Tương lai tồn tại và phát triển của ngành cà phê thế giới sẽ thế nào?

0
346

Nhận định về hướng phát triển của thị trường cà phê toàn cầu, các chuyên gia dự báo mặt hàng nông sản được giao dịch nhiều nhất trên thị trường thế giới hiện đang phải đối mặt với khủng hoảng môi trường, ảnh hưởng đến hàng triệu người trồng cà phê nhỏ và cả các nhà phân phối lớn, cũng như toàn bộ chuỗi cung ứng. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi toàn diện. 

Các sản phẩm cà phê của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Nguồn: Vietnamcoffee)

Vậy làm thế nào để ngành cà phê có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới?

Nguồn cung cà phê đang bị thu hẹp?

Giống như quả anh đào nhỏ màu đỏ được phát hiện cách đây gần một thiên niên kỷ tại khu vực Kaffa (Ethiopia), ngày nay, những hạt cà phê được rang và xay thành bột xếp dọc trên các kệ hàng trong nhiều siêu thị trên toàn cầu. Với đa dạng cách thức pha chế, uống trong văn phòng hay uống tại quán ngoài trời, cà phê từ lâu đã trở thành một phần cuộc sống của hai phần ba dân số trên thế giới. Điều đáng tiếc là, trong vài năm tới, có thể chúng ta sẽ thấy cà phê hiện diện ít hơn trong đời sống hàng ngày của nhân loại.

Trên tờ Les Echos, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp (CIRAD) Benoît Bertrand cảnh báo: “Người tiêu dùng yêu thích cà phê sẽ phải lo lắng về tương lai”. Trong những thập kỷ gần đây, nhu cầu về cà phê tăng vượt bậc. Tổng sản lượng thu hoạch đã tăng 60% kể từ những năm 1990, với tốc độ vượt trội từ năm 2000 đến năm 2009. Nhu cầu cà phê dự kiến sẽ tăng gấp hai hoặc gấp ba vào năm 2050.

Tuy nhiên, tính toán của ngân hàng Hà Lan Rabobank lại cho thấy lượng nhập khẩu cà phê ở Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đã giảm 13% trong quý 2/2023. Tại Mỹ, mức sụt giảm trong nhập khẩu cà phê được ghi nhận là 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Rabobank, đây là sự suy giảm lớn nhất được quan sát thấy trong 15 năm qua.

Cà phê – Một sản phẩm cao cấp trong tương lai?

Ông Benoît Bertrand nhấn mạnh: “Cây cối đều là nạn nhân của biến đổi khí hậu và cà phê cũng không ngoại lệ’’. Trong khi 60% loài cà phê hoang dã đang bị đe dọa tuyệt chủng do biến đổi khí hậu và nạn phá rừng, thì các loài được trồng thương mại thậm chí còn có nguy cơ tuyệt chủng lớn hơn. Trong những năm gần đây, tình hình môi trường đã đặt ra những mối đe dọa mới cho ngành cà phê, bao gồm sự gia tăng căng thẳng về tài nguyên nước, sự lây lan của sâu bệnh, việc dịch chuyển các vùng chuyên canh lên các độ cao lớn hơn, cũng như nhiệt độ quá cao cản trở quá trình thụ phấn hoa và phát triển của trái cây.

Năm 2021, trong khi mức tiêu thụ cà phê bắt đầu một giai đoạn mới sau đợt khủng hoảng do đại dịch COVID-19, một đợt hạn hán đặc biệt nghiêm trọng và các đợt giá lạnh tại Brazil đã khiến sản lượng cà phê trên toàn cầu sụt giảm. Giá cà phê khi đó đã leo lên mức cao nhất.

Giữa các vùng trồng trọt cà phê khác nhau, hậu quả của cuộc khủng hoảng môi trường không diễn ra theo cùng một cách. Các khu vực sản xuất phải đối mặt với những thay đổi đột ngột và rộng lớn, từ hạn hán cho đến dư thừa nước, cũng như sự chệch lệch ngày càng tăng về thời điểm bắt đầu mùa mưa hoặc thời kỳ nắng nóng.

