hoá liên quan đến phá rừng (EUDR) nhằm hạn chế tiêu dùng và sản xuất một số loại nông sản[9] liên quan. Theo đó, các công ty nhập khẩu hàng hoá vào EU sẽ có nghĩa vụ phải cung cấp giải trình, báo cáo thẩm định nhằm chứng minh sản phẩm không được sản xuất trên vùng rừng bị tàn phá. Chứng chỉ “Không phá rừng” (Deforestration Free) là điều kiện bắt buộc. Các công ty lớn sẽ có 18 tháng để thực hiện các quy định trong đạo luật, trong khi các công ty nhỏ hơn sẽ có 24 tháng. EU sẽ xây dựng bản đánh giá quốc gia trong vòng 18 tháng kể từ khi luật có hiệu lực để phân loại các quốc gia theo thứ tự rủi ro cao, trung bình và thấp, theo đó áp dụng các quy trình, thủ tục có mức độ rút gọn khác nhau.

2.2. Chỉ thị về tính bền vững chuỗi cung ứng của doanh nghiệp (Due Diligence-DD)

Tháng 2/2023, Uỷ ban châu Âu đã đề xuất Chỉ thị DD (dự kiến áp dụng vào năm 2024) với mục tiêu thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp bền vững và có trách nhiệm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp sẽ được yêu cầu xác định, báo cáo, ngăn chặn, chấm dứt hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực trong chuỗi cung ứng về lao động, quyền con người và môi trường[10]. Các công ty không tuân thủ sẽ phải bồi thường thiệt hại, có thể bị các cơ quan giám sát xử phạt hoặc cấm tham gia mua sắm công tại EU. Đối tượng của Chỉ thị này chủ yếu tập trung vào các doanh nghiêp có quy mô lớn[11], các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) không trực tiếp nằm trong phạm vi Chỉ thị này.

Một số nước như Mỹ, Ca-na-đa (Luật chống lao động cưỡng bức và lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng), Đức (Luật chuỗi cung ứng)… cũng đã thông qua các đạo luật liên quan về rà soát tính bền vững chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, trong đó nhiều đạo luật đã đưa vào việc áp dụng các nội dung và cơ chế thực thi tương tự.

  1. Xu hướng các nước lớn triển khai các chính sách công nghiệp, gia tăng bảo hộ trong các lĩnh vực về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, các ngành chiến lược ngày càng nổi lên.

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược gia tăng, các nước tăng cường triển khai các chính sách công nghiệp nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa. Mỹ đưa ra Đạo luật Giảm lạm phát (IRA)[12] tháng 08/2022 nhằm trợ cấp các ngành giảm phát thải các-bon, năng lượng sạch thông qua tín dụng thuế, hỗ trợ phát triển công nghệ; đề xuất áp thuế nhập khẩu với các hàng hóa sử dụng nhiều năng lượng. Trước mắt từ năm 2024, việc điều chỉnh sẽ áp dụng cho nhiên liệu hóa thạch, sản phẩm dầu mỏ tinh chế, hóa dầu, phân bón, hydro, axit adipic, xi măng, sắt thép, nhôm, thủy tinh, bột giấy và giấy, ethanol. Bản chất của Đạo luật IRA là biện pháp hỗ trợ cho các công ty năng lượng sạch và ô tô điện của Mỹ, bảo vệ các ngành sản xuất của nước này trước sự cạnh tranh từ Châu Âu, Trung Quốc… Ngay sau khi Mỹ ban hành Đạo luật IRA, EU đã nghiên cứu, đề xuất Đạo luật Công nghiệp không phát thải (NZIA) nhằm phát triển các ngành công nghệ sạch[13], chuyển đổi xanh thông qua thiết lập quỹ tài chính chung của EU[14] cũng như thu hút thêm nguồn vốn tư nhân; hỗ trợ đổi mới sáng tạo thông qua cơ chế thử nghiệm (sandbox); điều phối thúc đẩy quan hệ đố  tác trong các ngành công nghiệp không phát thải.

