Vượt muôn trùng khó khăn, xuất khẩu dệt may vẫn cán đích 43-44 tỷ USD

0
49
Đơn hàng các tháng cuối năm nay và quý I/2023 của nhiều doanh nghiệp giảm khá mạnh, mức giảm bình quân 25 - 27%. (Nguồn: Báo Đấu thầu)

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 2022 là năm thách thức của ngành khi đứng trước sức ép kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn khiến cầu hàng dệt may sụt giảm.

Đơn hàng các tháng cuối năm nay và quý I/2023 của nhiều doanh nghiệp giảm khá mạnh, mức giảm bình quân 25 – 27%. (Nguồn: Báo Đấu thầu)

Khó khăn vẫn đang bủa vây nửa cuối năm, lạm phát, chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ảnh hưởng đến sức mua toàn cầu khiến đơn đặt hàng của các doanh nghiệp bị giảm.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS), giá nguyên liệu đầu  vào ngành dệt may giảm, tuy nhiên, giá bán giảm theo nên biên lợi nhuận gộp không được cải thiện, trong khi đó lỗ tỷ giá tăng mạnh.

Song song với đó, chi phí nhân công tăng cao trong môi trường cạnh tranh làm các doanh nghiệp mất dần lợi thế. Nhu cầu tại 2 thị trường lớn nhất là Mỹ (lạm phát) và Liên minh châu Âu (EU – khủng hoảng năng lượng) sụt giảm trong khi lượng hàng tồn kho cao, nhiều đơn hàng bị hủy. Trong chuỗi giá trị ngành may mặc, Việt Nam là nước gia công nên biên lợi nhuận thấp. Chi phí nhân công đang tăng mạnh do cạnh tranh.

Vitas cũng nhận định, đơn hàng các tháng cuối năm nay và quý I/2023 của nhiều doanh nghiệp giảm khá mạnh, mức giảm bình quân 25 – 27%. Đặc biệt, với doanh nghiệp làm hàng gia công, sự suy giảm này càng nặng hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực từ lãi suất ngân hàng tăng, mua nguyên phụ liệu và tỷ giá chênh lệch.

Tuy vậy, số liệu của Vitas cho thấy, dệt may vẫn cán đích 43-44 tỷ USD, tăng gần 9% so với 2021.

Cụ thể, Mỹ vẫn là nước nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất, với hơn 18 tỷ USD. Tiếp theo là Hàn Quốc với 4,2 tỷ USD, Nhật Bản và Trung Quốc ở mức gần 4 tỷ USD…

Dự đoán tình hình ngành dệt may năm 2023 tại Hội nghị tổng kết ngành dệt may năm 2022 diễn ra mới đây, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho rằng, ngành dệt may sẽ xấu hơn năm 2022. Nếu suy thoái kinh tế thế giới thì năm 2024 còn xấu hơn 2023.

Chủ tịch Lê Tiến Trường nhấn mạnh: “Dệt may là ngành có chu kỳ sản xuất ngắn, nhu cầu rất nhạy với thu nhập và việc làm trên thế giới nên không thể có một dự báo dài hạn cho cả năm, trong điều kiện kinh tế bất định như hiện nay”.

Còn theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, năm 2023, ngành dệt may đưa ra hai kịch bản tăng trưởng. Theo đó, kịch bản tích cực là xuất khẩu dệt may có thể đạt 47- 48 tỷ USD và kịch bản kém tích cực hơn là đạt khoảng 45 – 46 tỷ USD.

Theo ông Giang, với dự báo tổng cầu dệt may thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ trong quý III và quý IV năm sau, cùng với việc tận dụng được các hiệp định thương mại (FTA) và sự đa dạng của thị trường, các doanh nghiệp đã xuất khẩu tới 66 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có thị trường lớn như Mỹ, EU… Đây sẽ là lực đẩy cho các doanh nghiệp gia tăng sản xuất, xuất khẩu trong thời gian tới.

Thứ hai là trước đây, Việt Nam cung cấp sản phẩm cho các nước đạo Hồi với tỷ trọng nhỏ, nhưng đến nay, doanh nghiệp đang cung cấp hàng cho thị trường này rất lớn, họ chuyển dịch một phần đơn hàng từ các nước Bangladesh, Myanmar sang.

Ngoài ra, dệt may việt Nam đã và đang thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước để doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất, phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số, kinh tế tuần hoàn.

Thời gian tới, theo ông Giang, cần khuyến khích doanh nghiệp dệt may phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch Vitas cho biết, sẽ đề xuất duy trì chính sách thuế VAT 8%; có giải pháp hỗ trợ người lao động như cho doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội 1 – 2 tháng; đồng thời có chính sách ưu đãi về điện, xăng dầu, đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động…

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here