“Liên quan đến nguyên nhân môi trường sinh học và vật lý ảnh hưởng đến cà phê, như đất đai, khí hậu, và các yếu tố sinh học khác, nơi bị đe dọa nhiều nhất là những khu vực bị phá rừng, như ở Brazil”, nhà nghiên cứu Bertrand giải thích, ‘‘Ở các vùng xích đạo, nơi cà phê vốn có khả năng thích ứng kém, tình hình dự kiến sẽ còn xấu hơn nữa’’.

Ví dụ về trường hợp của Uganda và Colombia, nơi đây sẽ phải đối mặt với việc phải tăng cường thụ phấn cho hoa, điều này sẽ đồng nghĩa với chi phí sản xuất cao hơn. Tương tự, Yemen và Arab Saudi đang phải đối mặt với một tình huống vốn đã cực kỳ khó khăn. Ông Bertrand nói: “Vì những vùng này có nền văn hóa gắn với tình trạng bị thiếu nước, nên họ phải phát triển các chiến lược để điều chỉnh hoạt động sản xuất của mình. Do biến đổi khí hậu, một số người sẽ buộc phải dừng lại và không thể tiếp tục việc trồng trọt hoặc sản xuất nông nghiệp. Do đó, bản đồ sản xuất sẽ được thiết kế lại, chắc chắn sẽ nhanh hơn những gì chúng ta nghĩ vài năm trước”.

Trong số hơn 140 loài cà phê trên thế giới, Arabica và Robusta chiếm hơn 98% sản lượng. Cà phê arabica phát triển trong khoảng nhiệt độ 18 đến 23 °C ở độ cao từ 1.000 đến 2.000 mét. Trong khi đó, cà phê robusta phát triển trong khoảng nhiệt độ 22 đến 30 °C ở độ cao dưới 800 mét. Theo mô phỏng khí hậu do các nhà nghiên cứu thực hiện gần đây, các khu vực thuận lợi cho việc trồng cà phê có thể giảm 50% vào năm 2050.

Tình trạng thiếu lao động, xung đột Nga-Ukraina và lạm phát ở châu Âu có lẽ đang khiến tình hình trở nên khó khăn hơn. “Nếu ngày mai cà phê biến mất thì loài người sẽ không biến mất. Chúng ta không đối mặt với những thách thức giống như lúa mì hay ngô. Tuy nhiên, chúng ta đang đứng trước bờ vực của cuộc khủng hoảng khan hiếm sản phẩm này. Trong thời gian tới, cà phê chắc chắn sẽ trở thành một sản phẩm xa xỉ”, chuyên gia Bertrand nhấn mạnh.

Nhà sản xuất nhỏ bị đe dọa?

Hiện nay, sản xuất cà phê chủ yếu dựa trên 25 triệu nhà sản xuất nhỏ, đóng góp 80% sản lượng toàn cầu. Những người này chỉ được hưởng một phần không đáng kể từ lợi nhuận được tạo ra bởi các bên tham gia ở phía dưới chuỗi cung ứng. Năm 2018, một nghiên cứu của Max Havelaar France, Commerce Equitable France và tập thể Repenser les Filières báo cáo rằng các nhà sản xuất chỉ thu được khoảng 10% giá bán cà phê trung bình cho người tiêu dùng.

Các nước sản xuất chính đều là các nước đang phát triển. Phần lớn thị trường do Brazil nắm giữ, theo sát là Việt Nam và Ethiopia. Ông Jean-Pierre Blanc, tổng giám đốc thương hiệu Malongo của Pháp, nhận định: “Năm nay, Brazil sẽ sản xuất gần một nửa sản lượng cà phê toàn cầu. Đất nước này dựa trên một hệ thống sản xuất rất hiệu quả, tương tự như hệ thống sản xuất đậu nành. Trong một ngày, một máy kéo tại Brazil có thể thu hái được 60.000 kg quả cà phê trong khi một người làm việc hiệu quả ở các khu vực cao nguyên nhiệt đới sẽ chỉ hái được 60 kg”. Năm 2018, Brazil trở thành nhà sản xuất cà phê lớn nhất chiếm 62% thị phần, so với mức chỉ 47% vào năm 1995.

