Vòng đàm phán thương mại Trung-Mỹ lần thứ 7 tại Washington tiếp tục đứng trước các diễn biến khó khăn mới

0
51
ảnh minh hoạ

Dù chưa có tuyên bố chính thức, nhưng tại vòng đàm phán thứ 7, hai bên Mỹ – Trung được cho đã thảo luận về sáu bản ghi nhớ trên các lĩnh vực nông sản, dịch vụ, chuyển giao công nghệ, an ninh mạng, sở hữu trí tuệ, tiền tệ, hàng rào phi thuế quan.

Mỹ cũng yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường dịch vụ, không phá giá đồng Nhân dân tệ, và thảo luận cụ thể danh mục hàng hóa Trung Quốc sẽ mua của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại. Phía Trung Quốc cũng đã chính thức tuyên bố không dùng tiền tệ làm công cụ trong giải quyết tranh chấp thương mại. Trong khi đàm phán đang diễn ra, Tạp chí Cầu Thị của Trung Quốc đã đăng lại bài phát biểu tháng 08/2018 của Chủ tịch Tập Cận Bình, khẳng định sẽ tuyệt đối không đi theo con đường của phương Tây với “chủ nghĩa hiến pháp”, “tam quyền phân lập”, và “độc lập tư pháp”. Điều này cho thấy nội bộ Trung Quốc đang xuất hiện áp lực đòi hỏi ông Tập Cận Bình phải có hành động cứng rắn với Mỹ. Trong khi đó ở phía Mỹ cũng có áp lực đòi hỏi ông Donald Trump không vội vàng ký thỏa thuận với Trung Quốc mà bỏ qua mục tiêu buộc Trung Quốc phải thực hiện các thay đổi manh tính cơ bản.

Trong cuộc tiếp Trưởng đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc Lưu Hạc ngày 22/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ông muốn hai bên cần đạt được một bản thỏa thuận mang tính ràng buộc cụ thể chứ không phải các bản Ghi nhớ. Diễn biến này đã khiến hai bên phải kéo dài thời gian đàm phán tới ngày 24/2. Điều này cũng khiến bên ngoài gia tăng sự hoài nghi về khả năng Trung – Mỹ có thể tiến tới thỏa thuận tại vòng đàm phán thứ 7 dù hai bên đã đạt được thống nhất các vấn đề về tiền tệ, và việc Trung Quốc đồng ý mua 10 triệu tấn đậu nành của Mỹ.

Do lo ngại Trung – Mỹ không đạt được thỏa thuận mới và Mỹ tiếp tục mở rộng áp thuế với hàng hóa Trung Quốc, Financial Times cho biết đang xuất hiện hiện tượng một số doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu chuyển sản xuất sang các thị trường nước ngoài, trong khi một bộ phận các nhà nhập khẩu Mỹ tìm cách điều chỉnh hình thức nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc bằng cách thu nhỏ quy mô đơn hàng, rút ngắn thời gian vận chuyển, nhưng tăng tỷ lệ số lần đặt hàng.

Từ nay tới tháng 6/2019, ông Trump sẽ có ba chuyến công du tới châu Á, gồm: (1) Dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều trong tháng 2/2019 tại Việt Nam; (2) Tiếp kiến tân Nhật Hoàng trong tháng 5/2019; (3) và dự Hội nghị G-20 tại Osaka trong tháng 6/2019. Do đó nếu vòng đàm phán thứ 7 vẫn chưa có kết quả cuối cùng, rất có thể ông Tập Cận Bình sẽ phải tới Mỹ để gặp Tổng thống Trump vào tháng 05/2019 nhằm tiến tới một thỏa thuận cụ thể./.

Tin từ ĐSQVN tại Trung Quốc.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here