World Bank: Nếu cải cách quyết liệt, Việt Nam có thể đón lợi ích “lớn chưa từng có trong lịch sử” từ EVFTA

0
186

Theo Ngân hàng Thế giới World Bank (WB), Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực thực thi để “gặt hái” đầy đủ lợi ích của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).

WB ước tính, chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi theo Hiệp định EVFTA có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030.

Trong báo cáo “Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi Hiệp định EVFTA” được công bố mới đây, WB ước tính, chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi theo Hiệp định EVFTA có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030, đồng thời thêm 100.000 – 800.000 người thoát nghèo vào năm 2030. Những lợi ích này là cần thiết để duy trì thành quả kinh tế tích cực trong thời điểm Việt Nam nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid- 19.

Theo WB, Liên minh châu Âu (EU) là một trong những đối tác thương mại ổn định và quan trọng nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng trưởng ổn định với tốc độ trung bình 16%/năm và Việt Nam đã đạt được thặng dư thương mại với EU trong hai thập kỷ qua.

Việc thực hiện EVFTA sẽ giúp cải thiện thương mại song phương với EU, duy trì kết quả thương mại tích cực và hỗ trợ củng cố các chuỗi giá trị toàn cầu quan trọng của Việt Nam,… Quan trọng hơn cả là những thay đổi cơ bản về cơ cấu và thể chế kinh tế nhờ việc thực hiện EVFTA và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)  sẽ giúp tăng cường các cải cách trong nước và giúp Việt Nam trở thành một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh và đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ hơn.

Theo đó, EVFTA sẽ mang lại nhiều lợi ích trước mắt, quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam thông qua tăng trưởng nhanh hơn, thương mại lớn hơn và giảm nghèo nhanh hơn. Nếu thực hiện đồng thời cả EVFTA và CPTPP, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tới 3,2% trong thập kỷ tới. Ngoài việc thực hiện các hiệp định thương mại, nếu Việt Nam tiến hành các cải cách khác ở trong nước để nâng cao năng suất, GDP có thể tăng thêm đến 6,8% vào năm 2030, cao hơn 4% so với mức tăng thu nhập có được nếu chỉ thực hiện EVFTA.

“Khi hành động kiên quyết nhằm thu hẹp khoảng cách về năng lực triển khai và tính tương thích pháp lý, Việt Nam có thể tận dụng tối đa EVFTA, với những lợi ích ở mức lớn chưa từng có trong lịch sử. Với Covid-19 là nút khởi động lại và EVFTA là nút tăng tốc, đây là thời điểm hoàn hảo để theo đuổi những cải cách trong nước sâu rộng hơn”, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione khẳng định.

Theo đánh giá của WB, yêu cầu về quy tắc xuất xứ là một trong những thách thức chính mà Việt Nam phải vượt qua. Ngay cả khi sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, các nhà nhập khẩu EU chưa chắc đã công nhận nguồn gốc đó bởi sản phẩm của Việt Nam vẫn còn phải phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Điển hình như trong các ngành chế tạo chế biến xuất khẩu chủ chốt, phần lớn đầu vào vẫn nhập khẩu từ các quốc gia khác (62% trong lĩnh vực điện tử và 53% trong lĩnh vực ôtô).

Vì vậy, WB cho rằng, Việt Nam cần phải tăng cường nỗ lực để cải thiện liên kết giữa các đơn vị cung ứng trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài là những công ty đầu đàn trong các chuỗi giá trị lớn trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm chặt chẽ của EU cũng đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện minh bạch và nhất quán về các biện pháp vệ sinh dịch tễ.

WB cho rằng, khi EVFTA được phê chuẩn, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư từ châu Âu và trên toàn thế giới. Khi dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng lên, số lượng đơn thư khiếu nại thương mại cũng sẽ tăng theo. Do đó, WB khuyến nghị, Việt Nam cần đẩy nhanh việc hình thành Cơ chế xử lý khiếu nại đầu tư một cách hệ thống để xử lý tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Để tối đa hóa lợi ích của Hiệp địch EVFTA, WB nhấn mạnh, các chính sách hỗ trợ khôi phục kinh tế sau Covid-19 của Việt Nam cần ưu tiên các ngành hàng chủ chốt, chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu. Theo đó, doanh nghiệp đóng vai trò cơ bản trong hoạt động này, nhưng Chính phủ cũng nên xác định ưu tiên rõ ràng trong các gói tài chính và tín dụng chung đã được công bố để hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường EU.

Đồng thời, các hiệp hội doanh nghiệp nên tích cực thúc đẩy doanh nghiệp thông qua nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các lợi ích của EVFTA và hướng dẫn về pháp lý để tận dụng triệt để lợi ích từ Hiệp định này.

An Việt

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here