VAI TRÒ CỦA TÀI NGUYÊN TRONG TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ (phần 1)

0
2692
  1. Quan điểm của trường phái kinh tế học chính thống

Kinh tế học chính thống cho rằng các nước nên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm mà nước đó có lợi thế so sánh. Lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo cho rằng một nước sẽ đạt được lợi ích kinh tế lớn hơn các nước khác khi nước đó sản xuất ra các hàng hoá có chi phí thấp hơn và có sự dư thừa tài nguyên thiên nhiên nhiều hơn các nước khác. Hay nói cách khác, một nước sẽ chuyên môn hoá vào sản xuất và xuất khẩu những hàng hoá mình đang dư thừa và khai thác với chi phí thấp và sẽ nhập khẩu các hàng hoá mà trong nước khan hiếm để tiết kiệm chi phí sản xuất.

Kế thừa lý thuyết của David Ricardo, những nhà kinh tế thế hệ sau đã tiếp tục nghiên cứu về lợi thế so sánh dựa trên cách tiếp cận khác hơn và mở rộng mô hình nghiên cứu so với Ricardo. Heckscher – Ohlin nghiên cứu lợi thế so sánh với mô hình 2 yếu tố sản xuất, đó là lao động và vốn trong điều kiện chi phí cơ hội tăng. Mô hình thương mại của Heckscher – Ohlin còn gọi là 2 x 2 x 2 (2 quốc gia, 2 sản phẩm, 2 yếu tố sản xuất) và ông cho rằng các nước sẽ sản xuất và xuất khẩu các hàng hoá có yếu tố sản xuất dư thừa, có năng suất lao động tương đối cao hơn hay chi phí cơ hội thấp hơn so với quốc gia khác.

Tiếp theo Heckscher – Ohlin, các nhà kinh tế khác đã tiếp tục phân tích lý thuyết lợi thế so sánh và đưa ra một số phát hiện mới. Lợi thế so sánh được mở rộng phân tích cho nhiều hàng hoá và nhiều quốc gia. Trong trường hợp có nhiều hàng hoá với chi phí không đổi và có hai quốc gia thì lợi thế so sánh của từng hàng hoá sẽ được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ hàng hoá có lợi thế so sánh cao nhất đến hàng hoá có lợi thế so sánh thấp nhất và mỗi nước sẽ tập trung vào sản xuất những mặt hàng có lợi thế so sánh từ cao nhất đến cao ở mức cân bằng. Ranh giới mặt hàng nào là có lợi thế so sánh cao ở mức cân bằng sẽ do cung cầu trên thị trường quốc tế quyết định. Trong trường hợp có nhiều nước thì có thể gộp chung tất cả các nước khác thành một nước gọi là phần còn lại của thế giới và những phân tích trên vẫn giữ nguyên tính đúng đắn của nó. Lợi thế so sánh không những áp dụng trong trường hợp thương mại quốc tế mà còn có thể áp dụng cho các vùng trong một quốc gia một cách hoàn toàn tương tự.

  1. Trường phái kinh tế học thể chế

Các nhà kinh tế học thể chế không ủng hộ quan điểm thị trường tự do (laissez faire) và ủng hộ vai trò của chính phủ trong các nền kinh tế, kêu gọi sự kiểm soát và cải cách xã hội của chính phủ để nhằm phân phối thu nhập một cách công bằng. Theo các nhà kinh tế học thể chế, các nước có chi phí giao dịch cao thường là các nước không có sự hấp dẫn về thương mại, đầu tư, chuyên môn hoá và năng suất lao động. Kỉnh tế học thể chế chứng minh thu nhập bình quân đầu người của các nước nghèo tài nguyên thiên nhiên đã tăng cao gấp 3 lần so với các nước giàu có về tài nguyên thiên nhiên trong giai đoạn 1960-1990 (Sachs và Warner – 1999). Họ tin rằng, chất lượng thể chế mới là nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia. Phát hiện này được Sachs và Wamer (1997) nghiên cứu và giải thích cho tốc độ tăng trưởng chậm chạp ở châu Phi cận Sahara trong giai đoạn 1965-1990. Hai ông cho rằng các nhân tố như vị trí địa lý, chính sách kinh tế, dân chủ hoá và điều kiện phát triển ban đầu là các nhân tổ quyết định tăng trưởng kinh tế của châu Phi trong thời gian trên. Ở các nước giàu có về tài nguyên thiên nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ thường thấp. Bằng công thức định lượng, Sachs và Wamer (1995) rút ra kết luận: có mối quan hệ nghịch biến giữa xuất khẩu tài nguyên với tăng trưởng kinh tế.

