Xu hướng kinh tế thế giới, khu vực và Nhật Bản tháng 2/2021

0
122
(Internet)
(Internet)

1. Kinh tế thế giới

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, với thiệt hại ước tính lên tới 28 nghìn tỷ USD tính đến năm 2025.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021, theo đó dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 4% trong năm nay, khi các quốc gia triển khai tiêm đại trà vắc-xin ngừa Covid-19. Tuy vậy, nếu tình hình diễn biến bất lợi, dịch bệnh tiếp tục gia tăng và việc triển khai vắc-xin bị trì hoãn, mức tăng trưởng toàn cầu có thể giảm xuống 1,6%. Ngược lại, đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể đạt gần 5% trong năm 2021 nếu thế giới kiểm soát đại dịch hiệu quả.

Theo WB, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã giảm 4,3% trong năm 2020, dẫn tới việc hơn một nửa số quốc gia bị tụt hạng trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021. Bỏ lại những khó khăn, năm 2021 được kỳ vọng có thể đánh dấu sự phục hồi kinh tế giai đoạn đầu, tương tự thời kỳ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Theo WB, GDP của các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng 5% trong năm 2021, sau khi giảm 2,6% năm 2020. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ phục hồi chậm và đối mặt nhiều thách thức, với mức tăng trưởng ước đạt 3,3% năm 2021, sau khi giảm 5,4% năm 2020. Tuy nhiên, tiến trình phục hồi kinh tế ở các khu vực sẽ không đồng đều và phần lớn chưa thể quay trở lại mức tăng trưởng như trước đại dịch cho tới năm 2022.

Cũng theo báo cáo của WB, GDP của Nhật Bản được dự báo sẽ tăng 2,5% trong năm 2021, sau khi giảm tới 5,3% trong năm 2020. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ có nhiều động lực phục hồi mạnh mẽ, nhất là trong nửa cuối năm 2021, như việc tăng tốc triển khai vắc-xin ngừa Covid-19 và nỗ lực tổ chức Olympic theo đúng kế hoạch vào tháng 7/2021.

2. Kinh tế Nhật Bản

2.1. Tình hình kinh tế Nhật Bản

Ngày 15/2/2021, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản trong quý IV/2020 đã tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý tăng trưởng thứ 2 liên tiếp của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020.

Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết GDP thực tế tăng 3% so với quý trước đó. Điều này cho thấy nền kinh tế Nhật Bản vẫn tiếp tục phục hồi mạnh bất chấp đại dịch. Trước đó, trong quý III/2020, GDP thực tế của Nhật Bản đã tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ năm 1980. Tuy nhiên, nếu xét cả năm 2020, GDP thực tế của Nhật Bản lại giảm 4,8%. Đây là mức giảm mạnh thứ 2 kể từ khi Nhật Bản bắt đầu thu thập số liệu vào năm 1955. Trước đó, vào năm 2009, GDP của Nhật Bản đã giảm 5,7% do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản có thể tạm ngưng trong quý I/2021 sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, khiến Thủ tướng Suga Yoshihide phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở 11 tỉnh, thành, trong đó có thủ đô Tokyo, từ đầu tháng 1.

Trong phiên giao dịch ngày 15/2/2021, chỉ số Nikkei của Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE) lần đầu tiên vượt ngưỡng 30.000 điểm trong vòng 30 năm qua. Nguyên nhân là do tác động của những diễn biến tích cực ở Phố Wall vào cuối tuần trước, cũng như những hy vọng của nhà đầu tư rằng dịch Covid-19 sẽ sớm được khống chế, sau khi Chính phủ Nhật Bản cấp phép lưu hành vắc-xin phòng Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ). Bên cạnh đó, những số liệu tích cực do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố cùng tác động tích cực tới tâm lý của các nhà đầu tư.

Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 17/2/2021 cho biết xuất khẩu trong tháng 1/2021 đã tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với dự báo tăng 6,6% của giới chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, và tiếp nối đà tăng 2% trong tháng 12/2020. Xuất khẩu tăng do nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc, và tâm lý của các nhà sản xuất lần đầu tiên lạc quan kể từ năm 2019 với dấu hiệu kinh tế dần hồi phục sau đợt sụt giảm mạnh do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Số đơn đặt hàng máy móc cốt lõi đã bất ngờ tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 12/2020, một dấu hiệu khích lệ cho sự phục hồi do nhu cầu tư nhân dẫn dắt, ngay cả khi việc tái thiết lập các biện pháp hạn chế ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 ảnh hưởng xấu tới các hoạt động kinh doanh.

