WTO trước nguy cơ sụp đổ và viễn cảnh một thế giới không có WTO!

0
425
Ảnh minh họa

Đánh giá về hệ thống thương mại quốc tế hiện nay, các chuyên gia kinh tế Dadush và Wolff của Trung tâm Bruegel, Bỉ, nhận định WTO đang bị đe dọa trên 4 phương diện: Thứ nhất là các đàm phán không có khả năng tiến triển trên các vấn đề mấu chốt, từ tự do hóa lĩnh vực dịch vụ hay hạn chế trợ cấp nông nghiệp đến các vấn đề mới hơn như thương mại số. Thứ hai là việc Chính quyền Trump công khai coi thường các quy định của WTO bằng các hành động đơn phương. Thứ ba là việc Mỹ thách thức thẩm quyền của cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, từ chối gia hạn nhiệm kỳ cho các thành viên của cơ quan phúc thẩm của cơ chế này. Trong các trao đổi riêng, một số quan chức thương mại cấp cao thậm chí còn cho rằng Mỹ trên thực tế đã rời WTO. Ngay cả khi chính quyền Mỹ dường như sắp đảo ngược xu hướng này, hệ thống thương mại quốc tế cũng không thể giữ độ tin cậy vốn có. Thứ tư là việc Trung Quốc thi hành các chính sách viện trợ dành cho các doanh nghiệp và ép buộc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.

Hai chuyên gia kinh tế trên cho rằng, bên cạnh bảo vệ sự tồn tại của WTO, cộng đồng quốc tế cũng cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất với khả năng không còn sự tồn tại của tổ chức này và xác định các hậu quả có thể xảy ra nếu cộng đồng quốc tế thất bại trong việc tìm ra một đồng thuận cho tương tai của WTO. Trên cơ sở đó, hai nhà kinh tế đưa ra bốn dự báo về viễn cảnh một thế giới không có WTO:

Thứ nhất, hình thành một hệ thống dựa trên liên kết sức mạnh, các thỏa thuận song phương, tiêu chuẩn và thông lệ (không ràng buộc) thừa hưởng lại từ WTO. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra tình trạng leo thang các biện pháp bảo hộ trên khắp thế giới.

Thứ hai, quyền lực sẽ được phân chia đều giữa ba chủ thể chính của thương mại thế giới là Mỹ, EU và Trung Quốc. Ba chủ thể này sẽ tìm cách ký các thỏa thuận song phương với nhau để giảm tình trạng bấp bênh nhưng có quy mô hạn chế hơn nhiều so với các thỏa thuận đã đạt được trước đây như Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Ba chủ thể này sẽ tìm cách duy trì các quy định và ràng buộc hiện tại của WTO, đồng thời tạo ra một cơ chế giải quyết tranh chấp song phương. Khả năng đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, Trung-EU là khá ít. Thực tế, điều này sẽ gây ra tình trạng hàng loạt tranh chấp thương mại diễn ra liên tiếp và không thể kiểm soát được, môi trường thương mại thế giới diễn biến khó lường.

Thứ ba, đứng trước lựa chọn giữa sự hỗn loạn và một thỏa thuận thương mại, các nước nhỏ hơn sẽ buộc phải chấp nhận các thỏa thuận bất cân xứng với Trung Quốc, Mỹ và EU. Hệ thống thương mại sẽ bị chia nhỏ thành ba khối xung quanh ba cường quốc và gần như sẽ không có khả năng đưa ra quy định chung điều chỉnh các vấn đề thương mại điện tử, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trợ cấp chính phủ, thuế các-bon và đầu tư.

Thứ tư, môi trường “phi hệ thống” với các hành động đơn phương và thỏa thuận song phương có thể sẽ làm gia tăng phân biệt đối xử đối với các nước thứ ba. Trong các thỏa thuận song phương Mỹ mới ký hoặc đang thương lượng, chúng ta đã thấy tác động của việc thắt chặt các quy định về nguồn gốc, hạn chế nhập khẩu, kiểm soát thương mại, gạt khỏi danh sách một số mặt hàng nhập khẩu từ các bên thứ ba trên cơ sở yếu tố địa chính trị.

(Nguồn: ĐSQVN tại Pháp – theo Chuyên gia kinh tế Uri Dadush và Guntram Wolff, báo Le Monde ngày 22/4/2019).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here