Việt Nam và Australia đồng chủ trì cuộc họp của Chương trình SEARP

0
85
(OECD)
( Vụ Tổng hợp Kinh tế)
Ngày 26/4/2023, Cuộc họp quan chức cao cấp lần thứ 11 Chương trình Đông Nam Á của OECD (SEARP) đã diễn ra tại Paris (Pháp) dưới sự chủ trì của Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Australia tại OECD Brendan Pearson trên cương vị đồng Chủ tịch Chương trình SEARP.

Tham dự cuộc họp có Giám đốc Ban Quan hệ toàn cầu OECD Andreas Schaal, các đại sứ, quan chức cao cấp từ 38 nước thành viên OECD và 10 nước Đông Nam Á, đại diện Ủy ban châu Âu, đại diện Mạng lưới doanh nghiệp OECD-Đông Nam Á.

Cuộc họp tập trung đánh giá kết quả các hoạt động của Chương trình SEARP thời gian qua, xác định trọng tâm hợp tác giai đoạn 2023-2024, đồng thời thảo luận các sáng kiến tài chính nhằm hỗ trợ các nước Đông Nam Á trong đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư vào các lĩnh vực khác.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh, các nước Đông Nam Á đánh giá cao quan hệ đối tác với OECD trong khuôn khổ Chương trình SEARP; đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa triển khai 3 ưu tiên của chương trình, gồm thúc đẩy phục hồi kinh tế, hỗ trợ quá trình cải cách kinh tế và hỗ trợ các nước Đông Nam Á tiến gần hơn tới các tiêu chuẩn của OECD.

Bà Nguyễn Minh Hằng cũng đề nghị các nước OECD tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ triển khai các dự án hợp tác phù hợp với quan tâm của các nước trong khu vực về phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đào tạo kỹ năng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Tại cuộc họp, các thành viên OECD nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, Đông Nam Á tiếp tục là điểm sáng về phục hồi và phát triển kinh tế. Khu vực Đông Nam Á tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong triển khai chiến lược toàn cầu của OECD.

Các thành viên đánh giá cao nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả, thiết thực thời gian qua dưới sự chủ trì của hai đồng Chủ tịch Australia và Việt Nam, trong đó có Diễn đàn cấp Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á 2022 về bảo đảm chuỗi cung ứng tự cường diễn ra tại Hà Nội tháng 10/2022.

Cuộc họp hoan nghênh đề xuất về danh mục các dự án tiềm năng của Chương trình SEARP; nhất trí huy động các nguồn lực của OECD và các thành viên để triển khai một số dự án ưu tiên thời gian tới về rà soát chính sách đầu tư, kinh tế biển, nâng cao kỹ năng và chất lượng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xanh…

Các nước đánh giá cao đề xuất của Việt Nam tổ chức Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á lần thứ hai vào quý IV/2023 nhằm tăng cường hợp tác đầu tư giữa OECD và các nước Đông Nam Á, đóng góp cho phục hồi kinh tế khu vực và toàn cầu.

Dưới sự chủ trì của Việt Nam, cuộc họp cũng trao đổi về định hướng thúc đẩy hợp tác OECD-Đông Nam Á trong giai đoạn mới nhằm chuẩn bị kỷ niệm 10 năm thành lập Chương trình SEARP vào năm 2024. Các nước OECD bày tỏ mong muốn đưa quan hệ đối tác OECD với khu vực Đông Nam Á lên tầm cao mới, tương xứng với vai trò quan trọng của khu vực cả về chiến lược cũng như tiềm năng phát triển kinh tế.

Hội nghị nhất trí Australia và Việt Nam, trên cương vị đồng Chủ tịch Chương trình SEARP tiếp tục cụ thể hoá các định hướng hợp tác để thảo luận tại cuộc họp quan chức cao cấp lần thứ 12 dự kiến diễn ra vao tại Hà Nội trong quý IV/2023.

* Nhân dịp tham dự Cuộc họp quan chức cao cấp OECD, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Hằng đã dự cuộc làm việc giữa các đối tác chủ chốt của chương trình với sự tham dự của Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann, chào xã giao Phó Tổng Thư ký OECD Ulrik Vestergaard Knudsen.

Tại các cuộc gặp, các lãnh đạo OECD đánh giá cao vai trò đồng Chủ tịch Chương trình SEARP của Việt Nam, cho biết Chương trình SEARP sẽ tiếp tục là chương trình khu vực trọng tâm của OECD; nhấn mạnh OECD sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ các nước Đông Nam Á trong các lĩnh vực mới, như năng lượng sạch, tài chính xanh, công nghệ, đào tạo kỹ năng…

Trước đó, bà Nguyễn Minh Hằng tham dự và phát biểu tại toạ đàm về các công cụ pháp lý và chiến lược toàn cầu của OECD nhằm trao đổi về những quy định, tiêu chuẩn của OECD, trong đó có thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được các nước OECD triển khai trong thời gian tới.

(Vụ Tổng hợp Kinh tế)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here