Triển khai “Luật kiểm soát xuất khẩu” là cần thiết đối với cường quốc thương mại

0
62
(Xinhua/Xie Huanchi)
(Xinhua/Xie Huanchi)

Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc đã thông qua bộ “Luật kiểm soát xuất khẩu” đầu tiên của Trung Quốc và sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2020. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, việc ban hành bộ luật này đã thu hút sự quan tâm của nhiều giới.

Thương mại toàn cầu đang đối diện với tác động của chủ nghĩa bảo hộ. Cho dù là một công ty Trung Quốc đang vươn ra toàn cầu hay một công ty nước ngoài tận dụng tối đa vị thế “công xưởng thế giới” của Trung Quốc, theo đuổi tối đa hóa lợi nhuận thương mại, các công ty này không tránh khỏi việc loay hoay giữa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của các nước trong tương lai. Làm thế nào để phòng ngừa tốt hơn nguy cơ kiểm soát xuất khẩu một cách bất hợp pháp của các nước đã trở thành một vấn đề phức tạp; làm thế nào để ứng phó hiệu quả cũng là phép thử đối với Trung Quốc.

Trước đây, Trung Quốc chưa có một bộ luật thống nhất về lĩnh vực kiểm soát xuất khẩu. Năm 1995, Trung Quốc xây dựng quy định hành chính đầu tiên liên quan đến kiểm soát xuất khẩu là “Quy định về quản lý hóa chất bị quản chế”, sau đó tiếp tục ban hành các quy định, quy tắc hành chính như “Quy định về kiểm soát xuất khẩu hạt nhân”, “Quy định về quản lý xuất khẩu quân dụng”, “Quy định về kiểm soát xuất khẩu các sản phẩm lưỡng dụng hạt nhân và công nghệ liên quan”, “Quy định về kiểm soát xuất khẩu tên lửa và các sản phẩm, công nghệ liên quan” và “Quy định về kiểm soát xuất khẩu các sản phẩm lưỡng dụng sinh học và thiết bị, công nghệ liên quan”, đã bước đầu thiết lập hệ thống pháp luật về kiểm soát xuất khẩu đối với sản phẩm bao gồm hạt nhân, sinh học, hóa học, tên lửa và quân dụng. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới hiện nay, các vấn đề như quy định pháp luật về kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc vẫn còn thấp và tương đối rời rạc, cơ chế điều phối công tác liên quan đến kiểm soát xuất khẩu chưa hoàn thiện, phạm vi các mặt hàng và biện pháp kiểm soát xuất khẩu cần theo kịp thời đại ngày càng trở nên nổi cộm.

Cho dù là xuất phát từ quan điểm duy trì an ninh quốc gia hay ứng phó với tình hình kinh tế phức tạp của thế giới, Trung Quốc cần xây dựng một bộ luật cơ bản điều chỉnh các quy định và quy tắc hành chính hiện hành trên cơ sở dựa trên các thông lệ quốc tế, cải thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về kiểm soát xuất khẩu thông qua nâng cao trình độ lập pháp. Vì vậy, từ năm 2017, Bộ Thương mại Trung Quốc đã dự thảo “Luật kiểm soát xuất khẩu”, trưng cầu ý kiến dân chúng. Sau đó, trên cơ sở dự thảo, Bộ Tư pháp tiếp tục lấy ý kiến của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cuối cùng đã được Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc thông qua. Là bộ luật chuyên ngành đầu tiên của Trung Quốc trong lĩnh vực kiểm soát xuất khẩu, “Luật kiểm soát xuất khẩu” có những ý nghĩa quan trọng sau:

