Truyền thông Hàn Quốc hào hứng với xu hướng tăng cường hợp tác đầu tư với Việt Nam

0
120
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chứng kiến Tập đoàn An phát Holdings ký kết hợp tác với Công ty TLC Hàn Quốc. (Nguồn: Nld)

Chuyến thăm Hàn Quốc  từ 16 – 23/6 của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ theo lời mời của Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki đã được giới truyền thông Hàn Quốc đặc biệt chú ý, trong đó nổi bật là các hoạt động thảo luận về quan hệ đối tác và hợp tác đầu tư với Hàn Quốc.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chứng kiến Tập đoàn An phát Holdings ký kết hợp tác với Công ty TLC Hàn Quốc. (Nguồn: Nld)

Doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam

Tờ Korea Times ngày 20/6 đưa tin Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đến thăm Hiệp hội Đầu tư Tài chính Hàn Quốc (KOFIA) để thảo luận về quan hệ đối tác và hợp tác đầu tư với Hàn Quốc. Tin cho hay, đi cùng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là 30 quan chức cấp cao chính phủ và các lãnh đạo doanh nghiệp. Phía Việt Nam đã giải thích kế hoạch phát triển thị trường chứng khoán và chính sách của chính phủ về thu hút đầu tư nước ngoài.

CEO của các công ty chứng khoán Hàn Quốc cũng chia sẻ các chiến lược đầu tư toàn cầu cũng như lợi ích cụ thể của họ trên thị trường vốn của Việt Nam. Chủ tịch KOFIA Kwon Yong-won nói: “Qua chuyến thăm của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chúng tôi cảm nhận được sự kỳ vọng cao của chính phủ Việt Nam về thị trường vốn Hàn Quốc. KOFIA sẽ ký Biên bản ghi nhớ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam vào tháng 11 nhằm thúc đẩy cơ hội hợp tác vốn giữa hai nước”.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 6% kể từ năm 2014 và rất có khả năng đạt mức 7% trong năm nay.

Tháng 9/2017, Việt Nam nới lỏng các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán để khuyến khích dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tháng 8/2018, Việt Nam cũng thành lập thị trường phái sinh.

Theo Korea Times, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng Việt Nam cũng là lý do các doanh nghiệp Hàn Quốc có xu hướng mở rộng đầu tư vào thị trường Việt Nam. KOFIA cho biết tính đến cuối tháng 3/2019, 16 công ty vốn của Hàn Quốc đã đưa 18 cơ quan và văn phòng công ty tại Việt Nam vào hoạt động, tăng 38% so với năm 2017.

Nhà thầu Hàn Quốc có thể tham gia các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn tại Việt Nam

Tờ Korea Herald cho biết ngày 21/6 Chính phủ Hàn Quốc đã nhất trí hợp tác với Chính phủ Việt Nam để đảm bảo các công ty Hàn Quốc có thể tham gia các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn tại Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á mới nổi.

Thỏa thuận này đã đạt được giữa Phó Thủ tướng Hong Nam-ki và Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huế tại Seoul trong cuộc đối thoại đầu tiên giữa Phó Thủ tướng hai nước, một thỏa thuận được thiết lập sau chuyến thăm cấp nhà nước năm ngoái tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Ông Hong Nam ki cho biết Seoul sẽ thành lập một “trung tâm hợp tác” tại Việt Nam để đảm bảo rằng, các dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có dự án xây dựng một sân bay, sẽ thành công với sự tham gia của các nhà thầu Hàn Quốc.

Hãng tin Yonhap cũng cho biết Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc nói rằng, cuộc đối thoại, Hàn Quốc và Việt Nam “nhất trí hợp tác tích cực để đảm bảo các công ty Hàn Quốc có thể tham gia các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn tại Việt Nam”. Cuộc đối thoại này nhằm đánh giá kết quả thực hiện các thỏa thuận đạt được tại cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa Tổng thống Moon Jae-in với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tại Hà Nội hồi tháng 3 năm ngoái, trong đó có thỏa thuận nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020 cùng một số thỏa thuận khác.

Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 68,3 tỷ USD, tăng đột biến từ con số 500 triệu USD năm 1992, khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao. Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc.

