Trung Quốc cần xây dựng hình ảnh đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số

0
78
(https://cafef.vn)
(https://cafef.vn)

Ngày 14/10/2020, Thời báo Hoàn Cầu đăng bài viết phân tích về tiền kỹ thuật số của Trung Quốc của Trần Ba, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Tài chính số thuộc Đại học Kinh tế và Tài chính Trung ương, gồm một số nội dung chính như sau:

Mới đây, chính quyền thành phố Thâm Quyến đã khởi động chương trình thí điểm phát tặng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số tại quận La Hồ. Theo số liệu, có hơn 1,9 triệu người đăng ký tham gia, 50.000 người sẽ được phát tặng tiền kỹ thuật số thông qua hình thức bốc thăm, thời gian thử nghiệm kéo dài từ ngày 12-18/10. Bên cạnh đó, 3.389 cửa hàng tại quận La Hồ cũng đã hoàn thành nâng cấp các máy thanh toán POS.

Từ năm 2014, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đă bắt đầu nghiên cứu và phát triển tiền kỹ thuật số. Sau khi Facebook ra mắt Sách trắng và khuôn khổ Libra năm 2019, kế hoạch tiền tệ kỹ thuật số DCEP của PBOC đã trở thành tâm điểm chú ý của toàn cầu. Việc thí điểm lần này có thể nói là một sự ra mắt gây chú ý của DCEP trước công chúng, có thể dự đoán việc triển khai đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đang bước vào giai đoạn “tăng tốc”. Gần đây, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Phương án triển khai thí điểm cải cách tổng hợp về việc xây dựng khu kiểu mẫu đi đầu CNXH đặc sắc Trung Quốc tại Thâm Quyến 2020-2025”, một lần nữa nhấn mạnh ủng hộ việc triển khai thử nghiệm thí điểm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và hợp tác quốc tế đồng nhân dân tệ kỹ thuật.

Việc thử nghiệm tiền kỹ thuật số của PBOC dự kiến sẽ được tiến hành theo 3 bước: bước thứ nhất, kiểm nghiệm kỹ thuật giai đoạn 1 thông qua việc triển khai thí điểm ở quy mô nhỏ; bước thứ hai, thử nghiệm giai đoạn 2 trong môi trường ứng dụng ở quy mô tương đối lớn; bước thứ ba, chính thức phổ biến ra xã hội, thậm chí có thể quốc tế hóa. Đánh giá từ các thông tin của đợt thí điểm này, có thể thấy DCEP đã hoàn thành thử nghiệm kỹ thuật giai đoạn 1 trong nội bộ, bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 2 với quy mô lớn hơn. Trên thực tế, đợt thử nghiệm này áp dụng mô hình phiếu tiêu dùng kỹ thuật số, được phân phát ngẫu nhiễn trong thời gian, không gian, môi trường tiêu dùng hạn định. Mô hình phân phát này có thể sẽ là một sách lược chính của việc quảng bá đồng tiền kỹ thuật số trong tương lai, thông qua việc bốc thăm để bảo đảm công bằng, thông qua điều kiện hạn chế để bảo đảm DCEP được thực sự dùng để tiêu dùng, lưu thông trong nền kinh tế thực. Nếu hiệu quả mô hình này được chứng minh, sẽ tác động sâu sắc đến chính sách tiền tệ trong tương lai của PBOC.

Việc phát hành tiền kỹ thuật số của Trung Quốc có ưu thế vượt trội. Theo số liệu liên quan, tính đến cuối năm 2019, số người dùng internet di động ở Trung Quốc đạt hơn 1,3 tỷ người, chiếm 32,17% tổng số người dùng internet trên toàn cầu; khối lượng giao dịch thanh toán trực tuyến đạt hơn 249 nghìn tỷ NDT, tỷ lệ phổ cập thanh toán di động đứng đầu thế giới. Người dùng Trung Quốc đã quen với việc thanh toán qua internet, do vậy chi phí quảng bá tiền kỹ thuật số là rất thấp. Trong tương lai có thể thúc đẩy nền kinh tế số với quy mô hàng chục nghìn tỷ NDT. Không quá lời khi nói rằng tiền kỹ thuật số là viên ngọc quý của nền kinh tế số toàn cầu trong tương lai, tiền kỹ thuật số được kết nối với công nghệ 5G và hệ thống Bắc Đẩu, sẽ mang lại một tiềm lực không giới hạn.

