Trà Vinh phát huy lợi thế thu hút đầu tư

0
61
Thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam, tỉnh Trà Vinh đang nỗ lực tận dụng tiềm năng, lợi thế nhằm thu hút đầu tư hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh trọng điểm ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển kinh tế biển và giao lưu quốc tế.
Khu kinh tế Định An là một trong 8 khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 của cả nước.
Khu kinh tế Định An là một trong 8 khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầư tư giai đoạn 2016 – 2020 của cả nước.

Cửa ngõ ra Biển Đông của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Toàn tỉnh có 4 Quốc lộ chính là 53, 53B, 54 và 60 đều được nâng cấp lên cấp 3 đồng bằng, giúp nối liền, giao thương hàng hóa và rút ngắn khoảng cách từ Trà Vinh với TP.HCM và các tỉnh trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài hệ thống đường bộ, Trà Vinh còn có 2 cửa biển chính là Cung Hầu (sông Tiền) và Định An (sông Hậu) nối với các tỉnh trong khu vực và TP.HCM.

Với lợi thế “rừng vàng, biển bạc”, Trà Vinh đã xác định mục tiêu dựa vào nguồn lợi kinh tế biển là con đường phát triển kinh tế – xã hội thuận lợi, nhanh và ổn định. Chính vì thế, Trà Vinh ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các địa phương ven biển nhằm tạo nền tảng vững chắc để khai thác nguồn lợi kinh tế từ biển.

Qua hơn 10 năm thực hiện quyết Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Trà Vinh không ngừng nỗ lực đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế để hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh trọng điểm ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển kinh tế biển, lẫn thế mạnh trong giao lưu quốc tế.

Thực hiện chủ trương này, với vai trò là trung tâm, Trà Vinh đã được Trung ương đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế biển cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long như, Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải; Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu. Sau khi được hỗ trợ đầu tư để hoàn thiện hạ tầng, Trà Vinh đã tiến hành kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh (đã quy hoạch 14 cụm công nghiệp), với giá cho thuê mặt bằng hấp dẫn, các nhà đầu tư không mất nhiều thời gian tìm kiếm, đặc biệt Khu kinh tế Định An là một trong 8 khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 của cả nước.

Với vị trí quan trọng, được xem như cửa ngõ của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ năm 2016, Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu được Trung ương đầu tư đã thông luồng kỹ thuật, cho phép tàu biển có trọng tải 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải, các tàu có thông số kỹ thuật hợp chuẩn vào các cảng trên sông Hậu, đáp ứng thông qua lượng hàng hóa tổng hợp 21 – 22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000 – 500.000 TEU/năm cho giai đoạn 2020. Đây là dự án trọng điểm của ngành giao thông, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến sự phát triển đời sống xã hội của người dân các tỉnh miền Tây Nam bộ, là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế biển trong khu vực.

Đồng thời, cảng tổng hợp Định An, với diện tích 128 ha, được thiết kế gồm 3 bến cảng và hệ thống kho bãi, khu logistics hiện đại đảm bảo tiếp nhận tàu container, tàu hàng hóa từ 30.000 tấn đầy tải và 50.000 tấn giảm tải, có thể mở rộng đến 100.000 tấn, trung chuyển hàng hóa vào cảng Cái Cui (Cần Thơ) và ngược lại đã khởi công đầu tháng 7/2019, dự kiến tháng 6/2020 hoàn thành bến cũng tạo nên lợi thế cho Trà Vinh trong thu hút đầu tư, giao thương trong và ngoài nước.

Điểm sáng trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp    

Với lợi thế tiềm năng, Trà Vinh tập trung nguồn lực để thu hút đầu tư, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Trà Vinh ước đạt 17.300,6 tỷ đồng, đạt 76,9% kế hoạch, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn 4.537 tỷ đồng, bằng 81% cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước 7.958 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4.804 tỷ đồng, tăng gấp 3,02 lần so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, tình hình phát triển doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, giao dịch qua mạng giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục được nhân rộng, phát triển mới 294 doanh nghiệp (nhiều hơn cùng kỳ 35 doanh nghiệp), đạt 49% kế hoạch, tổng vốn đăng ký 2.126 tỷ đồng (gấp 2,4 lần cùng kỳ), cấp đăng ký bổ sung cho 908 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc, vốn bổ sung 3.310 tỷ đồng. Phát động phong trào thi đua phát triển doanh nghiệp, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Trà Vinh và chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nổi bật là phát triển hợp tác xã đạt nhiều kết quả quan trọng, đến nay 100% xã phường đều có hợp tác xã.

