Theo báo Daily Star ngày 5/7, trong năm tài chính 2017-18, Bangladesh đã nhận được cam kết viện trợ kỷ lục từ Trung Quốc và Ấn Độ bởi hai cường quốc này đang gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị tại khu vực. Theo số liệu từ Phòng Quan hệ kinh tế Bangladesh (ERD), trong năm tài chính vừa kết thúc, Bangladesh đã nhận được cam kết viện trợ từ nhiều nguồn khác nhau với tổng giá trị là 14,86 tỷ USD, trong đó từ Trung Quốc là 4,35 tỷ USD và Ấn Độ là 4,5 tỷ USD. Đây là mức tăng kỷ lục bởi mặc dù trong năm tài chính 2016-17, cam kết dành cho Bangladesh là 17,96 tỷ USD, nhưng trong đó 11,38 tỷ USD là khoản cho vay của Nga dành cho dự án Nhà máy Điện hạt nhân Rooppur. Nếu trừ khoản này đi, thì cam kết dành cho Bangladesh trong năm tài chính 2016-17 chỉ là 6,58 tỷ USD. Theo một quan chức của ERD, khi Thỏa thuận cho vay được ký kết đồng nghĩa với số tiền cam kết sẽ được giải ngân. Trong chuyến thăm Bangladesh tháng 10/2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết cho Bangladesh vay 21,5 tỷ USD. Tuy nhiên, hai nước vẫn chưa ký Thỏa thuận cho vay đồng nghĩa với việc số tiền cam kết vẫn chỉ nằm trên giấy. Trong số 21,5 tỷ USD, năm tài chính vừa qua, Bangladesh và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Exim Bank) mới chỉ ký Thỏa thuận cho vay trị giá 4,35 tỷ USD dành cho 5 dự án của Bangladesh. Đáng chú ý là khoản cho vay trị giá 2,66 tỷ USD Exim Bank tài trợ cho dự án tuyến đường sắt trên cầu Padma của Bangladesh. Một tháng sau khi Thỏa thuận cho vay trên được ký kết, Exim Bank đã giải ngân 533 triệu USD cho Bangladesh để triển khai dự án này.
Đối với Ấn Độ, năm ngoái, trong chuyến thăm của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, Ấn Độ đã cam kết cung cấp 4,5 tỷ USD vốn tín dụng cho Bangladesh. Sau đó, hai nước đã tiến hành ký Thỏa thuận cho vay để giải ngân khoản tiền trên. Kể từ năm 2010, Ấn Độ đã cam kết hỗ trợ Bangladesh 7,5 tỷ USD. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân khá chậm khi chỉ có 607 triệu USD đã được giải ngân. Theo quan chức của ERD, nguyên nhân là do những phức tạp phát sinh trong quá trình triển khai dự án, không phải do từ phía Ấn Độ chậm cung cấp vốn. Tốc độ giải ngân nói chung trong 11 tháng của năm tài chính 2017-18 đạt 4,69 tỷ USD.
Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, Nhật Bản đã cam kết tài trợ 1,83 tỷ USD dành cho Bangladesh. Các đối tác đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng dành cho Bangladesh cam kết viện trợ lớn. Hôm 1/7 vừa qua, Chủ tịch WB Jim Yong Kim đã công bố khoản cho vay dành cho Bangladesh trong năm nay đạt mức kỷ lục là 3 tỷ USD. Đây là khoản cho vay lớn thứ hai mà WB dành cho các nước đối tác trên toàn thế giới trong năm nay.
(Nguồn: ĐSQ VN tại Bangladesh)