Việt Nam kết nối thành công các chủ đề lớn của APEC và G20

0
171
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung cùng các nhà lãnh đạo G20 và các tổ chức quốc tế.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới – G20, diễn ra trong ngày 7-8/7/2017 tại CHLB Đức, Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu – với tư cách là nước chủ nhà APEC 2017 đã chủ động, tích cực kết nối thành công các chủ đề lớn của hai sự kiện quan trọng, tầm cỡ thế giới.

“Định hình một thế giới kết nối”

Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới có những biến chuyển sâu sắc. Đây là hội nghị quan trọng nhất của G20 trong năm 2017, thu hút sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước thành viên G20, các nước khách mời gồm Việt Nam, Singapore, Tây Ban Nha, Na Uy, Hà Lan, Ghine (Chủ tịch Liên minh châu Phi), Senegal (Chủ tịch Tổ chức Đối tác mới cho phát triển châu Phi – NEPAD), lãnh đạo các tổ chức quốc tế hàng đầu như Liên hợp quốc (UN), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động thế giới (ILO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, Hội nghị Thượng đỉnh G20  đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của kinh tế toàn cầu như tăng trưởng, thương mại, đầu tư, tài chính quốc tế, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, năng lượng, hỗ trợ châu Phi, di cư, y tế, việc làm, số hóa và phụ nữ… Tại các phiên thảo luận ngày 7/7, Hội nghị đánh giá phục hồi kinh tế thế giới đang tiến triển tích cực hơn, song tốc độ tăng trưởng vẫn chậm hơn kỳ vọng.

Hội nghị đã ghi nhận việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu; nhấn mạnh các nước thành viên khác trong G20 tiếp tục thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận Pari, trong đó có cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển giảm nhẹ tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội nghị khẳng định cam kết tăng cường hợp tác, sử dụng đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ, cải cách cơ cấu, chống chủ nghĩa bảo hộ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng và bao trùm. Hội nghị kêu gọi tăng cường hợp tác triển khai Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; cam kết lồng ghép việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 trong các hoạt động của G20; cam kết giảm khí thải thông qua tăng cường nghiên cứu, phát triển năng lượng sạch, sử dụng hiệu quả năng lượng…

Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) bao gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Italy, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Argentina, Brazil, Indonesia, Mexico, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, với quy mô chiếm 2/3 dân số thế giới, 85% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn trong việc hoạch định và dẫn dắt nền kinh tế thế giới.

Vị thế Việt Nam và vai trò kết nối APEC – G20

Đoàn cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu được mời dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách nước chủ nhà Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương APEC 2017 (APEC 2017). Đây cũng là lần đầu tiên nước chủ nhà “Năm APEC” không phải là thành viên G20 được mời dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò, vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời cho thấy các thành viên G20 coi trọng, đánh giá cao vị trí, vai trò của APEC trong cấu trúc quản trị khu vực và toàn cầu.

Đặc biệt, với mục tiêu tăng cường kết nối quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị của 21 nền kinh tế thành viên Vành đai Thái Bình Dương, chủ đề “Năm APEC 2017” của Việt Nam là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Chủ đề này có nhiều điểm tương đồng với trọng tâm nghị sự của G20, trong đó chú trọng cùng hướng đến thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư; khuyến khích đổi mới-sáng tạo; hợp tác chống biến đổi khí hậu… Đây cũng là một trong những cơ sở, cơ hội để thúc đẩy việc kết nối các trọng tâm nghị sự của APEC và G20 nhằm tăng cường phối hợp xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu trong bối cảnh mới.

Với vai trò Chủ nhà APEC 2017, Việt Nam tích cực thúc đẩy sự kết nối với G20 về các chủ đề ưu tiên trong Nghị sự của APEC 2017 là nhất là về phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả năng lượng. Mặt khác, Đoàn Việt Nam cũng chủ động phối hợp với các thành viên APEC trao đổi sâu rộng với các thành viên G20 các cơ chế, khuôn khổ hợp tác trong phát triển bền vững, bao trùm, cả về kinh tế, xã hội và tài chính…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh G20 đã nhất trí cam kết nỗ lực bảo đảm việc quản lý, sử dụng hiệu quả và trách nhiệm tài nguyên nước; đề nghị G20 và cộng đồng quốc tế nâng cao trách nhiệm, ý thức tự cường, nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế và phối hợp hành động hiệu quả, tăng cường hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thành sớm 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG-2030) của Liên hợp quốc, trong đó ưu tiên cho các vấn đề giảm nghèo, bất bình đẳng, giáo dục, năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu; đã và đang lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển, thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào 2030 và có thể giảm tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của quốc tế…Được mời phát biểu với tư cách là diễn giả chính tại Phiên thảo luận về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời cũng chịu tác động tiêu cực của việc khai thác và sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mekong.

Văn Chung

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here