WB, IMF và ADB đánh giá thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2021?

0
134
WB nhận định, trong phần còn lại của 2021, chính sách tiền tệ được kỳ vọng tiếp tục nới lỏng và cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời hạn trả nợ. (Nguồn: Medium)

Dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021, mới đây các Tổ chức Quốc tế uy tín đều đã đưa ra các con số mới, đáng chú ý WB vẫn tỏ ra tương đối lạc quan, trong khi ADB và IMF đã có sự thay đổi.

Mới đây, trong Bản tin cập nhật về Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) đã giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống còn từ 2 – 2,5%. Theo tính toán của WB, GDP quý III/2021 của Việt Nam đã giảm 6,2% so cùng kỳ năm 2020, mức giảm mạnh nhất kể từ khi Việt Nam công bố GDP theo quý. Với mức suy giảm sâu này và phụ thuộc vào mức độ mạnh mẽ của quá trình phục hồi kinh tế trong quý IV/2021, GDP năm 2021 hiện được ước tính tăng trưởng với tốc độ từ 2% đến 2,5%, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 4,8% mà WB công bố hồi tháng 8/2021.

Trong khi đó, trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể sẽ đạt mức 3,78% năm 2021, giảm 2,72% so với mức dự báo 6,5% vào tháng 4/2021. Theo IMF, những đứt gãy trong các chuỗi cung ứng và sức ép giá đang kiềm chế đà phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19, sự thiếu hụt nguồn cung và giá hàng hoá tăng trở lại khiến lạm phát giá tiêu dùng tăng nhanh ở nhiều nước. Giá lương thực tăng mạnh nhất ở các nước thu nhập thấp – nơi tình trạng mất an ninh lương thực đang ở mức nghiêm trọng nhất.

Trước đó, Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2021 công bố ngày 22/9, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức 3,8% trong năm nay, giảm dần so với dự báo hồi tháng 4/2021 là 6,7%, sau đó đến tháng 7/2021 điều chỉnh giảm còn 5,8%. Theo ADB, kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng chậm hơn do sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, làm gián đoạn nguồn lao động, giảm sản lượng công nghiệp và gây đứt gãy chuỗi giá trị nông nghiệp. Tăng trưởng đã phục hồi trong nửa đầu năm 2021, chủ yếu do lưu lượng thương mại tăng cao, nhưng đã chậm lại trong nửa cuối năm do làn sóng thứ tư của đại dịch ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và thị trường lao động. Lạm phát dự báo sẽ được kiềm chế trong năm 2021 và 2022 do tốc độ tăng trưởng chậm lại. Dự báo của ADB cho Việt Nam dựa trên giả định tình hình dịch bệnh tại Việt Nam sẽ được kiểm soát vào cuối năm 2021, và tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số vào quý 2 năm 2022.

Về thứ hạng nền kinh tế Việt Nam ở Đông Nam Á, theo dự báo trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) mới cập nhật ngày đầu tháng 10 của IMF, nhiều khả năng trong năm 2021, Việt Nam sẽ đứng thứ 6 Đông Nam Á về quy mô kinh tế, với mức tăng trưởng 3,8%, đạt 353,77 tỷ USD. Trong khi đó, Malaysia sẽ vươn lên đứng thứ 4 trong khu vực với mức tăng trưởng 6,5% và đạt 358,19 tỷ USD.

Còn theo dự báo mới nhất của ADB, Việt Nam sẽ đứng ở vị trí thứ 5. Trong khi Singapore giành lại vị trí thứ 4 về quy mô kinh tế với mức tăng trưởng 6,5%, đạt 359,38 tỷ USD. Malaysia được ADB dự báo mức tăng trưởng 4,7%, thấp hơn so với mức dự báo 6,5% của IMF. Nên theo ADB, vị trí của Malaysia về GDP vẫn chưa được cải thiện trong năm nay.

Mức dự báo của World Bank cho tăng trưởng kinh tế của Malaysia thấp hơn thấp hơn hẳn so với IMF và ADB với 3,3%. Đồng thời, tổ chức này cũng lạc quan hơn so với IMF và ADB về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, khiến thứ hạng giữa các nền kinh tế không có sự thay đổi so với năm 2020.

World Bank đánh giá: “Mặc dù có khả năng chống chịu tương đối tốt, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế ngày càng nghiêm ngặt hơn nhằm kiểm soát đợt bùng phát dịch tháng 4 trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vắc-xin còn thấp”.

World Bank cũng nhận định, trong phần còn lại của 2021, chính sách tiền tệ được kỳ vọng tiếp tục nới lỏng và cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời hạn trả nợ. Chính sách tài khóa sẽ mang tính hỗ trợ hơn thông qua đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.

Trong dài hạn, World Bank vẫn cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi. Theo tổ chức này, những dự báo báo này được tính toán trên giả định là các biện pháp hạn chế đi lại sẽ giúp kiểm soát lây nhiễm thành công vào cuối quý III/2021 để nền kinh tế bật lại vào quý IV/2021.

Văn An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here