Ông Châu Văn Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trà Vinh cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tiếp và làm việc với 65 lượt nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, qua đó đã tư vấn, giải đáp thỏa đáng nhu cầu tìm hiểu thông tin dự án kêu gọi đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thu hút 50 dự án đầu tư, (47 dự án trong nước), với tổng vốn đăng ký 6.209,6 tỷ đồng; 3 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đầu tư 100,41 triệu USD. Trong số các dự án kể trên đã có 22 dự án đã đi vào hoạt động, các dự án còn lại đang thực hiện thủ tục đầu tư và triển khai xây dựng. Cùng thời gian trên, tỉnh đã điều chỉnh chủ trương đầu tư 38 dự án, chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 7 dự án.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 344 dự án còn hiệu lực (41 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 3,1 tỷ USD; 303 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 105.937,03 tỷ đồng), hiện có 2.091 doanh nghiệp (35 doanh nghiệp FDI) đang hoạt động, vốn 30.313 tỷ đồng, 92.545 lao động.

Đến nay, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng đã cơ bản hoàn thành và đang tiến hành chạy thử; Nhà máy điện mặt trời đã đi vào hoạt động từ tháng 6/2019, các dự án lớn được tập trung triển khai như Nhà máy điện mặt trời do Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam, Dự án Trung tâm thương mại và siêu thị Trà Vinh, Nhà máy sản xuất các mặt hàng tiêu dùng do công ty Bảo Tiên, Khu nhà ở xã hội của Tập đoàn Hoàng Quân và một số công ty mới đầu tư cũng đang sửa chữa nhà xưởng, mua sắm, mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường

Do Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 của Tập đoàn Janakuasa đầu tư đang đẩy mạnh thi công năm thứ 3 với tiến độ tổng thể đạt 53,2% nên giá trị rất cao; Dự án Nhà máy điện gió Hàn Quốc – Trà Vinh 1 đã tái khởi công từ ngày 24/4/2019, đã tiến hành xây dựng nhà điều hành đến nay đã hoàn thành 90%… Tạo cú huých lớn cho phát triển kinh tế xã hội và thu hút nguồn lực đầu tư, thu ngân sách có chuyển biến rõ nét cho tỉnh Trà Vinh

Trà Vinh đã thành lập thêm 4 cụm công nghiệp (Sa Bình, Tân Ngại, Phú Cần và Hiệp Mỹ Tây), tổng diện tích đất 143,7 ha, đang giai đoạn giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư, tích cực triển khai Đề án Phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2030; được Trung ương công nhận 2 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Các cụm công nghiệp cùng với Khu kinh tế Định An và các khu công nghiệp Cầu Quan, Cổ Chiên, Long Đức góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế – xã hội và lao động tại địa phương.

Hướng tới kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh (1900 – 2020)

Từ nay đến cuối năm 2019, quán triệt phương châm hành động của Chính phủ, Tỉnh ủy Trà Vinh trong năm 2019 là “Kỷ cương, Liêm chính, Trách nhiệm, Hành động, Sáng tạo, Bứt phá, Hiệu quả, Về đích”, Trà Vinh phấn đấu đạt và vượt 24 chỉ tiêu kinh tế – xã hội đã đề ra, nhất là tập trung triển khai quyết liệt 16 nhiệm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung.

Trà Vinh sẽ tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 theo Quyết định số 20/QĐ – UBND ngày 7/01/2019, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu năm 2019 và về đích cách chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh theo phương châm hành động năm 2019 của Tỉnh ủy.

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết về tình hình phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách năm 2019; chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ kỳ họp HĐND tỉnh (bất thường), kỳ họp cuối năm 2019 và việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách năm 2020. Tập trung thực hiện các hoạt động Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Duyên hải phía Đông Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hợp tác phát triển với Thành ủy Hà Nội; khẩn trương các bước lập quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi 3 đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Tập trung xây  dựng thị trấn Tiểu Cần đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với giám sát, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng “thuận thiên”. Triển khai Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2019; tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động ứng phó thiên tai, triều cường. Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 30 – CTr/TU ngày 28/2/2019 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 36 – NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng.

Tiếp tục đổi mới và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu nông sản. Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu huyện Cầu Kè đạt chuẩn huyện nông thôn mới và tập trung giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công, hỗ trợ nhà đầu tư giải phóng mặt bằng để triển khai dự án đúng tiến độ.

Trà Vinh đang hoàn chỉnh Kế hoạch Kỷ niệm 120 năm (1900 – 2020) ngày thành lập tỉnh Trà Vinh, gắn với các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại – du lịch và vận động Quỹ an sinh xã hội năm 2020. Tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư nước ngoài, chú trọng thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước có tiềm năng đầu tư vào Trà Vinh. Thực hiện tốt việc hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh; tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư sớm triển khai dự án, trọng tâm là các dự án đầu tư của Tập đoàn FLC, Công ty Lavifarm, các dự án đầu tư phát triển hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tập trung thực hiện phong trào thi đua phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp; tăng cường gặp gỡ, đối thoại, hỗ trợ hộ cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các hoạt động hỗ trợ của dự án SME. Khảo sát, đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) của tỉnh năm 2019.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here