  1. Các nước đẩy mạnh tập hợp lực lượng, liên kết và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực mới.

Các nước lớn tích cực phát huy vai trò dẫn dắt trong triển khai các sáng kiến về tăng trưởng xanh với mục tiêu tập hợp lực lượng, hình thành các chuỗi cung ứng xanh và bền vững. Mỹ thúc đẩy xây dựng các quan hệ đối tác kinh tế quốc tế mới, đẩy mạnh đàm phán Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), vượt ngoài các FTA truyền thống, tạo sự khác biệt với các sáng kiến, khuôn khổ hiện có tại khu vực. Qua đó, Mỹ dẫn dắt quá trình định hình tiêu chuẩn, luật lệ trong các lĩnh vực then chốt của kinh tế toàn cầu trong tương lai như chuỗi cung ứng, kinh tế số, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng, thích ứng với biến đổi khí hậu và kinh tế công bằng. Đặc biệt, với việc cơ bản kết thúc đàm phán trụ cột 2 về chuỗi cung ứng của IPEF (trong tháng 5/2023), Mỹ đã hình thành được một cơ chế hợp tác mới về lao động gắn với chuỗi cung ứng; góp phần triển khai chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm. Đức thúc đẩy sáng kiến “Câu lạc bộ Khí hậu quốc tế mở và hợp tác” nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và công bằng; tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gồm: khí hậu, an ninh năng lượng, kinh tế số, công nghệ thông tin và viễn thông, bình đẳng giới, y tế. Nhật Bản thúc đẩy sáng kiến “Cộng đồng phát thải ròng bằng không Châu Á” (AZEC) tập trung vào các lĩnh vực như phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ hydro xanh, ammoniac, thu hồi – sử dụng – lưu trữ các-bon, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh. Sáng kiến nhấn mạnh việc chủ động đề ra lộ trình trung hòa các-bon trong khi vẫn đảm bảo an ninh năng lượng, sự phù hợp với với đặc thù, trình độ đa dạng của mỗi nền kinh tế. Trong triển khai các sáng kiến, các đối tác phát triển cho thấy cam kết rõ ràng hơn về việc cung cấp hỗ trợ về tài chính cho các nước đang phát triển, chú trọng các sáng kiến hợp tác công – tư nhằm huy động thêm nguồn lực của khu vực tư nhân.

Từ góc độ kinh doanh, các doanh nghiệp cũng đang điều chỉnh nhanh, chủ động tham gia vào các sáng kiến liên kết xanh, thiết lập các cơ chế hợp tác giữa nhà đầu tư, nhà sản xuất, nhà công nghệ nhằm xanh hoá sản xuất, chủ động thích ứng với các quy định mới. “Liên minh Năng lượng sạch Châu Á” được các công ty tiêu thụ năng lượng tái tạo như Amazon, Apple, Cisco, Google, Meta, Nike, Samsung Electronics thành lập. Sự phát triển ngày càng lớn mạnh của các tập đoàn năng lượng xanh và sự hình thành dạng liên kết mới giữa doanh nghiệp đang góp phần định hình các chính sách tăng trưởng xanh trong tương lai.

II. Tác động đối với kinh tế thế giới và Việt Nam 

  1. Đối với kinh tế thế giới

Các nước phát triển đang dẫn dắt việc thiết lập các tiêu chuẩn mới trong thương mại và đầu tư quốc tế, gắn với các yếu tố xanh, bền vững và trách nhiệm xã hội. Trong tiến trình này, các nước đang phát triển ít có lựa chọn do phụ thuộc về thị trường, công nghệ và nguồn vốn. Tuy các nước còn quan điểm khác nhau về một số nội dung và cách tiếp cận nhưng xu thế này sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới, tạo áp lực thực thi và buộc phải thích ứng với các nước đang phát triển.

– Mặt tích cực: (i) Các sáng kiến, tiêu chuẩn mới góp phần tạo dựng nền tảng chung cho quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, qua đó đẩy nhanh việc chuyển hoá các cam kết thành hành động, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ trong điều hành vĩ mô. (ii) Thúc đẩy dịch chuyển các dòng thương mại và đầu tư quốc tế theo hướng xanh hơn và bền vững hơn. (iii) Thiết lập các cơ chế thúc đẩy hợp tác về tài chính, công nghệ, quản trị, đào tạo nguồn nhân lực, qua đó hỗ trợ các nước đang phát triển trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thích ứng với các xu hướng mới.

