UNDP đề xuất giải pháp Việt Nam phục hồi mạnh mẽ hậu Covid-19

0
58
Để phục hồi kinh tế, Việt Nam cần sớm triển khai các giải pháp kích thích kinh tế hơn là chỉ đơn thuần hỗ trợ.
Để phục hồi kinh tế, Việt Nam cần sớm triển khai các giải pháp kích thích kinh tế hơn là chỉ đơn thuần hỗ trợ.

Kinh tế Việt Nam và toàn cầu trải qua nhiều biến động do Đại dịch Covid-19. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng âm năm 2020 và cho đến nay, nhiều nước vẫn phải áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch bệnh. Có thể nói đây là đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 2009.

Như hầu hết các nước trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Covid-19. Tăng trưởng GDP năm 2020 giảm còn 2,91% so với con số 6,5-7% được dự báo trước đại dịch. Mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 không hoàn thành.

Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021-2025: Phục hồi và tăng tốc” do Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế- xã hội quốc gia phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức mới đây. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, Covid-19 tác động nghiêm trọng không chỉ về kinh tế vĩ mô mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp và hộ gia đình. Các doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng và đang phải vật lộn để tồn tại.

Qua 2 đợt khảo sát diện rộng với trên 130 nghìn doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê đều cho thấy, có tới trên 83% số doanh nghiệp khẳng định bị ảnh hưởng tiêu cực. Tương tự, các cá nhân, hộ gia đình, các nhóm người đặc biệt dễ bị tổn thương đang bị tác động mặc dù gói hỗ trợ của Chính phủ đã được cung cấp từ rất sớm.

Mặc dù vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, những biện pháp kịp thời và hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch đã giúp Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Đây cũng là nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế trong năm 2021 và trung hạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, Covid-19 cũng hình thành hoặc đẩy nhanh nhiều xu hướng mới, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn.

Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025.

Tại Hội thảo, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia nhận định, trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng, dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 nhiều khả năng sẽ đạt mức cao trở lại, với 2 kịch bản chủ yếu.

Kịch bản cơ sở: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt khoảng 6,17%; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình khoảng 3,8%. Kịch bản này diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục, khi đại dịch Covid-19 dần được khống chế.

Ở kịch bản này, theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia, một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản hay Liên minh châu Âu (EU) sẽ từ mức tăng trưởng âm năm 2020 đạt mức tăng trưởng dương trở lại. Tăng trưởng của Mỹ giả định đạt 3-3,5%; kinh tế Trung Quốc đạt 5%.

Trong nước, sản xuất dần phục hồi, đầu tư khu vực nhà nước tăng trưởng ở mức 7%. Đóng góp của khu vực FDI dự kiến sẽ được duy trì. Chính sách tiền tệ tiếp tục theo hướng linh hoạt, phù hợp, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Kịch bản khả quan: Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,72%; CPI trung bình khoảng 4,2%. Kịch bản diễn ra trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh. Ở kịch bản này, Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng trên 3,5%; kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 6-8%.

Trong nước, các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm 2021. Thêm vào đó, tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, luồng vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước khởi sắc trở lại, tăng trưởng đầu tư khu vực nhà nước đạt 8%.

Dự báo về các kịch bản tăng trưởng kinh tế trong trung hạn 2021-2025, Phó Giám đốc, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia TS. Đặng Đức Anh cho biết, trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 với nhiều khả năng sẽ đạt mức cao trở lại.

Có 2 kịch bản được đưa ra. Theo đó, ở kịch bản cơ sở phản ánh rằng, nếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục và đại dịch Covid-19 dần được khống chế thì tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt khoảng 6,17% và CPI trung bình khoảng 3,8%. Các hoạt động sản xuất trong nước sẽ dần hồi phục, đầu tư khu vực Nhà nước tăng trưởng ở mức 7% và đóng góp của khu vực có vốn FDI dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì. Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục theo hướng linh hoạt, phù hợp và giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Ở kịch bản lạc quan, trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến. Khi đó, tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt 6,72% và CPI trung bình khoảng 4,2%. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm nay.

“Thêm vào đó, tận dụng được những lợi thế từ các Hiệp định Thương mại, luồng vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước sẽ nhanh chóng khởi sắc trở lại. Tăng trưởng đầu tư khu vực Nhà nước có thể đạt 8% và các yếu tố khác sẽ duy trì, thậm chí tăng trưởng theo chiều hướng tích cực”, ông Đức Anh nhận định.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đều khuyến nghị một số hàm ý chính sách, theo đó, cần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và giảm thiểu tổn thất do đại dịch gây ra; tiếp tục các biện pháp hỗ trợ kinh tế và an sinh xã hội; đồng thời sớm triển khai các giải pháp kích thích kinh tế hơn là chỉ đơn thuần hỗ trợ.

Trong ngắn hạn, tiếp tục thúc đẩy việc triển khai cac dự án đầu tư công và tận dụng các cơ hội mở cửa thị trường khi cơ hội đến từ các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và định hình lại chuỗi cung ứng. Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng các quy trình ứng phó tự động cho các trường hợp khẩn cấp để có thể kích hoạt ngay khi có khủng hoảng hay đại dịch hoặc các thảm họa khác xảy ra.

Tại Hội thảo, Đại diện UNDP, bà Wiesen đề xuất 4 hành động chính để có thể giúp Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19 và không để ai ở lại phía sau. Đó là: Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng nhanh của các mặt hàng xuất khẩu chế tạo là động lực chính tạo ra việc làm bền vững, tăng năng suất và thu nhập.

Thứ hai, đảm bảo hài hòa cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, bằng cách chuyển đổi nền kinh tế, bao gồm cả sản xuất và tiêu dùng theo hướng tăng trưởng xanh và tiết kiệm năng lượng.

Thứ ba, phát triển thị trường vốn trong nước và nâng cao hiệu lực và hiệu quả sử dụng tất cả các nguồn lực tài chính phát triển để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ tư, tiếp tục áp dụng phương pháp quản trị 3A bao gồm (dự đoán, thích ứng và nhanh nhạy) để tạo môi trường thuận lợi cho việc thử nghiệm và tạo ra các giải pháp sáng tạo của và do người dân và các tổ chức ở Việt Nam triển khai.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here