Trung Quốc cần chuẩn bị cho cuộc trường chinh công nghệ chống lại sự ngăn chặn của Mỹ

0
45
(BBC)
(BBC)

Theo Reuters, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với Tập đoàn chế tạo bán dẫn quốc tế Trung Quốc (SMIC) sau khi kết luận có những “rủi ro không thể chấp nhận được” của việc các công nghệ xuất khẩu cho tập đoàn này sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự. Đây là chiến trường mới của Mỹ sau mọi nỗ lực trấn áp Tập đoàn Hoa Vi nhằm làm tê liệt ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc. Toàn bộ ngành công nghệ thông tin dựa trên nền tảng của công nghiệp bán dẫn. Mỹ kiểm soát lĩnh vực này, do đó chiếm lĩnh đỉnh cao chỉ huy của cuộc chiến tranh công nghệ nhằm vào Trung Quốc. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, mọi công ty đều kết nối với nhau trong chuỗi cung toàn cầu. Mỹ chỉ huy các doanh nghiệp phương Tây chủ chốt, nên có năng lực kiểm soát to lớn đối với các chuỗi cung, ngăn chặn nguồn cung chủ chốt cho các công ty công nghệ cao của Trung Quốc bất kỳ lúc nào. Đây là mối đe dọa căn bản đối với Trung Quốc.

Điều rõ ràng là Trung Quốc hiện cần phải kiểm soát toàn bộ chuỗi sản xuất và nghiên cứu của ngành công nghiệp bán dẫn, cắt giảm hoàn toàn sự lệ thuộc vào Mỹ, nhưng để đạt được điều này cần phải có thời gian. Thế bất lợi sẽ không thể được khắc phục hoàn toàn nếu vẫn ở phía sau Mỹ. Phần lớn các nước phương Tây là đồng minh của Mỹ, nhiều khả năng sẽ theo đuôi Mỹ trong quá trình tái cấu trúc các chuỗi cung. Sự phân tách hoàn toàn giữa hai thị trường là khó có thể xảy ra do quy mô to lớn của thị trường Trung Quốc. Nhưng chỉ riêng yếu tố quy mô thị trường không thể quyết định toàn bộ cấu trúc của chuỗi cung toàn cầu. Từ Hoa Vi cho đến SMIC, Trung Quốc cần nhận thức rõ ràng về việc đang phải đối mặt với cuộc chiến lâu dài chống lại sự áp bức về công nghệ cao do Mỹ lãnh đạo. Đây là quá trình then chốt cho sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Để buộc Mỹ phải tôn trọng luật chơi trong quan hệ với Trung Quốc, Trung Quốc phải trở thành lãnh đạo toàn cầu trong các lĩnh vực quan trọng và tạo lập sự ràng buộc qua lại ngang bằng với Mỹ. Hoa Vi, Bytedance, Tencent đều đã tạo ra những bước đột phá, có những đổi mới sáng tạo quan trọng trong công nghệ ứng dụng, nhưng tất cả đều lệ thuộc vào công nghệ bán dẫn của Mỹ. Nền tảng của toàn bộ ngành công nghiệp vẫn nằm trong tay Mỹ, ít nhất cho đến thời điểm hiện nay. Trung Quốc phải bắt đầu từ con số không để vươn lên vị thế có thể hỗ trợ vững chắc cho cuộc cạnh tranh với Mỹ.

Trung Quốc phải sắn sàng cho một “cuộc trường chinh mới”, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng không được hoảng sợ. Cuộc chiến công nghệ do Mỹ phát động với phát súng đầu tiên nhằm vào ZTE 2,5 năm trước rõ ràng chỉ có tác động hạn chế xét một cách toàn diện. Dù Mỹ có làm gì cũng không ngăn cản được bước tiến của Trung Quốc. Trung Quốc không đánh giá thấp khó khăn, không ảo tưởng rằng một hoặc hai sự đột phá có thể làm thay đổi tình hình. Trung Quốc cần sự khích lệ toàn diện và căn bản cho đổi mới sáng tạo, tổng động viên nỗ lực của toàn dân tộc. Đổi mới sáng tạo không nên là sự “chán nản” mà phải là sự “hứng khởi”, “được đền đáp xứng đáng”. Nếu chính phủ có những định hướng chính sách cần thiết, các công ty sẽ có đầy đủ động lực để đổi mới sáng tạo, đem lại những trái ngọt. Trung Quốc phải đánh bại nỗ lực của Mỹ ngăn chặn sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. Năng lực nghiên cứu và triển khai về kinh tế và công nghệ của Trung Quốc đã có nền tảng vững chắc. Nếu Trung Quốc không thể vượt qua ngưỡng có tính chất quyết định của đổi mới sáng tạo, đó sẽ là sự sỉ nhục đối với sự thông thái, ý chí và sự nhẫn nại của người Trung Quốc. Đó cũng là sự xói mòn của sự tự tin chính trị của xã hội Trung Quốc. Trung Quốc không có lựa chọn nào khác là cởi trói hoàn toàn năng lực sáng tạo của người dân Trung Quốc.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here