Hiện có hơn 7.000 công ty Hàn Quốc, bao gồm cả công ty công nghệ khổng lồ Samsung, hoạt động ở Việt Nam. Hàn Quốc và Việt Nam đã đồng ý thúc đẩy các cuộc đàm phán để sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã được ký vào năm 1994. Hai bên hy vọng sẽ ký một hiệp định sửa đổi bên lề Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Hàn Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên vào tháng 11 tới. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng kêu gọi tăng cường hợp tác kinh tế với Hàn Quốc, coi Hàn Quốc là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Trong khi đó, Hàn Quốc đang tìm kiếm mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn với các nước Đông Nam Á để giảm sự phụ thuộc nặng nề vào các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc và để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Tìm kiếm mối quan hệ sâu sắc hơn

Cũng về chuyến thăm này, KBS đăng bài với nhan đề “Hàn Quốc, Việt Nam tìm kiếm mối quan hệ đối tác kinh tế sâu sắc hơn”, trong đó cho biết Phó Thủ tướng- Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác kinh tế của Hàn Quốc với Việt Nam. Trong cuộc gặp Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ tại Seoul, ông Hong Nam-ki cho rằng Việt Nam là đối tác hợp tác quan trọng nhất trong Chính sách hướng Nam Mới của Hàn Quốc.

Ông cho biết Seoul sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ với Hà Nội, bao gồm cả nỗ lực xây dựng một trung tâm hợp tác tại Việt Nam để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam với sự giúp đỡ từ các công ty Hàn Quốc. Ông cho biết Hàn Quốc cũng sẽ thảo luận với Việt Nam về sự hỗ trợ tài chính có thể, bao gồm thông qua gói hợp tác tài chính song phương và Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế của Seoul (EDCF) cũng như chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế nhanh.

Ông Hong Nam-ki cho biết hai nước cũng sẽ hợp tác trong các lĩnh vực sản xuất quan trọng như nguyên liệu công nghiệp, ô tô và dệt may, hứa hẹn Hàn Quốc sẽ giúp Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả quy trình sản xuất tại các công ty Việt Nam. Ông cũng kêu gọi nỗ lực chung tăng cường các hệ thống thương mại tự do trong khu vực, trong đó có cả việc thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gọi Hàn Quốc là đối tác quan trọng nhất đối với Việt Nam và đề xuất hợp tác nhiều hơn trong các lĩnh vực kinh tế để đối phó với những thay đổi về kinh tế.

Trong khi đó, tờ Korea Times đăng tin với nhan đề “Các nhà đầu tư Hàn Quốc đang rời Trung Quốc để đầu tư vào Việt Nam”. Tin cho biết các quỹ đầu tư của Hàn Quốc đang để mắt tới các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á khi Hàn Quốc đã đạt đến đỉnh cao tăng trưởng do lãi suất thấp và lợi nhuận đầu tư giảm.

Xu hướng này hoàn toàn trái ngược với sự vội vàng rời khỏi thị trường Trung Quốc gần đây của các nhà đầu tư do những bất ổn ngày càng tăng ảnh hưởng tới sự tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc, trong bối cảnh cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.

Theo Hiệp hội Đầu tư Tài chính Hàn Quốc, người Hàn Quốc đã đầu tư 3.160 tỷ won (2,66 tỷ USD) vào Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư tài chính tính đến cuối tháng 5 năm 2019, gấp hơn 10 lần so với con số 310 tỷ won cuối năm 2015. Ấn Độ cũng thu hút 1.220 tỷ won từ các quỹ đầu tư tài chính Hàn Quốc trong giai đoạn này, tăng 34% so với cuối năm 2015.

Các nền kinh tế mới nổi khác như Indonesia và Thái Lan cũng đã lần lượt thu hút 310 tỷ won và 120 tỷ won tính đến cuối tháng trước. Tổng cộng 5.500 tỷ won đã được đầu tư vào Đông Nam Á thông qua các quỹ đầu tư tài chính trong giai đoạn này, tăng gần 4.000 tỷ won so với con số 1.580 tỷ won của năm 2015.

Trong khi đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã rút các khoản đầu tư khỏi thị trường Trung Quốc. Số liệu cho thấy họ đã đầu tư 4.540 tỷ won vào Trung Quốc thông qua các quỹ đầu tư tài chính tính đến cuối tháng 5/2019, giảm 1.430 tỷ won so với con số 5.910 tỷ won trong năm 2015.

Mạnh Hùng (theo Yonhap, KBS, Korea Times)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here