Một là, “Luật kiểm soát xuất khẩu” cung cấp cơ sở pháp lý để Trung Quốc bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia trong giao lưu kinh tế quốc tế. Duy trì an ninh và lợi ích quốc gia là ranh giới đỏ xuyên suốt trong “Luật kiểm soát xuất khẩu”. Điều 1 nêu rõ “duy trì an ninh và lợi ích quốc gia” là tôn chỉ lập pháp chính của luật, Điều 3 của Luật còn làm rõ thêm “công tác kiểm soát xuất khẩu cần tuân thủ khái niệm an ninh quốc gia tổng thể”. Để quán triệt khái niệm an ninh quốc gia tổng thể, “Luật kiểm soát xuất khẩu” tiếp tục tăng cường các thuộc tính và chức năng của việc bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia trong các phương diện như kiểm soát tạm thời, kiểm soát toàn diện, cấp phép xuất khẩu các mặt hàng bị kiểm soát, danh sách kiểm soát. Hơn nữa, với việc nâng cao năng lực đổi mới công nghệ, công tác kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc đang đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức mới, cần phải thông qua luật pháp để cấm hoặc hạn chế việc tiếp cận các mặt hàng bị kiểm soát (bao gồm tài liệu kỹ thuật và dữ liệu liên quan của mặt hàng) và việc chuyển giao các mặt hàng bị kiểm soát chưa được ủy quyền, nhằm bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia.

Hai là, “Luật kiểm soát xuất khẩu” cũng thể hiện việc Trung Quốc thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế với tư cách là một nước lớn có trách nhiệm. Điều 6 của “Luật kiểm soát xuất khẩu” quy định rõ “nhà nước phải tăng cường hợp tác quốc tế trong kiểm soát xuất khẩu, tham gia xây dựng các quy tắc quốc tế liên quan đến kiểm soát xuất khẩu”.

Ba là, “Luật kiểm soát xuất khẩu” thể hiện sự phong phú trong chính sách thương mại của Trung Quốc, nâng cao năng lực xây dựng và vận dụng các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế. “Luật kiểm soát xuất khẩu” căn cứ vào tình hình mới, vấn đề mới hiện nay trong lĩnh vực kinh tế và thương mại quốc tế, hoàn thiện các biện pháp và thể chế, lấp các lỗ hổng về pháp luật, đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Đưa ra các quy định mang tính hệ thống về danh sách kiểm soát, giấy phép xuất khẩu, người dùng cuối cùng và mục đích sử dụng dựa trên các quy tắc, thông lệ quốc tế. Đồng thời, “Luật kiểm soát xuất khẩu” của Trung Quốc nhấn mạnh sự công bằng và đối đẳng trong bảo vệ lợi ích hợp pháp của Trung Quốc. Điều 48 của “Luật kiểm soát xuất khẩu” quy định rõ, bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gây nguy hiểm đến an ninh và lợi ích quốc gia của Trung Quốc, thì Trung Quốc có thể căn cứ vào tình hình thực tế để thực hiện các biện pháp đáp trả các quốc gia hoặc khu vực đó.

Tất nhiên, việc thực hiện “Luật kiểm soát xuất khẩu” vẫn còn phụ thuộc vào việc ban hành các quy tắc hỗ trợ liên quan, các bộ, ngành quản lý hữu quan của Trung Quốc cần nhanh chóng ban hành các quy tắc triển khai cụ thể, thực hiện tốt việc kết nối các luật và quy định hành chính liên quan, đảm bảo công tác kiểm soát xuất khẩu diễn ra suôn sẻ và có trật tự. Đồng thời, bộ, ngành quản lý kiểm soát xuất khẩu cần kịp thời ban hành các hướng dẫn kiểm soát xuất khẩu cho các ngành nghề liên quan, hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu xây dựng và kiện toàn hệ thống kiểm soát xuất khẩu nội bộ phù hợp với quy định. Đối với các doanh nghiệp liên quan, cần lập kế hoạch trước để tránh bị gián đoạn kinh doanh (ví dụ, phải tạm ngừng kinh doanh để chờ cấp phép), cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định của doanh nghiệp trong giao dịch với các nhà cung cấp, nhà phân phối, đại lý, khách hàng cụ thể…

Các nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành thu mua và sáp nhập, cũng cần cân nhắc tình hình thực hiện quy định của công ty mục tiêu./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here