– Mặt không thuận: (i) Làm suy giảm hiệu quả kinh tế, gia tăng chi phí hành chính, sản xuất trên toàn cầu. Trước mắt có thể khiến giá hàng hoá tăng do chịu tác động của áp lực chi phí đẩy, làm phức tạp thêm tình hình lạm phát toàn cầu. (ii) Nguy cơ tạo ra làn sóng chủ nghĩa bảo hộ mới, gây bất bình đẳng thương mại. (iii) Tác động tới năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế đang phát triển (mỗi nước sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào cơ cấu xuất nhập khẩu và mức độ phát thải các-bon).

2. Đối với kinh tế Việt Nam

Đây sẽ là cơ hội nếu ta chủ động, kịp thời nắm bắt và thích ứng, coi đây là động lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Ở cấp độ quốc gia, đó là cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, cải thiện môi trường kinh doanh cho thu hút đầu tư chất lượng cao, tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ở cấp độ doanh nghiệp, đó là tranh thủ nguồn vốn, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển năng lực sản xuất trong các lĩnh vực mới, đổi mới mô hình sản xuất – kinh doanh theo hướng bền vững và xanh hơn (theo các tiêu chí về ESG); đây sẽ là “tấm vé thông hành” cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai. Trong thời gian qua, việc ta tham gia các FTA thế hệ mới, ký kết một số hiệp định song phương và đa phương[15] đã tạo những nền tảng thể chế, chính sách bước đầu để giúp Việt Nam có khả năng vượt lên trong cuộc đua chuyển đổi xanh, sản xuất xanh và xuất khẩu xanh.

Thách thức lớn nhất là nguy cơ ta không bắt kịp với các quy định mới, làm suy giảm khả năng cạnh tranh cả trong xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và thu hút đầu nước ngoài. Cụ thể là:

(i) Bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng, kéo theo các hàng rào kỹ thuật “xanh”, “bền vững”. Xu hướng này sẽ tạo ra thách thức cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, gia tăng chi phí sản xuất[16], tạo gánh nặng lớn về nghĩa vụ giải trình cho nhà sản xuất (nông dân, doanh nghiệp), cũng như các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước.

 (ii) Năng lực tham gia các chuỗi cung ứng xanh của ta còn chưa cao, trình độ công nghệ, cơ sở hạ tầng còn hạn chế; chi phí chuyển đổi công nghệ, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là rào cản lớn; nguồn nhân lực, nhận thức của người sản xuất, đặc biệt là một số nhóm yếu thế như nông dân còn chưa sẵn sàng đáp ứng yêu cầu xanh hóa, phi các-bon hóa của các thị trường lớn.

(iii) Cạnh tranh chiến lược, gia tăng phân tách kinh tế, không loại trừ sẽ dẫn tới hình thành các hệ thống với các tiêu chuẩn khác nhau và có thể không tương thích trong tương lai.

(iv) Các nước trong khu vực với nhiều lợi thế hơn đang cạnh tranh rất quyết liệt trong quá trình chuyển đổi (trong một số lĩnh vực, In-đô-nê-xi-a, Ma-lay-xi-a, Ấn Độ, Băng-la-đét… cho thấy khả năng thích ứng và nắm bắt nhanh hơn).

  1. Bài học kinh nghiệm

 (i) Các nước bắt nhịp sớm với các tiêu chuẩn mới cho thấy khả năng thích ứng tốt hơn (Băng-la-đét là một trong những nước đi nhanh trong thực thi các tiêu chuẩn về thẩm định chuỗi cung ứng – due diligence (DD), các hiệp hội doanh nghiệp chủ động thúc đẩy hợp tác với các đối tác phát triển trong thích ứng với DD, phê chuẩn các công ước của ILO, qua đó đã góp phần quan trọng duy trì xuất khẩu dệt may, da giày trong thời gian qua. Trung Quốc kiên định thực hiện mục tiêu các-bon kép, thúc đẩy chuyển đổi các-bon thấp và xây dựng hệ thống năng lượng mới, chú trọng phát triển thị trường các-bon.).

