Việt Nam: hình mẫu cho Triều Tiền?

0
294
“Ảnh minh họa”

60 năm sau khi lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành thăm Việt Nam, ngày 26/2/2019 nhà lãnh đạo hiện nay của Triều Tiên – ông Kim Jong-un đã theo chân người ông nội của mình để đến Việt Nam trong chuyến thăm chính thức lịch sử, trước khi gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hai ngày 27 và 28/2/2019. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi và độc tài của Triều Tiên muốn đích thân chứng kiến những thành công của hình mẫu Việt Nam, một hình mẫu mà trên giấy tờ là tuyệt đối, có thể gợi mở cho ông ý tưởng vĩ đại để biến đổi đất nước ông: mở cửa kinh tế thành công nhờ độc đảng chuyên chế mà vẫn duy trì được kiểm soát chặt chẽ mọi quyền lực và không tha thứ bất cứ sự ly khai nào. Chính ông Kim Jong-un hôm 27/4/2018 đã từng tuyên bố với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng ông đặc biệt thích thú với chính sách mở cửa từng bước mà Việt Nam thực hiện từ năm 1986. Đáp lại tuyên bố này của ông Kim, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tháng 7/2018 đã phát biểu rằng: Triều Tiên cũng có thể làm điều kỳ diệu như Việt Nam nếu biết nắm cơ hội, đi theo con đường như của Việt Nam!

Kể từ khi kế nhiệm người cha lên nắm quyền tại Triều Tiên vào tháng 12/2011, ông Kim Jong-un đã nhiều lần khẳng định phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên của ông. Cha ông, ông Kim Chính Nhật đã trị vì đất nước với phương châm “quân đội trên hết” nhưng đã khiến Triều Tiên rơi vào nạn đói và hỗn loạn kinh tế. Ông Kim Jong-un thì sử dụng học thuyết “Buyungjin”, tức phát triển kinh tế đi đôi với phát triển quân sự. Ngày nay, sau khi Triều Tiên năm 2017 đã hoàn thiện sức mạnh quân sự với việc phóng thành công tên lửa liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, ông Kim Jong-un quyết định tập trung vào phát triển kinh tế. Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp thuộc Viện nghiên cứu Iseas Yusof Ishak ở Singapore, “ông Kim Jong-un còn rất trẻ và dự định còn trị vì đất nước từ 30 đến 40 năm nữa. Nhưng để củng cố quyền lực, để khẳng định tính chính đáng, ông cần thúc đẩy phát triển kinh tế và phá vỡ thế cô lập của nước ông”.

Có rất nhiều đặc tính của chính sách đổi mới của Việt Nam đang quyến rũ ông Kim Jong-un vì ông muốn nắm giữ quyền lực và quyết tâm thoát khỏi sự quá lệ thuộc vào Trung Quốc (Trung Quốc hiện chiếm tới hơn 90% ngoại thương của Triều Tiên). Ông Kim Jong-un biết rằng đất nước ông không thiếu tiềm năng, có lực lượng nhân công rẻ nhất châu Á, có vị trí địa lý chiến lược về bờ biển và có nguồn tài nguyên thiên nhiên dưới lòng đất cực kỳ phong phú. Nhưng các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra một số vấn đề. Đó là những khác biệt cơ bản giữa hai chế độ Triều Tiên và Việt Nam: Triều Tiên là chế độ độc tài của một người duy nhất. Tất cả mọi việc đều do người lãnh đạo duy nhất này cùng quân đội điều hành. Trong khi đó tại Việt Nam, không bao giờ và không một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản nào chuyển giao quyền lực lại cho con cái mình. Chính quyền Triều Tiên được xây dựng trên một nền móng sùng bái tư tưởng cực kỳ cứng nhắc và một hệ thống đàn áp ngặt nghèo nên không có các hệ thống thể chế có thể triển khai một cách có hiệu quả cải cách sâu rộng trên khắp cả nước. Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền đang bị gặm nhấm bởi nạn tham nhũng và không thể so sánh với các thiết chế có kỷ luật và tương đối ổn định của Đảng Cộng sản Việt Nam hay Đảng Cộng sản Trung Quốc vốn được tổ chức và hoạt động dưới sự lãnh đạo tập thể. Tại Bình Nhưỡng, biện pháp trừng phạt đẫm máu vẫn được ưa thích hơn thảo luận nội bộ.

Bình Nhưỡng đã thử áp dụng một vài yếu tố kinh tế thị trường, nhưng không thể dựa vào kinh nghiệm của chủ nghĩa tư bản mà chính quyền miền Nam Việt Nam đã đem lại cho miền Bắc sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975. Triều Tiên cũng không có lực lượng kiều dân ở nước ngoài giàu có và được giáo dục đầy đủ để làm lực lượng nền móng cho mở cửa. Do vậy, muốn áp dụng đổi mới theo kiểu của Việt Nam sẽ đòi hỏi phải phân quyền và thay đổi các quy định. Sự bắt chước vội vàng mô hình Việt Nam sẽ khá phức tạp. Cách tốt nhất là tự do hóa từng bước. Trong khi lấy cảm hứng từ chính sách đổi mới của Việt Nam hay từ chính sách mở cửa kinh tế của nguyên lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, ông Kim Jong-un vẫn sẽ phải vạch riêng con đường của mình, có thể bằng cách lập ra nhiều đặc khu kinh tế mở cửa cho người nước ngoài và từng bước tự do hóa sản xuất tại các vùng nông thôn. Ông cũng cần dựa vào sự ủng hộ của tất cả các nước láng giềng vốn đang rất hy vọng kinh tế Triều Tiên sẽ được phục hồi.

Ở đây, nhà lãnh đạo trẻ tuổi và độc tài Triều Tiên có thể được hưởng lợi từ sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi nhà lãnh đạo Mỹ không ngừng tiên đoán một sứ mệnh vĩ đại và một sự thành công kinh tế kỳ diệu cho ông Kim Jong-un./.

Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp (theo Echos, ngày 26/02/2019).

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here