Việt Nam tham gia tích cực vào khuôn khổ hợp tác nông nghiệp ASEAN

0
83
Đoàn đại biểu Việt Nam (trái) do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị làm Trưởng đoàn trong cuộc họp song phương với Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia.

Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 45 (AMAF 45) diễn ra từ ngày 4-6/10 tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị làm Trưởng đoàn trong cuộc họp song phương với Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia.

Hội nghị AMAF 45 có ý nghĩa quan trọng để rà soát tiến độ thực hiện và kế hoạch triển khai để thúc đẩy tăng cường hợp tác nông-lâm nghiệp ASEAN; phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng và đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực ASEAN.

Hợp tác nông-lâm nghiệp ASEAN đang được triển khai có hiệu quả và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào đảm bảo an ninh lương thực; phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng và phát thải thấp; nông nghiệp tuần hoàn; giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp độc hại; tái chế chất thải từ cây trồng và động vật; thúc đẩy các giải pháp  dựa vào thiên nhiên; đảm bảo tài nguyên đất và nước bền vững; nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; nông nghiệp số…

Hội nghị khuyến khích các Nhóm công tác chuyên ngành ASEAN tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên trong hợp tác lương thực thực phẩm, nông lâm nghiệp ASEAN.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị-Trưởng AMAF Việt Nam làm trưởng đoàn đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp thiết thực. Việt Nam tham gia tích cực vào tất cả các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp ASEAN, đóng góp rất lớn vào phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng; nông nghiệp tuần hoàn; an ninh lương thực và dinh dưỡng ASEAN. Việt Nam đã chủ động khởi xướng và tham gia vào nhiều sáng kiến nông lâm nghiệp ASEAN, nhất là Khung an ninh lương thực chung ASEAN (AIFS) và Kế hoạch hành động chiến lược về an ninh lương thực ASEAN (SPA-FS) 2021-2025. Việt Nam cũng khởi xướng chiến lược khu vực ASEAN về thúc đẩy năng lượng sinh khối và sáng kiến phát triển cộng đồng và làng nghề nông thôn ở khu vực ASEAN.

Hội nghị AMAF 45 đã thông qua 16 tài liệu quan trọng do các Nhóm công tác chuyên ngành đệ trình liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật, thủy sản, lâm nghiệp. Các đại biểu cũng đã thông qua Thông cáo báo chí của Hội nghị.

Trong khuôn khổ AMAF 45 cũng diễn ra Hội nghị Nông Lâm nghiệp ASEAN – Nhật Bản. Đây là hội nghị Bộ trưởng lần đầu tiên được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN-Nhật Bản. Hợp tác ASEAN-Nhật Bản được triển khai thông qua cơ chế AMAF+3, với nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả giúp tăng cường năng lực toàn diện cho các quốc gia thành viên ASEAN trên nhiều lĩnh vực như an toàn thực phẩm, thực hành sản xuất tốt, quản lý hệ thống tưới, năng lượng sinh khối.

Hội nghị lần này đã thông qua Kế hoạch hợp tác MIDORI ASEAN-Nhật Bản để tăng cường hợp tác hướng tới nông nghiệp bền vững và phục hồi và Hệ thống lương thực thực phẩm để đảm bảo an ninh lương thực khu vực.

Trong ngày 6/10, ngày cuối cùng của hội nghị, sẽ tiếp tục diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN+3 nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) lần thứ 23 và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc về Hợp tác An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật (SPS) lần thứ 8.

Hợp tác nông lâm nghiệp ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) triển khai thực hiện Chiến lược Hợp tác ASEAN +3 (APTCS) 2016-2025 thông qua thực hiện thành công các hoạt động, sáng kiến, dự án của các nước ASEAN+3 bao gồm cải thiện bền vững chuỗi cung lương thực thực phẩm; hỗ trợ phát triển nông nghiệp xanh và bền vững; ứng dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên trong nông nghiệp; hợp tác biến đổi khí hậu; thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn và năng lượng sinh khối; đảm bảo an ninh lương thực và an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, các dự án hợp tác và cùng hành động còn hướng tới giảm nghèo đói; quản lý dịch hại động thực vật, dịch bệnh động vật xuyên biên giới; tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu; quản lý hợp lý nước nông nghiệp và quản lý rừng bền vững; thủy sản bền vững; tăng cường năng lực cho cán bộ về trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật và thủy sản; nâng cao năng suất cây trồng; chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, chế biến; chia sẻ thông tin.

Hợp tác nông nghiệp ASEAN+3 đang triển khai có hiệu quả Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR) để ứng phó với thiên tai khẩn cấp, nhất là trong đại dịch Covid-19; triển khai Hệ thống thông tin an ninh lương thực ASEAN+3 (AFSIS) để cung cấp các dữ liệu cần thiết cũng như thông tin cảnh báo sớm giúp nâng cao theo dõi giá lương thực và rủi ro thị trường, chia sẻ thông tin thị trường và cảnh báo người tiêu dùng.

Hằng Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here