Cùng quan điểm với Sachs và Wamer, các nhà kinh tế học khác cũng cho rằng các nước đang phát triển dễ vấp phải “lời nguyền tài nguyên – natural resource curse) do năng lực thể chế yếu kém. Mehlum và nhóm cộng sự (2006) đã sử dụng dữ liệu của 87 nước giàu có về tài nguyên với tỷ lệ xuất khẩu tài nguyên đạt trên 10% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và kiểm định nó với tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 1965-1990. Họ cho rằng tài nguyên thiên nhiên gây tác hại cho phát triển kinh tế ở các nước có thể chế yếu kém, thiên về các vấn đề đặc quyền đặc lợi và tham nhũng. Các tác giả đưa ra kết luận rằng: người thắng hay người thua trong thực hiện tăng trưởng kinh tế đều phụ thuộc vào chất lượng thể chế.

Một nghiên cứu khác của Robinson và cộng sự (2006) cho rằng, sự bùng nổ tài nguyên (resource booms) phần lớn phụ thuộc vào những ưu tiên chính trị đối với việc khai thác tài nguyên. Kết quả cho thấy sự bùng nổ tài nguyên trở thành có giá trị rất lớn để các đảng phái duy trì quyền lực của mình trong tương lai nhằm tăng tính hiệu quả của các chiến lược phát triển kinh tế mà họ đã lựa chọn.

Bhattacharyya và cộng sự (2010) đã nghiên cứu mối quan hệ giữa tài nguyên và tham nhũng và tác động của chất lượng thể chế dân chủ đối với mối quan hệ này. Các tác giả dựa vào mô hình lý thuyết trò chơi với một nền kinh tế và đưa ra dữ liệu để kiểm định mô hình 124 quốc gia trong giai đoạn 1980-2004 với các biến số tham nhũng, tài nguyên, thu nhập và dân chủ. Họ phát hiện ra rằng thuế tài nguyên (resource rent) có tác động tiêu cực đối với nguồn tài nguyên và thu nhập và tài nguyên có mối quan hệ thuận chiều với mức độ tham nhũng. Thuế tài nguyên sẽ tạo ra tham nhũng nếu nền dân chủ ở đất nước đó yếu kém. Một số nhà kinh tế học thể chế khác còn cho rằng thuế tài nguyên và các lợi ích nhóm của các nhóm đặc quyền sẽ tạo ra các hoạt động không đem lại năng suất lao động, kéo tăng trưởng kinh tế chậm lại. Họ cho rằng, vai trò của thể chế là rất quan trọng trong quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên phục vụ tăng trưởng kinh tế. Các nước có thể chế mạnh thường có tăng trưởng kinh tế nhanh và ngược lại. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế học thể chế cũng chứng minh một số nước có tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng lại rất tham nhũng như Nigeria, Indonesia, một số nước Mỹ Latinh trong một số giai đoạn nhất định. Đó không thuộc về nguyên nhân thể chế, mà thuộc về các nguyên nhân cấu trúc kinh tế và công nghiệp hoá.

  1. Quan điểm của trường phái cấu trúc

Trường phái cấu trúc ủng hộ quan điểm công nghiệp hoá và giảm bớt sự phụ thuộc vào sản xuất các sản phâm sơ chế. Họ cho rằng, nền kinh tế chịu ảnh hưởng của thể chế, chính trị và thị trường. Nếu như trường phái kinh tế học dòng chính ủng hộ thương mại tự do, thì trường phái cấu trúc cho rằng thương mại tự do chỉ dẫn đến sự phát triển của một số vùng trung tâm (các nước phát triển), làm tổn hại các nền kinh tế đang phát triển. Do vậy, trường phái cấu trúc ủng hộ các nước đang phát triển phát triển thương mại tự do trong nội bộ khối để giảm sự phụ thuộc vào các nền kinh tế đã công nghiệp hoá.

