Trừng phạt và tẩy chay là vũ khí chiến tranh ưa thích của Washington và Bắc Kinh

0
74
(Internet)
(Internet)

Trong khi Trung Quốc đang tăng cường chiến dịch cưỡng chế chống lại Australia, hiện nhắm vào ngành than, Đại sứ nước này tại Liên Hợp quốc, Zhang Jun, tuần trước đã dẫn đầu một cuộc phản kháng gồm 26 quốc gia chống lại sự cưỡng bức kinh tế của Hoa Kỳ.

“Chúng ta tiếp tục chứng kiến ​​việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế đơn phương, trái với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế”, ông Zhang phát biểu tại Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc, thay mặt cho một nhóm các quốc gia vốn là mục tiêu trừng phạt chính của Mỹ: Triều Tiên, Cuba, Venezuela, Iran, Palestine, Nga, Syria và Zimbabwe. Ông cũng nhắc đến việc Phong trào Không liên kết lên án các biện pháp cưỡng chế đơn phương và kêu gọi loại bỏ chúng để hỗ trợ hiệu quả cho các quốc gia chống lại Đại dịch Covid-19.

Sự mâu thuẫn khi lên án sự ép buộc kinh tế của Hoa Kỳ trong khi thực hiện chính sách của mình phản ánh việc Trung Quốc kiên trì từ chối thừa nhận rằng họ từng sử dụng sức mạnh kinh tế đối với các quốc gia khác vì mục đích chính trị.

Ngay cả khi phát động một chiến dịch phối hợp chống lại Hàn Quốc vì nước này quyết định sử dụng hệ thống chống tên lửa của Mỹ vào năm 2017, Trung Quốc cũng tuyên bố trước Tổ chức Thương mại Thế giới rằng mình không làm gì cả. Chiến dịch này, bao gồm lệnh cấm các nhóm du lịch, tẩy chay Hyundai và buộc đóng cửa 70% siêu thị Lotte do Hàn Quốc sở hữu ở Trung Quốc, cuối cùng đã được nới lỏng sau khi Hàn Quốc đàm phán một thỏa thuận quân sự để ‘bình thường hóa’ quan hệ.

Cưỡng chế kinh tế: trừng phạt và tẩy chay — vũ khí chiến tranh ưa thích, được cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tăng cường sử dụng cưỡng bức kinh tế trong ba năm qua.

Hai nước thực hiện những phương pháp hoàn toàn khác nhau. Cơ cấu trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ được chính thức hóa rất cao. Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài, thuộc Bộ Ngân khố, quản lý một danh sách các tổ chức và cá nhân bị xử phạt dài tới hơn một nghìn trang và áp dụng các hình phạt đáng sợ đối với các hành vi vi phạm.

Hệ thống của Trung Quốc thì không chính thức, dựa vào tẩy chay và các biện pháp can thiệp để từ chối quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng lớn. Cách làm này có một lịch sử lâu dài. Nghiên cứu hàn lâm đầu tiên về sự ép buộc của Trung Quốc được thực hiện vào năm 1930, theo dõi các hoạt động tẩy chay liên tiếp các sản phẩm từ Mỹ, Anh và Nhật Bản trong 25 năm trước đó. Bằng cách phủ nhận rằng các hành động của mình được dàn dựng một cách chính thức, Trung Quốc vừa trốn tránh trách nhiệm giải trình vừa thúc ép các nước khác suy đoán ngược lại ý định của Trung Quốc để tránh trở thành mục tiêu bị trả đũa.

Kể từ khi Chính phủ Úc không hài lòng với Chính phủ Trung Quốc vào tháng 4 năm nay thông qua việc kêu gọi tại Tổ chức Y tế Thế giới một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19, các mức thuế mang tính cấm đoán đã được áp đặt đối với lúa mạch nhập khẩu từ Úc. Sản phẩm thịt bò từ một số nhà chế biến lớn nhất của Úc đã bị đình chỉ nhập khẩu vì những cáo buộc như vi phạm quy định y tế. Một cuộc điều tra chống bán phá giá đã được tiến hành đối với rượu vang Úc và các cơ quan chức năng Trung Quốc đã cảnh báo sinh viên và khách du lịch không nên đến Úc vì lý do an toàn. Các báo cáo của ngành công nghiệp than cho biết một mệnh lệnh đã được truyền đến các nhà máy thép và cảng của Trung Quốc vào tuần trước, yêu cầu ngừng mua than từ Úc.

