Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thảo luận để giải quyết quan ngại về vệ sinh và kiểm dịch động, thực vật và nhiều quan ngại về thương mại thực phẩm

0
83
(e15invitative.org)
(e15invitative.org)

Tại cuộc họp của Ủy ban về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) của WTO vào ngày 25-26/3/2021, các Thành viên WTO đã thảo luận về khả năng ra Tuyên bố về SPS tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của WTO (MC12) sẽ được tổ chức tại Geneva vào cuối năm nay; đồng thời thảo luận về nhiều quan ngại về thương mại thực phẩm liên quan đến COVID-19 và SPS.

Đề xuất Tuyên bố về SPS nêu trên được đồng bảo trợ bởi 22 Thành viên, gồm Việt Nam cùng với Argentina, Australia, Belize, Brazil, Burkina Faso, Canada, Chile, Colombia, Costa Rica, Côte d’Ivoire, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Guatemala, Hoa Kỳ, Mexico, Paraguay, Peru, Senegal, Singapore, Tajikistan, Uruguay.

Những Thành viên đồng bảo trợ đề xuất Tuyên bố nêu trên nhấn mạnh lợi ích của Hiệp định SPS của WTO, những cơ hội và áp lực mới liên quan đến thương mại quốc tế về thực phẩm, bao gồm thích ứng với sự gia tăng dân số, biến đổi khí hậu và đổi mới công nghệ; cần phải củng cố thông điệp rằng thương mại nói chung, nhất là thương mại thực phẩm, phải bảo đảm tương thích với phát triển bền vững.

Một nhóm Thành viên đã ủng hộ quan điểm của các nhà đồng tài trợ về tầm quan trọng của các biện pháp SPS dựa trên cơ sở khoa học và cải thiện tính minh bạch qua các thông báo kịp thời; ghi nhận lời kêu gọi tăng cường tuân thủ của các Thành viên trong việc hỗ trợ thương mại quốc tế trong khi đảm bảo sức khỏe, cuộc sống con người, động vật và thực vật, điều này đặc biệt có liên quan trong bối cảnh COVID-19. Trong khi một số Phái đoàn cho biết họ vẫn đang xem xét lập trường, đồng thời bày tỏ sẵn sàng tham gia đóng góp vào việc sửa đổi văn bản dự thảo Tuyên bố trước MC12.

Tại cuộc họp, Ban thư ký WTO đã cập nhật về các vấn đề về SPS và COVID-19, với 86 thông báo SPS và các thông báo khác liên quan đến đại dịch do các Thành viên WTO đệ trình. thấp. Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đã trình bày tổng quan về các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến dịch bệnh và tình hình dịch tễ học trên toàn thế giới. Đại diện của FAO đã cung cấp thông tin về tác động kinh tế của Dịch tả lợn châu Phi (ASF) đối với thị trường thịt và thức ăn chăn nuôi toàn cầu và nguồn cung thịt lợn toàn cầu, nêu bật những thiệt hại kinh tế đáng kể mà người chăn nuôi phải gánh chịu.

Các Thành viên WTO đã nêu 46 quan ngại thương mại, trong số đó 11 quan ngại lần đầu tiên được giải quyết tại Ủy ban SPS của WTO. Các cuộc thảo luận đề cập đến nhiều chủ đề, bao gồm các hạn chế và thủ tục phê duyệt đối với nhập khẩu các sản phẩm động vật và thực vật, chính sách về thuốc trừ sâu và mức dư lượng tối đa (MRLs), và tác động của các hành động ứng phó COVID-19 đến thương mại.

Một số Thành viên bày tỏ lo ngại về các yêu cầu kiểm tra và chứng nhận đối với các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu do các Thành viên khác thực hiện và yêu cầu họ chia sẻ dữ liệu, nghiên cứu hoặc đánh giá rủi ro.

Ấn Độ nêu quan ngại về mẫu giấy chứng nhận sức khỏe mới do Trung Quốc đề xuất cho nhập khẩu tôm, các hạn chế của Trung Quốc đối với nhập khẩu thịt bò, hạn chế nhập khẩu ớt khô của Mexico và các biện pháp thương mại của Nga đối với cá và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Liên minh Hải quan Á-Âu.

Peru, Colombia và Costa Rica nêu quan ngại về sự chậm trễ của Panama trong việc gia hạn giấy phép cho các nhà máy của các công ty thủy sản và chăn nuôi. Quyết định của Hàn Quốc về việc áp dụng chứng nhận bắt buộc về Phân tích mối nguy và Điểm kiểm soát quan trọng (HACCP) đối với kim chi nhập khẩu đã thu hút sự chú ý của Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ đặt câu hỏi về động thái của Ả-rập Xê-út hồi tháng 11/2020 tạm thời ngừng nhập khẩu các sản phẩm động vật từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trung Quốc nêu vấn đề Mexico ngừng nhập khẩu tôm đông lạnh.

Liên minh châu Âu (EU) viện dẫn các đánh giá của WHO, FAO và các tổ chức khác cho rằng, không tìm thấy bằng chứng cho thấy thực phẩm là nguồn lây nhiễm COVID-19; và bày tỏ lo ngại về việc một số Thành viên yêu cầu kiểm tra và chứng nhận đối với các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu. Đồng thời EU đã đề nghị các Thành viên áp dụng các biện pháp như chia sẻ dữ liệu và nghiên cứu để giải thích chúng là hợp lệ và tương xứng. Thụy Sĩ cũng bày tỏ lo ngại về các yêu cầu bổ sung từ một số quốc gia đối với việc nhập khẩu thực phẩm, bao gồm các cuộc kiểm tra, thanh tra và chứng nhận.

Hoa Kỳ và Canada (từ tháng 11/2020) đã thúc giục Trung Quốc rút lại các hạn chế liên quan đến COVID-19 mà nước này đã áp dụng kể từ tháng 6/2020. Australia, Brazil, Paraguay, Anh và Mexico đã ủng hộ lời kêu gọi này. Trung Quốc đã chỉ ra nghiên cứu cho thấy virus này có thể tồn tại trong điều kiện nhiệt độ thấp và vì các nước có các cụm dịch COVID-19 trong các cơ sở kinh doanh thực phẩm, điều cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể gây ô nhiễm thực phẩm hoặc bao bì. Trung Quốc cho biết thêm, vi rút đã được phát hiện trên bao bì và thùng chứa tôm thẻ chân trắng và cánh gà nhập khẩu.

Trong khi đó, Indonesia đã thực hiện các biện pháp để đảm bảo các sản phẩm thủy sản được tiêu thụ an toàn thông qua kiểm tra và đề nghị các Thành viên chia sẻ kinh nghiệm của họ trong việc ngăn chặn COVID-19 trong các sản phẩm này. Một quan chức Indonesia nói thêm rằng họ đã áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro và đang tuân theo hướng dẫn của WHO và FAO.

(Phái đoàn Việt Nam tại Geneve)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here