Trung Quốc hiện đã là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Châu Âu

0
56
(Reuters)
(Reuters)

Ngày 17/2/2021, CNN có bài viết với tiêu đề “Xin lỗi Mỹ: Trung Quốc hiện đã là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Châu Âu”, cho rằng các số liệu mới công bố cho thấy Châu Âu hiện đang buôn bán hàng hóa với Trung Quốc nhiều hơn Mỹ, một dấu hiệu cho thấy đại dịch đang biến đổi nền kinh tế toàn cầu.

Dữ liệu do cơ quan thống kê của EU công bố tuần này cho thấy năm 2020, EU đã tăng 5,6% nhập khẩu từ Trung Quốc, và xuất khẩu tăng 2,2%. Tổng giá trị thương mại hàng hóa EU-Trung Quốc đã đạt 586 tỷ € (706 tỷ USD), cao hơn khoảng 31 tỷ € (37 tỷ USD) so với giữa EU và Mỹ. Trong năm 2020, thương mại EU với Mỹ đã “giảm đáng kể”, trong đó nhập khẩu giảm 13,2% và xuất khẩu giảm 8,2%.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 2,3% trong năm 2020 sau khi nước này chạy đua phục hồi sau đại dịch, trong khi Mỹ chứng kiến ​​GDP giảm 3,5%. Điều đó cho phép Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, gia tăng sức ảnh hưởng.

Daniel Gros, một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu, cho biết việc chuyển vai trên sẽ không gây ngạc nhiên khi Trung Quốc chi phối ngành công nghiệp toàn cầu.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng mối quan hệ của châu Âu với Mỹ vẫn rất bền chặt. EU vẫn xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn Trung Quốc, tạo ra một số lượng việc làm đáng kể. Dữ liệu thương mại trên cũng chưa tính đến thương mại dịch vụ xuyên Đại Tây Dương, trị giá khoảng 494 tỷ Euro (595 tỷ USD) mỗi năm.

“Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương tổng thể vẫn mạnh mẽ hơn nhiều so với mối quan hệ giữa Châu Âu và Trung Quốc,” Gros nói. “Quan hệ Mỹ-EU sâu sắc hơn nhiều vì có [nhiều] đầu tư xuyên [biên giới] và hoạt động của các công ty xuyên quốc gia. Đó là những thứ mà bạn không có với Trung Quốc.”

Tuy nhiên, Brussels đang muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, mặc dù coi nước này là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” và “đối thủ mang tính hệ thống”.

Châu Âu chia sẻ mối quan ngại của Mỹ về các hoạt động thương mại và công nghệ không minh bạch của Bắc Kinh. Nhưng cuối năm ngoái, họ đã hoàn tất một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận thị trường.

Ủy ban Châu Âu cho biết họ đã đặt ra “các nghĩa vụ rõ ràng đối với các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc”, những doanh nghiệp thường được trợ cấp nhiều và thiết lập các quy tắc chống chuyển giao công nghệ cưỡng bức.

Tuy vậy, thỏa thuận vẫn tạo ra khó chịu với Mỹ. Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo EU giải quyết những lo ngại chung về Bắc Kinh.

Thay đổi quan hệ thương mại có thể làm phức tạp nỗ lực của Tổng thống Biden trong việc thiết lập lại mối quan hệ với các đồng minh và xây dựng một liên minh toàn cầu để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm liên quan.

Tuy nhiên, chuyên gia Gros cho rằng chính quyền Biden nên nhìn xa hơn nội dung của thỏa thuận, vốn đã mất bảy năm để đàm phán, “và tạo ra rất ít thay đổi.” vì “trước khi có thỏa thuận đó, EU đã mở cửa với Trung Quốc, vì vậy EU khó có thể đưa ra những nhượng bộ và mong đợi Trung Quốc thực hiện những nhượng bộ”.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here