Tính theo khu vực, xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản trong tháng 1/2021 tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất kể từ tháng 4/2020, với nhu cầu tăng cao nhất là thiết bị sản xuất chip, nhựa và kim loại màu. Xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ giảm 4,8% do nhu cầu đối với phụ tùng máy bay, động cơ và ô tô giảm.

2.2. Chính sách của Ngân hành Trung ương Nhật Bản (BOJ)

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOS) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong tài khóa 2020 (kết thúc vào cuối tháng 3/2021), đồng thời duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, trong bối cảnh nước này áp dụng tình trạng khẩn cấp lần hai để khống chế dịch Covid-19.

Trong báo cáo định kỳ hằng quý công bố sau khi kết thúc 2 ngày họp BOJ cho biết, trong năm tài khóa 2020, kinh tế Nhật Bản có thể sẽ giảm 5,6%, cao hơn mức dự báo giảm 5,5% ngân hàng này đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng không bao gồm thực phẩm tươi sống cũng được dự báo giảm 0,5% so với tài khóa trước đó, thấp hơn mức dự báo giảm 0,6% đưa ra trước đó.

BOJ dự báo, trong tài khóa 2021 (từ đầu tháng 4/2021 đến hết tháng 3/2022), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản có thể sẽ tăng trưởng 3,9%, cao hơn mức dự báo 3,6% đưa ra hồi tháng 10/2020. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 “phủ mây đen” lên triển vọng kinh tế, BOI quyết định duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất dài hạn ở quanh mức 0%.

Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới phục hồi trở lại mức trước đại dịch Covid-19, với sự hỗ trợ của các biện pháp kích thích trong tài khóa 2021. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng quan điểm như vậy dường như quá lạc quan và sự tái bùng phát các ca nhiễm biến thể mớicủa virus SARS-Cov-2 gây bệnh Covid-19 có thể kìm hãm đà phục hồi kinh tế vào đầu năm 2021.

3. Ngân sách bổ sung trong năm tài khoá 2020 và các gói hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ

Ngày 28/01/2021, Quốc hội Nhật Bản thông qua dự thảo ngân sách bổ sung thứ ba trong tài khóa 2020 để tài trợ cho các biện pháp ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và vực dậy nền kinh tế. Tổng trị giá của ngân sách bổ sung thứ ba là gần 19.180 tỷ yen (khoảng 185 tỷ USD), trong đó có 3.750 tỷ yen là số tiền còn lại trong các ngân sách trước đó của tài khóa 2020.

Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ phân bổ 4.360 tỷ yên cho các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như hỗ trợ tài chính cho các nhà hàng và quán bar khi phải rút ngắn thời gian hoạt động theo yêu cầu của chính quyền và hỗ trợ các cơ sở y tế đảm bảo đủ giường bệnh cho các bệnh nhân Covid-19. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi 1.030 tỷ yen để kéo dài thời gian triển khai chương trình kích cầu du lịch “Go To Travel” tới cuối tháng 6/2021, và khoảng 2.000 tỷ yen để thiết lập một quỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển các công nghệ xanh hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải CO2 vào năm 2050.

Ngân sách bổ sung thứ ba là một phần của gói kích thích kinh tế mới nhất có tổng trị giá 73.600 tỷ yen được soạn thảo dưới thời chính quyền của Thủ tướng Yoshihide Suga nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn vì dịch. Ngoài ngân sách này, Chính phủ Nhật Bản sẽ sử dụng một phần trong ngân sách của tài khóa 2021 và nguồn vốn tư nhân để tài trợ cho gói kích thích kinh tế đó.

Từ đầu tài khóa 2020 đến nay, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua hai dự thảo ngân sách bổ sung với tổng trị giá lên tới 57.600 tỷ yen để tài trợ cho các gói kích thích nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế vượt qua các khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Trên cơ sở đó, Chính phủ Nhật Bản đã tung ra hai gói kích thích kinh tế có tổng trị giá lên tới 230.000 tỷ yen.

Như vậy, trong tài khóa 2020, tổng chi ngân sách của Nhật Bản, gồm ngân sách thường niên và ba ngân sách bổ sung, lên tới 175.687,8 tỷ yen, cao nhất từ trước đến nay và gấp 1,7 lần so với dự toán ngân sách ban đầu mà Quốc hội đã thông qua năm ngoái (102.658 tỷ yên). Tổng khối lượng trái phiếu mà Chính phủ Nhật Bản phát hành trong tài khóa 2020 để tài trợ cho các dự thảo ngân sách đó dự kiến lên tới hơn 112.550 tỷ yen, cao nhất từ trước tới nay.

