Việt Nam tham gia Hội nghị tham vấn lần 2 của OECD về Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ năm 2023

0
94
(ĐSQVN tại Pháp)
(ĐSQVN tại Pháp)

Ngày 09/12/2022, Trung tâm phát triển của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD đã tổ chức Hội nghị tham vấn lần 2 với đại diện các nước thành viên của Trung tâm và một số nước Đông Nam Á về Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ năm 2023 (Báo cáo triển vọng kinh tế 2023). Tham gia hội nghị có Giám đốc Trung tâm phát triển OECD, Đại diện của các nước OECD, các nước ĐÔng Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, các chuyên gia kinh tế của OECD, Ủy ban Châu Âu, Ngân hàng Indonesia, ngân hàng ADB… Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã tham gia cuộc tham vấn lần này với vai trò đại diện của nước đồng chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD. Hội nghị tham vấn lần này được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

(ĐSQVN tại Pháp)

Mở đầu hội nghị, bà Raggar Arnadotir, Giám đốc Trung tâm phát triển của OECD đánh giá cao sự tham gia, hợp tác của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á trong việc xây dựng Báo cáo triển vọng hàng năm cho khu vực, khẳng định đây là một trong những hoạt động hợp tác mang tính thực chất của OECD và các nước trong khu vực. Bà Anardotir cũng thông báo về Lễ công bố Báo cáo sẽ được tổ chức tại Campuchia tháng 3/2023 cùng với đối thoại chính sách giữa OECD và một số nước trong khu vực trong lĩnh vực dịch vụ du lịch.

Trong phát biểu khai mạc, ông Sophann Ket, Đại sứ Cam-pu-chia tại Pháp, đồng chủ tịch của Nhóm tham vấn Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ khẳng định du lịch đóng vai trò quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á, vì vậy, chủ đề chính của Báo cáo 2023 sẽ tập trung vào triển vọng của ngành du lịch, các thách thức và cơ hội sau đại dịch cũng như khuyến nghị chính sách cho các nước Đông Nam Á.
(ĐSQVN tại Pháp)

Phát biểu tại cuộc họp lần này, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đã nêu bật kết quả của Hội nghị kinh tế cấp cao OECD-ASEAN được tổ chức vào tháng 10/2022 tại Hà Nội, trong đó, nhấn mạnh vai trò của Chương trình Đông Nam Á trong việc tăng cường kết nối giữa OECD và các nước ASEAN. Đại sứ cũng khẳng định vai trò quan trọng của Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ trong việc cung cấp tham vấn cho việc xây dựng chính sách kinh tế của khu vực đồng thời nêu bật các ưu tiên của Chương trình Đông Nam Á trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Nêu bật vai trò quan trọng của lĩnh vực du lịch với phục hồi kinh tế sau đại dịch, đại diện Việt Nam đặt câu hỏi với các chuyên gia về việc làm thế nào để nhận diện các thách thức đối với sự phát triển của du lịch sau đại dịch và biến các thách thức thành cơ hội.

Các chuyên gia của OECD đã chia sẻ về các nét chính trong Báo cáo triển vọng kinh tế 2023, trong đó nêu bật bối cảnh kinh tế thế giới năm 2023, các thách thức và cơ hội của ngành dịch vụ du lịch tại khu vực Đông Nam Á sau đại dịch Covid-19. Đại diện của Phi-líp-pin, Đại sứ Junever Mahilum-West đã chia sẻ kinh nghiệm phục hồi sau đại dịch của Phi-líp-pin. Chuyên gia của Trung tâm doanh nghiệp, khu vực và thành phố của OECD chia sẻ về các ưu tiên trong hoạch định chính sách phát triển du lịch của các nước thành viên OECD, nhấn mạnh về việc những khủng hoảng gần đây cho thấy sự cần thiết phải xây dựng tính tự cường cho lĩnh vực du lịch, cho rằng để biến thách thức thành cơ hội, ngành du lịch các nước OECD cũng như Đông Nam Á cần có sự chuyển đổi và phát triển du lịch xanh, đưa nguyên tắc về “yếu tố xanh” vào xây dựng chính sách phát triển du lịch, tăng cường khuyến khích các hoạt động du lịch bền vững và củng cố cơ sở hạ tầng cho du lịch xanh, xây dựng thị trường mục tiêu cho du lịch xanh.
Báo cáo triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ đã được triển khai từ năm 2010, là một hoạt động chính của Chương trình Đông Nam Á của OECD.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here