Hiện tại, tiền kỹ thuật số là một trong những trọng điểm phát triển của các nước, theo khảo sát của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), 80% ngân hàng trung ương đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển tiền kỹ thuật số, hơn một nửa trong số đó đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thí điểm. Báo cáo tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản công bố ngày 9/10 đã đã xây dựng quy hoạch, lộ trình thực hiện tiền kỹ thuật số; Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và 7 ngân hàng trung ương các nước (Ngân hàng Canada, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, Ngân hàng Anh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu) cũng đã phối hợp công bố báo cáo “Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương: Các nguyên tắc cơ bản và các đặc trưng cốt lõi” nhằm thúc đẩy sự phát triển của tiền kỹ thuật số và thanh toán xuyên biên giới. Tuy nhiên, do các hạn chế lập pháp, an ninh dữ liệu nên tiến độ đều tương đối chậm, hầu hết vẫn đang trong giai đoạn thảo luận. Hiện tại, Trung Quốc đang dẫn đầu trong “cuộc đua tiền kỹ thuật số” này.

Tuy nhiên, điều này cũng mang lại một vấn đề, đó là sự phát triển vượt trội về tiền kỹ thuật số của PBOC đã gây ra lo ngại và hoang mang cho một số chính trị gia phương Tây, thậm chí xuất hiện một số thuyết âm mưu. Sự hoang mang của một số người trong xã hội phương Tây về kế hoạch tiền kỹ thuật số của Trung Quốc chủ yếu xuất phát từ hai khía cạnh: Một là, đồng Nhân dân tệ sẽ được quốc tế hóa thông qua tiền kỹ thuật số, điều này sẽ có tác động đến hệ thống đồng đô la Mỹ; Hai là, tiền kỹ thuật số sẽ vươn ra toàn cầu, khiến chính phủ hoặc các doanh nghiệp Trung Quốc kiểm soát dữ liệu người dùng nước ngoài. Các mối lo ngại và thuyết âm mưu này hoàn toàn không có cơ sở, chủ yếu xuất phát từ tâm lý hoang mang của bọn họ. Tuy vậy, nó cũng đặt ra câu hỏi: tiền kỹ thuật số của Trung Quốc nên xuất hiện trước công chúng toàn cầu với hình ảnh như thế nào? Dù công nghệ có phát triển như thế nào thì bản chất của tiền tệ vẫn là tín nhiệm, và đằng sau tín nhiệm là lòng tin của công chúng và hình ảnh xã hội. Một khi công nghệ bị ác ý gắn mác “xấu” sẽ làm mất đi cơ sở tín nhiệm. Cũng giống như công nghệ 5G của Huawei bị các chính trị gia phương Tây gắn mác “an ninh quốc gia”, nếu DCEP cũng bị gán mác về an ninh quốc gia và an ninh dữ liệu, sẽ đẩy cao chi phí của chiến lược quốc tế hóa Nhân dân tệ trong tương lai. Hơn nữa, có thể dự đoán rằng một số chính trị gia phương Tây chống Trung Quốc sẽ tăng cường “làm xấu hình ảnh” về kế hoạch tiền kỹ thuật số của Trung Quốc.

Do đó, khi thúc đẩy DCEP, Trung Quốc cần phải xây dựng và bảo vệ cẩn thận hình ảnh tốt đẹp trước công chúng của DCEP, thậm chí coi đây là một trong những giá trị quan trọng. Trong tương lai, nếu tiền kỹ thuật số vươn ra quốc tế, thiết kế ban đầu của DCEP không nên là một giải pháp kỹ thuật đơn điệu, mà nên là một “sản phẩm văn hóa” được thiết kế từ quan điểm toàn cầu hóa. Đây là cơ sở tín nhiệm cho tiền kỹ thuật số.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here