Ngày 19/12/2018, tại Hội nghị công tác kinh tế Trung ương, Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra khái niệm “xây dựng cơ sở hạ tầng kiểu mới”, cụ thể là xây dựng mạng 5G, trí tuệ nhân tạo, internet công nghiệp và internet vạn vật. Tiếp đó, trong Báo cáo công tác Chính phủ năm 2019, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu “tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin mới”. Từ ngày 3/2-4/3/2020, Trung ương Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng kiểu mới, với trọng tâm là xây dựng trạm 5G, trạm sạc xe điện, trung tâm dữ liệu mới, trí tuệ nhân tạo và internet công nghiệp. Báo cáo công tác Chính phủ năm 2020 nhấn mạnh cần hỗ trợ xây dựng “2 mới và 1 lớn”, trong đó 2 mới là cơ sở hạ tầng kiểu mới và đô thị mới, một lớn là các dự án quy mô lớn như giao thông, thủy lợi, đường sắt.
Hiện nay, phát triển kinh tế số trở thành sự lựa chọn của nhiều nước trên thế giới, hỗ trợ việc tái định hình mô hình phát triển kinh tế quốc gia. Báo cáo nghiên cứu “Triển vọng kinh tế số toàn cầu 2019” của Viện Nghiên cứu thông tin và truyền thông Trung Quốc cho thấy, năm 2018, quy mô kinh tế số của Mỹ là 12,34 nghìn tỷ USD, đứng đầu thế giới, chiếm 60,2% GDP; của Trung Quốc là 4,73 nghìn tỷ USD, đứng thứ 2 thế giới, chiếm 34,8% GDP. Trong khi GDP của Trung Quốc bằng 66,3% so với Mỹ, quy mô kinh tế số của Trung Quốc chỉ bằng 38,3% so với Mỹ. Mỹ và Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về phát triển kinh tế số, nhưng giữa hai nước vẫn còn khoảng cách khá lớn.
Doanh nghiệp công nghệ mới là chủ thể triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kiểu mới. Thời gian tới Trung Quốc sẽ tập trung hỗ trợ các nền tảng kỹ thuật số như Toutiao, Xiaomi và Didi và các công ty công nghệ khác; bồi dưỡng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia cơ sở hạ tầng kiểu mới và trở thành động lực phát triển kinh tế địa phương. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến tháng 3/2017, 10 nền tảng kỹ thuật số hàng đầu thế giới đều là các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, thị phần toàn cầu của 7 công ty Mỹ (trong đó có Apple, Google và Microsoft) là 78,5%; thị phần của 3 công ty Trung Quốc (Alibaba, Tencent và Baidu) là 21,5%.
Bước vào thế kỷ 21, cuộc cách mạng công nghệ thông tin, với động lực chính là internet, đã tạo ra những thay đổi to lớn đối với kinh tế-xã hội: (i) thay đổi về tốc độ từ chậm sang nhanh; vòng đời của ngành nghề, sản phẩm, kỹ thuật và tri thức ngày càng rút ngắn, đặt ra nhiều thách thức mới đối với các ngành nghề truyền thống; (ii) thay đổi về tính chất, từ xác định sang không xác định; các yếu tố không chắn chắn xuất hiện thường xuyên; bất kỳ quyết định quan trọng nào cũng cần tính đến kịch bản 4 chữ “VUCA”[1] (biến động; không chắc chắn; phức tạp; mơ hồ); (iii) Thay đổi về kết nối, từ có dây sang không dây. Trong thời đại kinh tế số, tăng trưởng theo cấp số nhân, vừa tăng trưởng tốc độ cao vừa phát triển chất lượng cao không phải là điều hiếm thấy; (iv) Thay đổi về không gian, từ không gian thực sang không gian ảo với đặc điểm “3 không, 1 vô”: (0 thời gian, 0 khoảng cách, 0 chi phí và vô ranh giới). Rượt đuổi, vượt lên, phát triển nhanh và cạnh tranh xuyên biên giới là xu thế không tránh khỏi. Xây dựng kinh tế số đã trở thành xu hướng chung của các quốc gia.
[1] Dịch từ tiếng Anh-VUCA là từ viết tắt (Volatility, uncertainty, complexity and ambiguity) – được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1987, dựa trên các lý thuyết lãnh đạo của Warren Bennis và Burt Nanus – để mô tả hoặc phản ánh về sự biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ của các điều kiện và tình huống chung.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)