Việt Nam – Cầu nối tích cực trong hợp tác thương mại ASEAN-châu Phi

0
41
Ảnh minh hoạ

Theo TS. Đinh Công Hoàng, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), châu Phi là khu vực nhập khẩu ròng về nông sản. Phát triển nông nghiệp tại châu Phi còn nhiều khó khăn bất cập. Trong vài thập kỷ qua, châu lục này có dân số gia tăng nhanh chóng trong khi đó năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, chính sách và thể chế còn hạn chế và hạ tầng cơ sở nghèo nàn.

Năm 2017, châu Phi chi 70 tỷ USD nhập khẩu nông sản, chiếm 14% tổng giá trị nhập khẩu. Trong đó, nhập khẩu lương thực đóng vị trí quan trọng nhất để giải quyết nhu cầu thiết yếu của châu Phi.

Xét về nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, TS. Đinh Công Hoàng cho rằng, trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, Việt Nam rất cần các nguồn tài nguyên, nguyên liệu đầu vào với chi phí thấp để phục vụ các hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Trong khi đó, các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản… đang dần tiến đến bão hòa, do đó Việt Nam cần tìm kiếm, phát triển, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, với các mặt hàng ở phân khúc vừa và trung bình ra thế giới.

Xét về cơ cấu thị trường, Việt Nam có thể nhắm vào 5 thị trường hạt nhân ở châu Phi, để từ đó lan tỏa tới các khu vực rộng lớn hơn, bao gồm Nam Phi (quốc gia có quan hệ thương mại phát triển nhất châu Phi), Tazania (cửa ngõ Đông Phi), Ai Cập (cửa ngõ của Bắc Phi), Ma Rốc (cầu nối giữa châu Âu, Trung Đông và châu Phi) và Senegal (cửa ngõ của Tây Phi).

Thông qua hoạt động thương mại, Việt Nam có thể đóng vai trò cầu nối tích cực trong hợp tác thương mại giữa ASEAN và châu Phi, ông Hoàng nhận định.

Theo ông Ngô Khải Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương), trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực châu Phi – Trung Đông đã tăng trưởng tích cực trong những năm qua.

Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đạt 18,5 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm 2016. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt 11,6 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2016. Riêng hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi đạt 2,7 tỷ USD trong năm 2017. Trong 9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và khu vực châu Phi – Trung Đông đạt 13 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi đạt 1,7 tỷ USD. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước châu Phi – Trung Đông có tính chất bổ sung cho nhau.

Việt Nam xuất khẩu sang khu vực này các mặt hàng như điện thoại các loại, linh kiện, hàng dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện, điện tử, sản phẩm sữa và nông sản… Về nhập khẩu, Việt Nam có nhu cầu nhập từ khu vực châu Phi các mặt hàng như nguyên phụ liệu dệt may da giày, nguyên liệu thô như điều, bông, gỗ, đồng, quặng… phục vụ công nghiệp chế biến trong nước và xuất khẩu.

Đánh giá về tiềm năng hợp tác thương mại giữa Ma Rốc và Việt Nam, ông Azzeddine Farhane, Đại sứ Ma Rốc tại Việt Nam cho rằng, năm 2017, kim ngạch thương mại giữa Ma Rốc và Việt Nam đạt 260 triệu USD, con số này chưa nhiều so với kim ngạch thương mại song phương với các quốc gia khác, nhưng điều này cho thấy còn cơ hội để thúc đẩy thương mại Ma Rốc – Việt Nam là rất lớn.

Ma Rốc đã ký 16 thỏa thuận hợp tác với Việt Nam, năm nay chúng tôi thành lập 1 ủy ban hỗn hợp để nâng cấp mối quan hệ hai bên, trở thành hình mẫu cho các quốc gia ASEAN khác khi hợp tác với Ma Rốc. Ma Rốc là cửa ngõ để Việt Nam tiếp cận thị trường châu Phi, và Việt Nam là cửa ngõ để thâm nhập thị trường ASEAN. Đây là yếu tố thuận lợi để tăng cường tiếp cận thị trường cho hai bên.

Ông Mpetjane Kgaogelo Lekgoro, Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam đánh giá, Nam Phi và Việt Nam có nhiều cơ hội để thiết lập liên doanh trong lĩnh vực khoáng sản, chế biến thực phẩm, nông nghiệp. Nếu không có các rào cản kỹ thuật, nhiều doanh nghiệp Nam Phi có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam. Nếu các rào cản về thuế quan và kỹ thuật được gỡ bỏ, mối quan hệ thương mại và hợp tác đầu tư giữa hai bên sẽ được thúc đẩy hơn nữa.

Tại Hội thảo chính sách hướng đông của khu vực châu Phi – Trung Đông tổ chức vào ngày 15/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga đánh giá, Việt Nam và các quốc gia châu Phi và Trung Đông có rất nhiều lợi thế để bổ trợ cho nhau cùng phát triển.

Châu Phi là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, có nhiều nền kinh tế năng động và có xu hướng ngày càng ổn định về chính trị. Về thương mại, tính từ năm 2010 đến nay, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và khu vực châu Phi – Trung Đông đã tăng 3,5 lần, từ 5 tỷ USD lên 18 tỷ USD vào năm 2017.

Dù hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi – Trung Đông thời gian qua đã đạt nhiều kết quả ấn tượng, nhưng những kết quả này còn khiêm tốn, chưa tương xứng với nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp cũng như tiềm năng của các nước.

Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga cho rằng, thời gian tới, các nước cần chủ động thúc đẩy quan hệ hợp tác, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực, trong đó đặc biệt ưu tiên hợp tác kinh tế thiết thực hiệu quả.

Nguồn: Báo điện tử của đài tiếng nói Việt Nam.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here