Báo cáo được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 28/9 giữ nguyên mức dự báo cách đây 1 tháng về tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021.
Theo đó, GDP Việt Nam được dự báo đạt khoảng 4,8% trong 2021 và phục hồi tốc độ tăng trưởng ở mức 6,5-7% từ 2022 trở đi. Được biết, tính toán này dựa trên giả định Việt Nam kiểm soát được lây nhiễm Covid-19 vào cuối quý III để nền kinh tế bật lại trong quý IV; kinh tế toàn cầu duy trì đà hồi phục, đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ với hàng xuất khẩu của Việt Nam ở những thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc.
Bên cạnh đó, WB cho rằng quá trình phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ bằng chiến dịch tiêm chủng diện rộng giúp 70% dân số trưởng thành được tiêm vaccine vào giữa 2022, giúp ngăn ngừa các đợt dịch nghiêm trọng mới. Tuy nhiên, tổ chức này lưu ý, các dự báo còn phụ thuộc vào những rủi ro bao gồm dịch bùng phát dịch kéo dài, gây gián đoạn hoạt động kinh tế.
WB nhận xét, trong thời gian còn lại của 2021, chính sách tiền tệ được kỳ vọng tiếp tục nới lỏng và cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời hạn trả nợ. Chính sách tài khóa sẽ mang tính hỗ trợ hơn thông qua đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt sau khi gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại.
Trước đó, ngày 27/9, tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế – xã hội, góp ý với chủ đề COVID-19: Kinh tế Việt Nam lấy lại ánh hào quang, ông Jacques Morisset – chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam – đánh giá Việt Nam đã chuyển từ hạng sao xuống hạng dưới trung bình do tình hình y tế xấu đi, tiêm chủng chậm và yêu cầu hạn chế di chuyển nghiêm ngặt, các chính sách ứng phó về kinh tế có quy mô nhỏ và thiếu cân bằng, trợ giúp xã hội “rụt rè và hạn chế”, ít hơn nhiều so với hầu hết các nước châu Á.
Ông Jacques Morisset cũng khuyến nghị việc quản lý hạn chế di chuyển cần thông minh hơn, trên cơ sở giám sát chặt chẽ và chia sẻ thông tin để điều chỉnh các biện pháp hạn chế di chuyển, đơn giản hóa và điều phối các quy trình.
Để ổn định kinh tế vĩ mô, cần hướng sang chính sách tài khóa nhiều hơn và thực hiện chính sách tiền tệ ít hơn. Bởi theo đánh giá của WB, chính sách tài khóa là công cụ mà Chính phủ chưa sử dụng nhiều, nhưng lại có thể giúp kích cầu trong ngắn hạn và cung trong dài hạn, trong khi dư địa tài khóa trong hiện tại và ngắn hạn đều có thể thực hiện.
Trong khi đó, về các chính sách tiền tệ WB đánh giá Chính phủ sử dụng công cụ này nhiều hơn để hỗ trợ tạm thời cho doanh nghiệp, nhưng tương đối kém hiệu quả và có thể tăng rủi ro cho tài chính do nợ xấu tăng cao, thiếu minh bạch trong những gói giải cứu.
Với các chương trình trợ giúp xã hội, WB khuyến nghị cần hiệu quả hơn để giảm bớt gánh nặng kinh tế, trong đó Việt Nam cần tăng cường khả năng phục hồi thông qua một hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt.
Đơn cử, cần phân bổ thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội từ chính sách tài khóa; xây dựng một cơ quan đăng ký xã hội quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật số để nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương; mở rộng quy mô thanh toán điện tử để tiếp cận một cách hiệu quả những người thụ hưởng đã được xác định.
Đồng thời, đã đến lúc cần suy nghĩ và thực hiện những cải cách thể chế quan trọng để nâng cao hiệu quả/hiệu lực thực thi chính sách. Trong đó, cần tổ chức thể chế xung quanh một trụ cột vững chắc, đơn giản hóa các quy trình và thủ tục hành chính, sử dụng thông minh các công cụ thị trường, tăng cường thực thi các quy định pháp luật…
Hiện một số tổ chức trong nước cũng nhìn nhận kinh tế Việt Nam hoàn toàn đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 3,5-4% bất chấp nhiều khó khăn, ngay cả khi GDP quý III có thể âm do tác động của Covid-19.
Mức dự báo củaWB tỏ ra lạc quan hơn của ADB khi cao hơn 1 điểm phần trăm. Trước đó, cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam vào sáng 22/9, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2021 thêm 2 điểm phần trăm so với báo cáo trước đó. Theo đó, ADB cho rằng GDP Việt Nam 2021 chỉ tăng trưởng 3,8%, giảm mạnh so với mức 6,7% hay 5,8% dự báo trước đó.
Chu Văn