Ngay từ thập niên 1950s, trường phái cấu trúc đã cho rằng phát triển đa dạng các ngành công nghiệp chế tạo sẽ là chìa khoá của tăng trưởng kinh tế. Họ cho rằng giá tài nguyên và giá các sản phẩm nông nghiệp về lâu dài sẽ giảm so với giá của hàng hoá chế tạo. Do thu nhập bình quân đầu người ở các nước có chiều hướng tăng lên, cầu về hàng hoá chế tạo sẽ tăng nhanh hơn cầu về hàng hoá tài nguyên và nông nghiệp. Vì vậy, các nước nếu chỉ dựa vào tài nguyên và các sản phẩm thô, sơ chế luôn tăng trưởng chậm hơn các nước dựa vào sản xuất hàng hoá chế tạo. Một số nhà kinh tế của trường phái cấu trúc còn cho rằng, giá cả các loại hàng hoá thuộc diện tài nguyên thô luôn biến động thất thường trên thị trường, làm tổn thương tăng trưởng kinh tế của các nước xuất khẩu tài nguyên. Sự biến động giá cả hàng hoá trên thế giới cũng ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành xuất khẩu tài nguyên. Chính vì vậy, đa dạng hoá kinh tế là chìa khoá cho tăng trưởng kinh tế, nhưng nếu sự đa dạng hoá này tập trung chủ yếu vào các ngành thuộc công nghiệp chế tạo thì quốc gia đó sẽ đạt được tăng trưởng bền vững lâu dài.

  1. Lý thuyết về sự phụ thuộc

Vào đầu thập niên 1960s, tại Santigo Chile, một nhóm các nhà kinh tế học và xã hội học của Trung tâm nghiên cứu xã hội (CESO) thuộc Trường Đại học Tổng hợp Chilê đã lên tiếng chỉ trích những quan điểm của trường phái cấu trúc luận của ECLA, đặc biệt phê phán sự thất bại của quá trình thực hiện chiến lược công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu mà trường phái cấu trúc luận đưa ra trước đó. Đồng thời, các nhà khoa học của SECO đã đưa ra một trường phái lý thuyết mới với tên gọi là Lý thuyết về sự phụ thuộc. Tác giả của trường phái lý thuyết này là 0. Sunkel, E. Faletto, T.Dos Santos, A. Quijano, F.H. Cardoso, A.G. Frank, I. Ramos, R. Rojas, Paul Baran. Tư tưởng của các nhà lý thuyết về sự phụ thuộc này được áp dụng chủ yếu cho các nước Mỹ Latinh, sau đó đã được truyền bá và áp dụng sâu rộng cho các nước đang phát triển khác thuộc châu Á và châu Phi trong một, hai thập kỷ sau đó.

Lý thuyết về sự phụ thuộc được coi là một nhánh cấp tiến của trường phái cấu trúc luận, phê phán một số quan điểm của trường phái cấu trúc luận. Khác với quan điểm của trường phải cấu trúc luận, lý thuyết về sự phụ thuộc không coi sự phụ thuộc về kinh tế và chính trị của các nước ngoại vi vào các nước tư bản phương Tây là nguyên nhân cơ bản của tình trạng kém phát triển của các nước ngoại vi. Các nhà khoa học của trường phái lý thuyết về sự phụ thuộc cho rằng các nền kinh tế thể giới luôn phụ thuộc lẫn nhau, sự nghèo khổ của các nước ngoại vi không phải là do họ không hội nhập vào nền kinh tế thế giới, mà là do phương cách họ hội nhập vào hệ thống kinh tế thế giới như thế nào. Họ đưa ra mô hình quan trọng nhất trong lý thuyết về sự phụ thuộc như sau: “mối quan hệ giữa các lực lượng bên trong và lực lượng bên ngoài là một mối quan hệ phức tạp. Nó không phải là mối quan hệ dựa trên sự khai thác bóc lột lẫn nhau, mà nó được dựa trên sự trùng khớp về lợi ích giữa các thực thể trong nước với thế giới bên ngoài. Lực lượng bên trong được hiểu là các cơ chế khai thác trong nước, còn lực lượng bên ngoài được hiểu là các cơ chế khai thác quốc tế (như các tổ chức tài chính quốc tế, các công ty xuyên quốc gia, hệ thống tài chính quốc tế, hệ thống sản xuất quốc tế, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài…).

