Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Tân Hoa Xã, Chủ tịch Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước (SASAC) của Quốc Vụ viện Trung Quốc Hao Peng cho biết các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp được sở hữu bởi chính quyền Trung ương phải liên kết với các doanh nghiệp nhỏ hơn để xây dựng các chuỗi cung và hình thành các cụm công nghiệp trong các lĩnh vực Trung Quốc có ưu thế dẫn đầu; nhấn mạnh dù là doan nghiệp nhà nước hay tư nhân, tất cả đều là doanh nghiệp Trung Quốc; SASAC sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết giữa các doanh nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn với mọi loại hình sở hữu; sự liên kết giữa các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ; điều phối sự phát triển của các chủ thể thị trường để cùng xây dựng, hình thành các doanh nghiệp đẳng cấp thế giới; cho rằng các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước của chính quyền Trung ương có trách nhiệm không thể trốn tránh là thúc đẩy sáng kiến xây dựng các chuỗi công nghiệp và các chuỗi cung của các doanh nghiệp thuộc tất cả các hình thức sở hữu và cùng chung tay tạo lập một môi trường kinh tế công nghiệp tốt.
Nhiệm vụ chủ chốt của SASAC là quản lý 97 doanh nghiệp nhà nước do chính phủ Trung ương quản lý có tổng tài sản hơn 80.000 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 11.500 tỷ USD) tính đến cuối năm 2018 và hiện nay được giao thêm nhiều trách nhiệm hơn. Trong khi ngừng công khai đề cập kế hoạch chính sách công nghiệp chiến lược “Made in China 2025” sau khi bị cuốn vào cuộc thương chiến với Mỹ bắt đầu từ năm 2018, linh hồn của kế hoạch vẫn tiếp tục được duy trì. Một trong những mục tiêu chính của Trung Quốc là xây dựng một số tập đoàn đa quốc gia và cụm công nghiệp đứng đầu thế giới trong 10 lĩnh vực công nghệ tân tiến nhất cho đến năm 2025. Ông Hao cho biết, tổng đầu tư liên kết giữa các doanh nghiệp sở hữu nhà nước của chính quyền Trung ương và khu vực tư nhân trong nửa đầu năm 2020 là 110 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 15,82 tỷ USD) thông qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm mua cổ phiếu của các doanh nghiệp, thành lập các liên doanh mới và các hoạt động sáp nhập; nhấn mạnh các doanh nghiệp sở hữu nhà nước của Trung ương dự kiến hợp tác với tất cả các thành phần doanh nghiệp “trên quy mô lớn hơn và ở cấp độ sâu hơn”.
Hiện chưa rõ nhiệm vụ mới của các doanh nghiệp nhà nươc sẽ được phác họa như thế nào. Trước đây, chính phủ Trung Quốc đã bị chỉ trích vì đã dành các đối xử ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước so với các doanh nghiệp tư nhân dù các doanh nghiệp nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả. Quy mô các doanh nghiệp phá sản được biết đến như những “công ty thây ma” vẫn là một bí mật. Chính phủ các nước, nhất là EU và Mỹ, từ lâu yêu cầu chính phủ Trung Quốc cắt giảm việc dành các đối xử đặc biệt cho các doanh nghiệp nhà nước để tạo “sân chơi công bằng” cho các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc. Tháng trước, Bắc Kinh thông qua chương trình hành động 3 năm tập trung làm sâu sắc cải cách các doanh nghiệp nhà nước. Chi tiết của kế hoạch không được công bố. Tuy nhiên, việc thông qua kế hoạch đưa ra một tín hiệu rõ ràng rằng Đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc sẽ không dừng ủng hộ khu vực nhà nước trong tương lai gần.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)