Trung Quốc ‘khởi động’ kế hoạch ‘hiếm có’: Sắp bơm 140 tỷ USD vào nền kinh tế, quỹ đầu tư quốc gia mua 65 triệu USD cổ phiếu của loạt ngân hàng lớn

0
86
(minh hoạ)
(minh hoạ)
Theo Bloomberg, Bắc Kinh đang có kế hoạch bơm 1 nghìn tỷ NDT (137 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế. Ngoài ra, mới đây, quỹ đầu tư quốc gia nước này cũng mua một loạt cổ phiếu các ngân hàng lớn nhằm ‘giải cứu’ thị trường chứng khoán.
Kế hoạch lớn
Bloomberg trích dẫn nguồn tin thân cận, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang cân nhắc về việc bơm 1 nghìn tỷ NDT (137 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế, thông qua chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Theo đó, động thái này làm tăng thâm hụt ngân sách của nước này trong năm 2023.
Giới phân tích nhận định, việc Trung Quốc chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách sẽ khiến các chính quyền địa phương càng nợ nhiều.
Bắc Kinh thường nỗ lực để đảm bảo thâm hụt ngân sách cơ bản không bao giờ vượt quá 3% GDP. Do đó, đề xuất về khoản hỗ trợ nền kinh tế này được nhận định là “hiếm hoi” và chỉ được thực hiện trong những trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như sau trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên năm 2008 và khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Theo nhóm nhà kinh tế của Citigroup, việc Trung Quốc dự kiến để thâm hụt ngân sách vượt mức 3% cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang rất nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% vào năm 2023.
Bloomberg chỉ ra, điều khác biệt ở lần này là nền kinh tế Trung Quốc không phải đối mặt với cú sốc tăng trưởng đột ngột. Dù một số hoạt động chậm lại trong những tháng gần đây, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn tăng nhanh so với thời kỳ đại dịch. Các nhà kinh tế vẫn kỳ vọng Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.
Trên thực tế, trong năm nay, hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn được thúc đẩy mạnh, khi chính quyền các địa phương tiếp tục đi vay và Bắc Kinh cũng chi tiền cho các dự án đường sắt và điện. Điều này cũng bù đắp phần nào cho đà sụt giảm của hoạt động xây dựng bất động sản.
Song, việc sửa đổi ngân sách vẫn đang được giới chức Trung Quốc thảo luận. Các cuộc thảo luận đang diễn ra và kế hoạch của chính phủ vẫn có thể thay đổi.
Quỹ đầu tư quốc gia “giải cứu” thị trường
Ngoài vấn đề về ngân sách, Bắc Kinh cũng nỗ lực hỗ trợ thị trường chứng khoán. Quỹ đầu tư quốc gia, Central Huijin Investment Ltd., đã lần đầu tiên tăng cổ phần trong các ngân hàng lớn nhất nước này kể từ năm 2015.
Central Huijin, công ty thuộc Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC) trị giá 1,4 nghìn tỷ USD, đã mua số cổ phiếu trị giá khoảng 65 triệu USD của Bank of China, China Construction Bank Corp. và Industrial and Commercial Bank of China Ltd., theo hồ sơ công bố hôm 11/10. Ngoài ra, Huijin cũng có kế hoạch tăng lượng nắm giữ trong 6 tháng tới.
Central Huijin hiện nắm giữ cổ phần tại 19 tổ chức tài chính, bao gồm cả ngân hàng và công ty môi giới.
Thời gian gần đây, ngày càng nhiều nhà kinh tế và quỹ phòng hộ Trung Quốc đang kêu gọi chính phủ can thiệp trực tiếp bằng cách sử dụng quỹ bình ổn để mua cổ phiếu. Động thái này vốn được Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ kể từ khi thị trường lao dốc năm 2015. Song, mối lo ngại hiện tại là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, cùng những khó khăn của ngành bất động sản.
Chỉ số CSI 300 giảm hơn 5% trong năm nay, dù thị trường đã đón nhận thông tin về khả năng chính phủ sẽ bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
3 tờ báo chứng khoán hàng đầu Trung Quốc đều đưa thông tin này lên trang nhất, cho rằng động thái này là biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán và tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư.
Shanghai Securities News cho biết: “Việc Huijin tăng cổ phần trong các ngân hàng là một tín hiệu rất tích cực và quan trọng để thúc đẩy thị trường vốn. Điều này có lợi cho việc cải thiện niềm tin của thị trường.”
Quỹ này lần đầu tiên can thiệp vào thị trường thứ cấp trong năm 2008, khi mua cổ phiếu của 3 nhà cho vay lớn nhất Trung Quốc khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầy xảy ra. Central Huijin cũng thực hiện các giao dịch tương tự trong những năm tiếp theo đến 2015.
(Chi Lan)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here