Lý thuyết về sự phụ thuộc đã ủng hộ mối quan hệ với bên ngoài để phát triển bên trong của mỗi nền kinh tế quốc gia của các nước ngoại vi (các nước đang phát triển). Họ chấp nhận sự phụ thuộc của các nước ngoại vi vào thế giới bên ngoài trong 4 lĩnh vực cơ bản sau:

+ Sản xuất hàng hoá vốn không đủ mạnh để đảm bảo sự tiếp tục sản xuất, vì vậy phụ thuộc vào bên ngoài.

+ Lĩnh vực công nghệ phụ thuộc vào sự cung cấp từ bên ngoài.

+ Mô hình sản xuất trong nước phụ thuộc vào thị trường quốc tế.

Từ các lĩnh vực phụ thuộc trên, các nhà khoa học của trường phái lý thuyết về sự phụ thuộc cũng đã đưa ra mô hình công nghiệp hóa cho các nước đang phát triển. Họ cho rằng mô hình công nghiệp hóa của các nền kinh tế phụ thuộc cần tập trung vào vấn đề phân phối thu nhập, bởi vì công nghiệp hóa sẽ làm tăng sự khác biệt về năng suất lao động chứ không tạo ra sự bình quân chủ nghĩa về năng suất cho toàn bộ nền kinh tế.

Lý thuyết về sự phụ thuộc có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các nước châu Phi giành được độc lập vào những năm cuối thập kỷ 1960 và đầu thập kỷ 1970. Đây là thời kỳ các nước châu Phi giành được độc lập về mặt chính trị, nhưng lại phụ thuộc vào thế giới bên ngoài (đặc biệt là phụ thuộc vào các thể chế tài chính quốc tế) để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và công nghiệp hóa. Nhiều nước châu Phi đã áp dụng lý thuyết về sự phụ thuộc, tiến hành tái liên kết khu vực và hội nhập kinh tế quốc tế sau nhiều thập kỷ bị thực dân hóa. Đối với những đất nước có nguồn tài nguyên giàu có, đặc biệt là dầu mỏ và khoáng sản, các nước châu Phi đang phụ thuộc rất lớn vào những biến động từ giá cả thị trường thế giới, phụ thuộc vào sức khỏe của một số nền kinh tế công nghiệp phát triển vốn là thị trường chủ yếu của ngành hàng hóa của các nước này, đồng thời cũng phụ thuộc vào những chính sách đầu tư ra nước ngoài của các nước công nghiệp phát triển và các công ty xuyên quốc gia. Cho dù ngày nay ở một số nước như Nam Phi đã đạt được những trình độ công nghệ nhất định và đã xây dựng được một số ngành công nghiệp vững chắc, nhưng Nam Phi vẫn coi sự phụ thộc của nền kinh tế quốc gia vào hệ thống kinh tế thế giới là một trong những phương thức để tìm kiếm công nghệ mới, tiếp nhận nguôn vôn nước ngoài và mở rộng thị trường xuất khẩu.

  1. Lý thuyết tăng trưởng kinh tế xanh, phát triển bền vững và tiết kiệm tài nguyên

Về mặt học thuật, Paul Ekins là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “tăng trưởng xanh” (Ekins, 2000). Theo Ekins, tăng trưởng xanh là tăng trưởng kinh tế bền vững về mặt môi trường, đặc biệt hơn, là sự tăng trưởng GDP trong khi vẫn bảo tồn hoặc tăng cường các hệ sinh thái và đóng góp của chính cho sức khoẻ, phúc lợi và chất lượng cuộc sống. Khái niệm tăng trưởng xanh cũng được Uỷ ban kinh tế xã hội châu Á — Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (UNESCAP) đưa ra năm 2005, trong đó tăng trưởng xanh được định nghĩa là việc làm giảm đói nghèo thông qua tăng trưởng và bảo vệ môi trường, hiệu quả sinh thái.