Theo quan điểm của chuyên gia Bertrand, hậu quả của biến đổi khí hậu đối với cà phê sẽt đáng lo ngại cho các nhà sản xuất nhỏ hơn là người tiêu dùng cuối cùng. Thực tế là cấu trúc của chuỗi cung ứng cà phê làm gia tăng những ảnh hưởng kinh tế tại vùng nguyên liệu. Nhà nghiên cứu của CIRAD giải thích: ‘‘Ở hầu hết các quốc gia sản xuất cà phê, chính phủ không đầu tư để hỗ trợ các nhà sản xuất. Trên dải xích đới, các cấu trúc tổ chức xã hội chính trị ở các nước trong khu vực không có khả năng làm giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu đối với các khía cạnh kinh tế và xã hội’’.

Hỗ trợ các doanh nghiệp cà phê như thế nào?

Thành lập vào năm 2005 bởi gia đình của Michael R. Neumann, người trước đây là một nhà môi giới cà phê làm việc cùng các nhà sản xuất nhỏ, quỹ Hanns R, thuộc tổ chức Neumann Stiftung (HRNS) của Đức đã hỗ trợ các gia đình nhỏ của những người nông dân cải thiện điều kiện sống của họ thông qua việc nâng cao năng suất, cải thiện sản xuất và đa dạng hóa hệ thống nông nghiệp.

Ông Michael Opitz, giám đốc điều hành của tổ chức này, giải thích: “Các quốc gia được lựa chọn dựa trên tình trạng khẩn cấp mà các gia đình đang trải qua và khả năng chúng tôi có thể cung cấp sự trợ giúp có ý nghĩa và quan trọng cho họ”. Quỹ HRNS hoạt động dài hạn ở những khu vực có cơ sở hạ tầng đã được thiết lập tốt và đội ngũ nhân viên hoàn toàn là người địa phương.

Ông Opitz nói thêm: “Những người sản xuất cảm nhận được rất rõ tác động của sự nóng lên toàn cầu đối với cây trồng của họ”. Do đó họ đã ủng hộ các giải pháp do HRNS đưa ra, chẳng hạn như trồng thêm cây, cải thiện việc bảo tồn đất và khả năng thấm nước, hoặc giảm sự bốc hơi thông qua việc sử dụng lớp phủ bảo vệ đất. Ông Opits cho biết: “Ví dụ, hàng rào cây cỏ xung quanh khu vực canh tác có thể giúp giảm tác động của gió mạnh và giữ ẩm cho đất’’.

Nhưng nhìn chung, các giải pháp dài hạn được đề xuất ở các quốc gia này có vẻ khó khả thi đối với người sản xuất. Ví dụ, chuyển đổi vùng đất canh tác cà phê từ vùng này sang vùng khác, để thích ứng với biến đổi khí hậu hoặc các yếu tố môi trường khác. Tuy nhiên, Trái đất không thể mở rộng thêm được.

Do đó, chuyên gia Bertrand cho rằng biện pháp này quá tốn kém, không hiệu quả. Trồng một ha cà phê chi phí mất ít nhất 6.000 USD, một mức giá cao, đặc biệt khi phải chi từ túi tiền của một nhà sản xuất nhỏ. Thêm vào đó, ở các vùng địa lý gần xích đạo thích hợp cho trồng cà phê, lãi suất tín dụng thường rất cao, có thể lên tới 15% đến 30%.

“Không ai có thể trả nổi mức lãi suất đó”, nhà nghiên cứu chia sẻ, ‘‘Hơn nữa, giá cà phê hiện tại không thuận lợi cho người sản xuất. Ngân hàng ngày càng thiếu niềm tin vào lợi nhuận từ đầu tư, điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn’’.

Thu Hà

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here