Ngoài dự thảo ngân sách bổ sung thứ ba của tài khóa 2020, trong kỳ họp thường niên khai mạc hôm 18/01/2021, Quốc hội Nhật Bản dự kiến sẽ thảo luận và thông qua dự thảo ngân sách cho tài khóa 2021 có giá trị cao kỷ lục lên tới gần 106.610 tỷ yen, tăng 3,8% so với ngân sách của tài khóa trước. Nếu dự thảo này được Quốc hội thông qua, đây là năm thứ ba liên tiếp ngân sách thường niên của Nhật Bản vượt ngưỡng 100.000 tỷ yên.

Ngày 09/2/2021, Chính phủ Nhật Bản quyết định trích tiếp 1.1140 tỷ yen (khoảng 10,8 tỷ USD) từ quỹ dự phòng tỏng ngân sách của tài khoá 2020 để hỗ trợ cơ sở kinh doanh vượt qua khó khăn vì dịch Covid-19. Theo đó, 880,2 tỷ yen sẽ được cấp cho các địa phương để hỗ trợ tài chính cho các cửa hàng và quán bar phải rút ngắn thời gian hoạt động theo yêu cầu của chính quyền, với mức hỗ trợ tối đa là 60.000 yen/ngày. Số tiền còn lại được sử dụng để cung cấp các khoản trợ cấp một lần cho các doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng bới các biện pháp mà Chính phủ đã áp dụng khi ban bố tình trạng khẩn cấp, với mức hỗ trợ tối đa 600,000 yen cho một doanh nghiệp vừa và nhỏ, và 300.000 yen cho một hộ kinh doanh cá thể. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng dành 8,1 tỷ yen để chi cho các cuộc khảo sát về tình hình dịch bệnh, trong đó có việc tiến hành xét nghiệm ở các khu vực áp dụng tình trạng khẩn cấp.

Trong tài khóa 2020, kết thúc vào cuối tháng 3/2021, Chính phủ Nhật Bản đã lập quỹ dự phòng 11.500 tỷ yen để ứng phó với dịch Covid-19. Sau quyết định duyệt chi ngày 09/02/2021, quỹ này còn 2.680 tỷ yên.

4. Tình hình kinh doanh của một số doanh nghiệp Nhật Bản

Trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, các hãng xe Nhật Bản vẫn có doanh số bán hàng tăng cao. Hãng sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota công bố số liệu cho thấy doanh số tiêu thụ xe mới của hãng này ở Trung Quốc đã tăng 30,4% trong tháng 01/2021 so với cùng kỳ năm 2020 lên 189.500 chiếc. Đây là mức doanh số cao kỷ lục trong một tháng mà Toyota từng ghi nhận tại thị trường của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra, “gã khổng lồ” này cũng ghi dấu tháng thứ 10 liên tiếp có doanh số tiêu thụ cao hơn cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, doanh số của hãng Nissan cũng ghi nhận mức tăng 23,8% trong tháng 1/2021, đạt 146.245 chiếc và tiếp tục duy trì đà tăng mạnh. Tuy nhiên, do nguồn cung chất bán dẫn toàn cầu thiếu hụt, nên hoạt động sản xuất và tiêu thụ có thể bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Ngoài ra, doanh số tiêu thụ trong tháng Một của Nissan cũng ghi nhận tháng tăng thứ 5 liên tiếp, với tốc độ tăng trưởng cao hơn so với các tháng cuối năm 2020. Trong đó, doanh số tiêu thụ ô tô dưới 9 chỗ tăng 22,5%, đạt 124.077 chiếc, ô tô chở hàng tăng 50%, đạt 20.606 chiếc.

Trong khi đó, doanh số bán hàng của hãng xe Honda cũng tăng 4,8%, đạt 157.457 chiếc, ghi nhận tháng tăng thứ 7 liên tiếp nhưng với tốc độ tăng trưởng chậm lại so với trước đó. Trong bối cảnh nguồn cung chất bán dẫn tiếp tục thiếu hụt trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng đối với hoạt động của các hãng ô tô của Nhật Bản ở Trung Quốc vẫn tương đối hạn chế. Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu gồm Toyota Motor Corp và Volkswagen AG đã phải chịu cảnh thiếu chip kể từ cuối năm ngoái khi hoạt động sản xuất của họ bị tạm ngừng trong thời gian ngắn, mặc dù doanh số bán ô tô nhanh chóng phục hồi tại một số thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, tình hình đang có dấu hiệu tốt dần lên và dự kiến sẽ không có ảnh hưởng lớn trong tài khóa tiếp theo (bắt đầu từ tháng 4/2021).

(Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here