Lý thuyết tăng trường xanh bắt đầu từ giả thuyết đường cong Kuznets về môi trường (1954). Đường cong Kuznets (EKC) thường được sử dụng để biểu thị mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và chất lượng môi trường. Nó dựa trên giả thuyết mối quan hệ chữ U ngược giữa sản lượng của nền kinh tế tính trên đầu người và thước đo của chất lượng môi trường. Hình dạng của đường cong có thể giải thích như sau: khi GDP bình quân đầu người tăng thì dẫn đến môi trường bị suy thoái; tuy nhiên, khi đạt đến một điểm nào đó, thì tăng GDP bình quân đầu người lại làm giảm suy thoái môi trường. Đường cong Kuznets thể hiện: Ở mức thu nhập thấp, việc giảm nhẹ ô nhiễm khó có thể thực hiện được bởi các cố nhân thường có xu hướng sử dụng khoản thu nhập hạn hẹp để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cơ bản của mình. Khi mức thu nhập đạt đến mức độ nhất định, các cá nhân bắt đầu xem xét đến việc cân nhắc lựa chọn giữa chất lượng môi trường và tiêu dùng, dẫn đến thiệt hại môi trường gia tăng nhưng với tốc độ thấp hơn; Sau khi đạt đến ngưỡng chuyển đổi, chi tiêu cho việc xử lý chất thải sẽ tăng cao, bởi vì mỗi cá nhân đều mong muốn cải thiện chất lượng môi trường bằng việc tiêu dùng nhiều hơn và chất lượng môi trường bắt đầu được cải thiện cùng với sự tăng trưởng kinh tế.

Nhiều nhà nghiên cứu khác tiếp tục nghiên cứu phát triển lý thuyết đường cong Kuznets. Nhà bình luận Arrow và đông sự (1996) cho thấy nguy cơ của những thay đổi nhỏ có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng, nghĩa là nếu chỉ tập trung vào tăng trường kinh tế để cải thiện môi trường có thể gây phản tác dụng. Chẳng hạn như, trong bối cảnh của sự đa dạng sinh học, tăng chi phí để bảo tồn đa dạng các loài sẽ không thể tái tạo ra các loài tuyệt chủng. Mối quan hệ kinh tế – môi trường về khía cạnh thiệt hại môi trường khi chạm ngưỡng trên mà tại đó sự sản xuất có ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Stern (2004) đề cập đến mối quan hệ có thể xa hơn giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế. Cạnh tranh quốc tế ban đầu làm gia tăng thiệt hại môi trường, đạt tới điểm mà các quốc gia phát triển bắt đầu giảm tác động môi trường của họ, đồng thời “thuê” các nước nghèo hơn thực hiện các hoạt động gây ô nhiễm.

Phát triển kinh tế và tăng trưởng xanh trong một nền kinh tế thường chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn khói đen, giai đoạn khối trắng và giai đoạn không khói. Ở giai đoạn khói đen, các nước thường hy sinh môi trường để tăng trưởng kinh tế. Quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá và sản xuất đồng loạt đã dẫn đến khai thác và sử dụng quá nhiều năng lượng từ tài nguyên hoá thạch và các loại tài nguyên thiên nhiên. Cái giá phải trả cho sự tăng trưởng đó là sự xuống cấp nghiêm trọng của môi trường như sự huỷ hoại tầng ozon, biến đổi khí hậu, mưa acid, chặt phá rừng, dân số đông, mất đa dạng sinh học, xói mòn đất đai, sa mạc hoá, chất thải nguy hiểm, khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên không tái tạo… Nhà kinh tế học xanh Paul Hawken cho rằng, các cuộc khủng hoảng xã hội và môi trường mà chúng ta đang trải qua không phải là hậu quả của vấn đề quản lý, mà là do sai lầm của mô hình kinh tế.

Ở giai đoạn khói trắng, môi trường bắt đầu được cải thiện nhờ nhận thức về tác động tiêu cực của tăng trưởng kinh tế nhanh tới môi trường và hệ sinh thái. Chương trình môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP) đã đưa ra nhiều sáng kiến về các chính sách và biện pháp thực hiện tăng trưởng xanh như thuế xanh, hệ thống quy định bảo vệ môi trường, khuyến khích phát triển công nghệ thân thiện với môi trường. Tuỳ điều kiện của mỗi quốc gia, các chính sách và biện pháp này được áp dụng khác nhau, nhằm mục đích giảm tác động tiêu cực của tăng trưởng nhanh đến môi trường và hệ sinh thái.

Ở giai đoạn không khói, các nước cắt giảm mạnh ô nhiễm ngay từ giai đoạn đầu của quá trình sản xuất và hướng tới sự cùng tồn tại bền vững của loài người và hệ sinh thái, ở giai đoạn này, nền kinh tế chuyển sang nền kinh tế xanh. Các chính sách kinh tế nhằm vào việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào tài nguyên hoá thạch, tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ sạch để thực hiện tăng trưởng bền vững… (còn nữa)

(Tạp chí nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông, số 8/2017)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here