Việt Nam đang “khát” nguồn nhân lực cho phát triển logistics

0
63

Thống kê vừa được đưa ra tại hội thảo liên quan đến phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics do trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa tổ chức tại Hà Nội cho thấy, thị trường này đang có nhu cầu rất cao về nhân lực trong khi nhiều cơ sở đào tạo trong nước vẫn hoàn toàn bị động trong việc tạo dựng được đội ngũ lao động chất lượng cao cho ngành này.

Quy mô thị trường logistics của Việt Nam hiện ở mức 42,9 tỷ USD song hiện mới chiếm 0,5% thị trường logistics toàn cầu. Cộng với mức tăng trưởng hàng năm từ 14 đến 16% và đóng góp hàng năm 3% cho GDP, rõ ràng ngành logisctics hứa hẹn khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Tuy nhiên ngành này hiện đang đứng trước sự thiếu hụt rất lớn về nhân lực mà hệ quả là doanh nghiệp logistics nội địa mất đi cơ hội cạnh tranh. Theo Hiệp hội Logistics Việt Nam, con số thiếu hụt vào khoảng 717 nghìn người song các chuyên gia cho rằng con số thiếu hụt trên thực tế còn lên đến gần 2,8 triệu người.

Nguồn nhân lực logistics của Việt Nam hiện nay đang thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp không cao. Trong khi đó, việc đào tạo logistics ở bậc đại học và sau đại học gặp nhiều bất cập. Chưa có mã ngành logistics, số lượng sinh viên chưa nhiều, phần thực hành về ngành nghề cũng chưa đầy đủ… Mặt khác, hiểu biết thực sự về bản chất của lĩnh vực logistics tại một số địa phương còn nhiều hạn chế.

Ở Việt Nam có đến 54,7 % nhân lực logistics qua đào tạo nhưng chuyển từ các ngành khác sang. 80% số nhân lực này do các doanh nghiệp tự đào tạo. Điểm yếu lớn nhất là người làm logistics phần lớn lại là “tay ngang” đến từ ngành khác khi về doanh nghiệp mới gấp gáp tham gia các khóa đào tạo do doanh nghiệp mở. Trong khi đó 325 khu công nghiệp hiện có trên cả nước lại không có lấy một khu công nghiệp logistics nào.

Các chuyên gia nhìn nhận, để kịp thời tận dụng những cơ hội tăng trưởng trên thị trường logistics, câu chuyện hiện tại của việc phát triển nguồn nhân lực Việt Nam là cần có những thay đổi căn bản từ nhận thức đến đào tạo. Theo đó cần thay đổi quan niệm cho rằng logistics là vấn đề vĩ mô chứ không phải của địa phương. Thêm vào đó cần có những tuyên truyền và phổ biến rộng rãi kiến thức và tư duy logistics trên báo chí và truyền thông để nâng cao nhận thức về vai trò, sứ mệnh của ngành kinh tế đặc thù này, đặc biệt là “với” tới được đội ngũ quản lý ngành logistics tại các địa phương

Trong đào tạo cần tiến tới công nhận nghề logistics và tăng cường đào tạo nghề logistics để tiến tới cấp chứng chỉ nghề logistics theo bộ tiêu chuẩn nghề và khung trình độ nghề quốc gia và quốc tế.

Một điểm nghẽn cần nghiên cứu cải tiến là trước năm 2017 có rất ít trường đào tạo ngành này trong khi nếu có thì cũng không được công nhận. Sau khi có quyết định vào tháng 10/2017 của Bộ Giáo dục và đào tạo cấp mã số đào tạo nghề logistics (7510605) song logistics lại chỉ nằm trong nhóm ngành đào tạo quản lý công nghiệp nên có thể sẽ không thu hút được cơ sở giáo dục mở lớp đào tạo. Bản thân ngành logistics là một ngành kinh tế đặc thù do đó theo các chuyên gia, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nguồn nhân lực ngành này./.

Quang Lộc

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here