(ii) Xây dựng các chiến lược, kế hoạch quốc gia mang tính đồng bộ, gắn kết các mục tiêu khí hậu, giảm phát thải và phát triển bền vững, qua đó nâng cao hiệu quả thực thi (Hàn Quốc ban hành Chiến lược Tăng trưởng xanh, EU triển khai gói chính sách Thoả thuận xanh châu Âu trên nhiều lĩnh vực khí hậu, năng lượng, đất đai, giao thông, thuế…).

(iii) Ưu tiên nâng cao nội lực, hỗ trợ trực tiếp cấp thực thi là các doanh nghiệp và chính quyền địa phương (I-xra-en chú trọng phát triển hệ sinh thái về đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; Băng-la-đét chú trọng công tác thông tin, phổ biến cho doanh nghiệp, thành lập bộ phận đầu mối trong các hiệp hội doanh nghiệp để cập nhật, tư vấn nhanh nhất…).

(iv) Đối với các nội dung chưa phù hợp với quan điểm của các nước đang phát triển, một số nước bày tỏ quan ngại tại WTO, tăng cường phối hợp lập trường để vận động, gây sức ép (In-đô-nê-xi-a và Ma-lay-xi-a đã phối hợp gây sức ép với EU trong việc áp dụng quy định về chống phá rừng…).

Tóm lại, trung hoà các-bon, phát triển xanh và bền vững là xu thế không thể đảo ngược. Việc thiết lập các tiêu chuẩn, định hình các nguyên tắc mới trong thương mại và đầu tư quốc tế là tất yếu khách quan không thể tránh khỏi. So với việc triển khai các FTA trước đây, tốc độ thực thi các tiêu chuẩn hiện nay nhanh hơn nhiều (thời gian thử nghiệm chỉ 2-3 năm). Các nước phát triển đều cho thấy quyết tâm đưa các tiêu chuẩn đi vào thực thi để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, đưa các công nghệ, sản phẩm mới vào giai đoạn thương mại hóa.

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, trong đó xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là các động lực tăng trưởng quan trọng, không thể nằm ngoài dòng chảy chung hiện nay. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn mới phức tạp hơn, bao trùm hơn, đan xen các yêu tố về kinh tế, chính trị, công nghệ, môi trường, xã hội… Trong bối cảnh đó, ta cần chủ động, tích cực trong thích ứng kịp thời với các tiêu chuẩn mới; tham gia định hình các tiêu chuẩn, “luật chơi mới” thông qua tăng cường tham gia các sáng kiến mới, diễn đàn đa phương có liên quan, tăng cường đối thoại, chia sẻ, vận động các nước có
quan điểm và cách tiếp cận phù hợp, bảo đảm công bằng với các nước đang phát triển. Đồng thời, cần chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, nâng cao năng lực thích ứng của địa phương, doanh nghiệp với các xu thế và tiêu chuẩn mới đã và đang định hình. Nhiều tiêu chuẩn hiện nay mới chuẩn bị bước và giai đoạn “thử nghiệm”, do đó 1-2 năm tới là giai đoạn rất then chốt để ta kịp thời có điều chỉnh phù hợp.

(Phương Thúy)

[1] Theo thống kê của OECD tại 71 nước có lượng phát thải nhiều nhất, lượng khí nhà kính được bao phủ bởi các công cụ định giá các-bon đã tăng từ 32% năm 2018 lên 40% năm 2021.

[2] Năm 2021, Đức mở rộng cơ chế giao dịch các-bon sang lĩnh vực sưởi ấm và nhiên liệu giao thông (nằm ngoài cơ chế ETS chung của EU).

[3] Từ ngày giao dịch trực tuyến đầu tiên 16/7/2021 đến 25/12/2022, thị trường giao dịch phát thải các-bon của Trung Quốc đã thực hiện được khối lượng các-bon giao dịch đạt 223 triệu tấn với giá trị 10 tỷ NDT.

[4] Bản chất của ERF là xác định một giá trị tiền tệ lên chính lượng khí thải các-bon, tạo khoản thu mới cho Chính phủ thông qua việc mua bán lượng khí thải, cũng như đánh thuế hoạt động mua bán đó.

