Vĩnh Long quyết tâm tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện các đột phá chiến lược

0
49
Năm 2023, tỉnh Vĩnh Long thực hiện đạt và vượt 18/21 chỉ tiêu. (Nguồn: Vietnammoi)

Chiều 26/12, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán thu, chi ngân sách nhà nước và kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.

Năm 2023, tỉnh Vĩnh Long thực hiện đạt và vượt 18/21 chỉ tiêu. (Nguồn: Vietnammoi)

Về kết quả năm 2023, tỉnh Vĩnh Long thực hiện đạt và vượt 18/21 chỉ tiêu; trong đó có 10 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 2,61% so với năm 2022, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người năm 2023 đạt 75,3 triệu đồng, cao hơn 0,5 triệu đồng so với cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế – xã hội của tỉnh vẫn còn những tồn tại, khó khăn như, tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch đề ra, xếp hạng 13/13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hạng 57/63 cả nước và thấp hơn 3,2 điểm% so với bình quân cả nước.

Sản xuất công nghiệp sụt giảm, thu hút đầu tư vào tỉnh còn chậm, tín dụng tăng trưởng còn thấp, tỷ lệ nợ xấu tăng cao.

Theo ông Võ Quốc Thanh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long, năm 2024 tỉnh Vĩnh Long đề ra 21 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó, GRDP tăng 6,5%; GRDP bình quân đầu người 83,7 triệu đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu 780 triệu USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 19.000 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,41%; thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5.947,5 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, Vĩnh Long bố trí trên 3.750 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cho kế hoạch vốn đầu tư công với mục tiêu thực hiện và giải ngân đảm bảo đạt trên 95% trở lên.

Về thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long cho biết, đối với chi đầu tư phát triển, tỉnh phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.

Tỉnh bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2024, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2024; bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng, dự án kết nối, có tác động liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, dự án thích ứng biến đổi khí hậu,…

Đồng thời, tỉnh siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án triển khai chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm đúng quy định và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh, năm 2024, dự báo kinh tế – xã hội trong tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn từ bên ngoài và những yếu kém nội tại từ quy mô nền kinh tế nhỏ; tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

“Tỉnh quyết tâm tăng tốc bứt phá thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, đẩy mạnh và tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện các đột phá chiến lược”, ông Lữ Quang Ngời nhấn mạnh.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here