Trong khi Australia ít có khả năng trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt của Mỹ, các doanh nghiệp Australia có nguy cơ chịu thiệt hại phái sinh không mong muốn (từ căng thẳng Mỹ – Trung). Hoa Kỳ khẳng định sức mạnh ngoài lãnh thổ của mình bằng các lệnh trừng phạt, theo đó quy định một bên khác có thể giao dịch với một thực thể bị trừng phạt hoặc với Hoa Kỳ, nhưng không thể là cả hai. Chẳng hạn, một công ty Úc vô tình bán hàng cho Iran có thể bị truy tố ở Mỹ với nguy cơ bị phạt nặng và bị cấm giao dịch bằng đô la Mỹ. Khoản tiền phạt lớn nhất do vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ là 8,8 tỷ đô-la Mỹ được áp dụng đối với ngân hàng lớn nhất của Pháp, PNB Paribas, vào năm 2014.

Chính quyền Trump đã coi cưỡng bức kinh tế là một giải pháp thay thế rẻ hơn nhiều cho sự can thiệp quân sự. Trước cuộc bầu cử năm 2016, Donald Trump đã tuyên bố, “Chiến tranh và gây hấn sẽ không phải là bản năng đầu tiên của tôi.” Thay vào đó, ông cho rằng “đòn bẩy tài chính và các biện pháp trừng phạt có thể rất thuyết phục – nhưng chúng ta cần sử dụng chúng một cách có chọn lọc và với quyết tâm cao nhất”. Trump đã tăng gấp đôi tốc độ áp đặt các lệnh trừng phạt, đồng thời mức phạt cũng tăng lên. Số lượng các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng ngày càng lanrộng. Mỹ thậm chí đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với châu Âu, cấm các công ty tham gia vào dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Đức thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh nào tại Mỹ.

Việc Trung Quốc ngày càng sử dụng các biện pháp cưỡng bức kinh tế song hành cùng với sự gia tăng sức mạnh kinh tế của nước này. Điều này được đặc biệt ghi nhận trong năm nay khi Trung Quốc phải đối mặt với cả nỗ lực quy trách nhiệm về Đại dịch Covid-19 và những lo ngại về an ninh quốc gia đang nổi lên ở nhiều nước liên quan đến rủi ro trong đầu tư của Trung Quốc. Trung Quốc đã đe dọa tẩy chay và các hành động thương mại khác, và trong một số trường hợp đã thực hiện những biện pháp này chống lại Anh, Đức, Canada, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Thụy Điển và Úc.

Sự ép buộc kinh tế gia tăng khi nền tảng thể chế của thương mại quốc tế đang trở nên yếu hơn. WTO đã mất khả năng phân xử các tranh chấp do Ban phúc thẩm của tổ chức này không còn đủ số lượng thẩm phán tối thiểu sau khi Hoa Kỳ phủ quyết tất cả các cuộc bổ nhiệm. Các quốc gia đang áp đặt thuế quan, hạn ngạch thương mại và phạt chống bán phá giá với tỷ lệ lớn hơn nhiều, thường nằm ngoài hướng dẫn của WTO. Trước những rào cản thương mại gia tăng, G20 đã ngừng kêu gọi các thành viên của mình chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Môi trường thương mại toàn cầu cho phép các quốc gia dễ dàng sử dụng thương mại như một vũ khí. Là một quốc gia tương đối nhỏ, lợi ích hàng đầu của Úc là duy trì môi trường thương mại toàn cầu dưới sự quản lý của WTO. Nếu không, cuối cùng Úc sẽ là kẻ thua cuộc trong một thế giới mà các quan hệ thương mại được chi phối bởi việc sử dụng quyền lực kinh tế.

Mặc dù Australia cần thể hiện quyết tâm khi đối mặt với sự ép buộc của Trung Quốc, nhưng Australia cũng nên cố gắng ngăn chặn, và nếu có thể, đảo ngược sự xói mòn của các thể chế thương mại toàn cầu, bằng cách làm việc với các đồng minh và đối tác khu vực để cải cách các thể chế này.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Úc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here