WB: Đợt dịch Covid-19 thứ tư có thể ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế Việt Nam

0
51
(TTXVN)
(TTXVN)
Báo cáo cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 vừa công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra khuyến nghị liên quan tới đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư tại Việt nam…

Kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4, Chính phủ Việt Nam đã phải nhanh chóng ứng phó bằng việc đóng cửa trường học và áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại mới.

Theo báo cáo của WB, trong tháng 4, sản xuất công nghiệp tiếp tục mở rộng nhờ nhu cầu vững chắc trên thị trường thế giới và nhu cầu trong nước đang phục hồi.

Trong tháng 4, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,1% so với tháng trước và 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái là do cơ sở so sánh thấp khi hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt phong tỏa phòng dịch vào tháng 4/2020.

Tháng 4 cũng ghi nhận doanh số bán lẻ tăng trở lại với mức tăng 2,3% so với tháng trước, cho thấy nhu cầu tiêu dùng đã phục hồi phần nào từ sau đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ ba vào cuối tháng 1/2021. Tuy nhiên, giá trị doanh số chung vẫn thấp hơn so với tháng 1.

Thương mại hàng hóa tiếp tục đạt kết quả tốt nhờ nhu cầu cao từ Mỹ và các đối tác thương mại lớn khác. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm nhẹ 3,4% trong tháng 4 so với tháng trước, trong khi nhập khẩu tiếp tục tăng 2,6% trong tháng 4/2020.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm trong tháng 4, nhưng nhìn chung vẫn ổn định trong 4 tháng đầu năm. Trong tháng 4, Việt Nam thu hút 2,2 tỷ USD vốn FDI, thấp hơn 53% so với tháng trước và thấp hơn 42% so với cùng kỳ năm trước.

“Sự sụt giảm này một phần phản ánh sự biến động hàng tháng trong giá trị đăng ký của một số dự án lớn riêng lẻ. Trong 4 tháng đầu năm, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gần như tương đương với cùng kỳ năm 2020”, báo cáo chỉ ra.

Trong tháng 4, lạm phát của Việt Nam tăng do nhu cầu tiêu dùng phục hồi sau khi làn sóng dịch Covid-19 thứ ba được kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,5% so với tháng trước, chủ yếu do giá hàng tiêu dùng tăng cao, bao gồm thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, quần áo, đồ dùng và thiết bị gia dụng.

“Điều này phản ánh sự phục hồi trong tiêu dùng của các hộ gia đình sau đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ ba ở trong nước”, bác cáo của WB chỉ ra.

Trong khi đó, tín dụng cho nền kinh tế tăng 2% so với tháng trước, phản ánh nhu cầu tín dụng tăng do các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong đợt nghỉ lễ cuối tháng 4 và đầu tháng 5.

WB đánh giá tình hình tài khóa của Việt Nam được cải thiện khi ngân sách nhà nước thặng dư khoảng 80.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm. Thu ngân sách đạt 543.400 tỷ đồng, bằng 40,5% kế hoạch năm và cao hơn 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, các chuyên gia của WB lưu ý rằng đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư sẽ khiến các hoạt động kinh tế trong nước bị ảnh hưởng, đặc biệt là những lĩnh vực như du lịch, vận tải và bán lẻ. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào sự nghiêm trọng của đợt bùng phát này và mức độ ứng phó nhanh chóng của Chính phủ.

“Trong thời gian tới, sự phục hồi kinh tế đang diễn ra có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư. Nếu cần duy trì hoặc thắt chặt các biện pháp hạn chế mới về y tế và đi lại, Chính phủ có thể cần xem xét một gói kích thích tài khóa mới, bao gồm một gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, báo cáo của WB khuyến nghị.

(Quang Thanh/vneconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here