[5] Các công ty tại EU hiện nay phải trả giá phát thải các-bon cao nhất thế giới. Theo hệ thống ETS EU, giá 1 tấn CO2 phát thải ở mức 75 USD. Dựa trên ETS tại mỗi quốc gia thì Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ áp mức thuế các-bon lần lượt là 9,2 USD, 18,75 USD, 2,3 USD mỗi tấn CO2 phát thải.

[6] Ước tính doanh thu CBAM vào khoảng 1 tỷ Euro mỗi năm từ 2026 – 2030, trong đó 75% chuyển vào ngân sách của EU và 25% vào ngân sách quốc gia của các nước thành viên. Điều này giúp tạo nguồn thu cho ngân sách quốc gia nhằm tái đầu tư cho công nghệ, hạ tầng “xanh”.

[7] Dự luật FAIR yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ tính toán “phí điều chỉnh các-bon tại biên giới” đối với các hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ trong lĩnh vực nhôm, thép, xi măng, sắt, dầu và khí tự nhiên trên cơ sở tính toán chi phí môi trường tại Mỹ.

[8] Gồm: (i) Từ 30/3/2023, Chính phủ Anh bắt đầu tiến hành tham vấn giữa Chính phủ với Quốc hội, doanh nghiệp, các tổ chức bảo vệ môi trường, các nhà khoa học và người dân; (ii) Thiết kế chính sách bao gồm phạm vi, các mức giá các-bon, khu vực và lĩnh vực áp dụng, và các cơ chế tuân thủ; (iii) Tham vấn và đàm phán với các đối tác thương mại trong WTO để đảm bảo cơ chế này khi ban hành sẽ phù hợp với các cam kết và luật quốc tế; (iv) Thực hiện thí điểm; (v) Thực hiện theo từng giai đoạn và theo dõi chặt chẽ để đảm bảo tính hiệu quả.

[9] Các hàng hóa sẽ chịu tác động bởi quy định EUDR gồm 07 nhóm sản phẩm chính: cà phê, ca cao, gỗ, sản phẩm gỗ, thịt bò, đậu nành, dầu cọ và một số sản phẩm phái sinh như da thuộc, sô-cô-la, đồ nội thất, cao su, than củi, giấy in, thịt bò và thịt chế biến, bột ca cao và sản phẩm ca cao, sản phầm từ đậu nành và dầu cọ…

[10] Gồm lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, xâm hại quyền con người như quyền được sống và an toàn, quyền tự do, an ninh, cấm buôn bán người, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học…

[11] Nhóm 1 gồm các doanh nghiệp hơn 500 nhân viên và có doanh thu hơn 150 triệu Euro; Nhóm 2 gồm các doanh nghiệp hơn 250 nhân viên và doanh thu từ 40 triệu Euro trở lên (các quy tắc với nhóm 2 được áp dụng chậm hơn 2 năm so với nhóm 1).

[12] Tổng ngân sách của Đạo luật là 768 tỷ USD, trong đó, 369 tỷ USD cho đầu tư năng lượng sạch và thích ứng biến đổi khí hậu, 270 tỷ USD ưu đãi thuế và trợ cấp tài chính cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ.

[13] Các công nghệ sạch được ưu tiên bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió trên bờ và ngoài khơi, pin/lưu trữ, chất điện phân và pin nhiên liệu, máy bơm nhiệt và công nghệ địa nhiệt, khí sinh học/mê tan sinh học, lưới điện và thu hồi-lưu trữ CO2.

[14] REPower EU (2023) đã cung cấp 20 tỷ EUR hỗ trợ không hoàn lại cho các quốc gia thành viên, nhằm thúc đẩy hiệu quả năng lượng và thay thế nhiên liệu hóa thạch; Invest EU là chương trình thúc đẩy đầu tư, đặc biệt là quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số, thông qua cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.

[15] Việt Nam và EU ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện để tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) (2018). Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102 quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp, tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ tương thích với Đạo luật ERDS của EU.

[16] Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thuế các-bon sẽ làm tăng khoảng 36 tỷ USD chi phí mỗi năm đối với 3 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU là thép, xi măng và nhôm.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here