Tình hình kinh tế Trung Quốc trong Quý 3/2020

0
86
(Internet)
(Internet)

1. Tổng sản phẩm quốc nội Quý 3 tăng 4,9%

Ngày 19/10, Đại diện của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, GDP của Trung Quốc tăng 0,7%, riêng trong Quý 3, GDP tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Theo NBS, mặc dù chịu tác động to lớn của dịch Covid-19, môi trường bên trong và bên ngoài diễn biến phức tạp, nhưng trong 3 quý đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chuyển từ âm sang dương, quan hệ cung cầu từng bước được cải thiện, sức sống của thị trường được tăng cường, việc làm và dân sinh được bảo đảm tốt hơn, kinh tế tiếp tục ổn định và phục hồi, tình hình xã hội chung được duy trì ổn định. Nhu cầu trong nước đã trở thành động lực chính cho sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay không chỉ có lợi cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, mà còn có tác động tích cực đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Các chỉ số kinh tế chủ yếu dần hồi phục:

Theo thống kê từng quý, quý 1 giảm 6,8%, quý 2 tăng 3,2%, quý 3 tăng 4,9%; trong 9 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất trong nước đạt 72.278,6 tỷ NDT, tăng 0,7% so với cùng kỳ.

Giá trị gia tăng khu vực I (nông nghiệp) là 4.812,3 tỷ NDT, tăng 2,3%; khu vực II (công nghiệp) là 27.426,7 tỷ NDT, tăng 0,9%; khu vực III (dịch vụ) là 40.039 tỷ NDT, tăng 0,4%; đầu tư tài sản cố định đạt 43.650,3 tỷ NDT, tăng 0,8%, lần đầu tiên tăng trưởng dương kể từ đầu năm.

Tình hình sản xuất nông nghiệp khả quan, dự kiến ​​vụ Thu sẽ bội thu: Diện tích gieo hạt vụ Thu tăng ổn định, các cây trồng chính vụ thu đang phát triển tốt. Trong 3 quý đầu năm, sản lượng sữa tăng 8,1% so với cùng kỳ, sản lượng gia cầm và trứng tăng 5,1%; sản lượng thịt lợn, thịt bò, thịt cừu giảm 4,7%, thu hẹp 6,1 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.

– Sản xuất công nghiệp tăng nhanh, sản xuất thiết bị và công nghệ cao tăng trưởng nhanh: trong 3 quý đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng 1,2% (riêng 6 tháng đầu năm giảm 1,3%). Xét về loại hình kinh tế, doanh nghiệp nhà nước (tăng 0,9%); doanh nghiệp cổ phần tăng 1,5%, doanh nghiệp FDI tăng 0,3%, doanh nghiệp tư nhân tăng 2,1%. Giá trị gia tăng của ngành sản xuất thiết bị và công nghệ cao lần lượt tăng 5,9% và 4,7% so với cùng kỳ. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp, công nghệ mới tăng nhanh như: xe tải (tăng 23,4%), máy xúc (tăng 20,2%), robot công nghiệp (18,2%), vi mạch tích hợp (14,7%).

– Thị trường tiêu thụ cải thiện rõ rệt, bán lẻ trực tuyến tăng trưởng tương đối nhanh: trong 3 quý đầu năm 2020, tổng doanh thu bán lẻ tiêu dùng xã hội đạt 27.332,4 tỷ NDT, giảm 7,2% so với cùng kỳ (riêng trong quý 3 tăng 0,9%); doanh số bán lẻ hàng trực tuyến đạt 8.006,5 tỷ NDT, tăng 9,7%, tăng 2,4 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm; tạo việc làm mới cho 8,98 triệu người, hoàn thành 99,8% mục tiêu cả năm; giá tiêu dùng tăng 3,3% so với cùng kỳ, thấp hơn 0,5 điểm % so với 6 tháng đầu năm. Riêng trong tháng 9/2020, giá tiêu dùng tăng 1,7% so với cùng kỳ.

– Đầu tư tài sản cố định chuyển từ âm sang dương, đầu tư kỹ thuật cao và đầu tư xã hội tăng:

Trong 3 quý đầu năm, đầu tư trong lĩnh vực kỹ thuật cao của Trung Quốc tăng 9,1%, tăng 2,8 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm. Trong đó đầu tư cho ngành chế tạo kỹ thuật cao tăng 9,3%, cho ngành dịch vụ kỹ thuật cao tăng 8,7%; đầu tư lĩnh vực xã hội tăng 9,2%, tăng 3,9 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm, trong đó đầu tư cho y tế và giáo dục tăng lần lượt là 20,3% và 12,7%, tốc độ tăng hơn so với 6 tháng đầu năm lần lượt là 5,1 và 1,9 điểm phần trăm.

Xuất nhập khẩu hàng hóa chuyển từ giảm sang tăng, cơ cấu thương mại tiếp tục được cải thiện:

Trong 3 quý đầu năm, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 23.115,1 tỷ NDT, tăng 0,7% so với cùng kỳ và lần đầu tiên trong năm tốc độ tăng trưởng chuyển từ âm sang dương; trong đó, quý 3 tăng 7,5% so với cùng kỳ và quý 2 giảm 0,2% so với cùng kỳ.

Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện: Trong 3 quý đầu năm, thu nhập khả dụng bình quân đầu người trên toàn quốc là 23.781 NDT, tăng danh nghĩa 3,9% so với cùng kỳ và tăng thực tế 0,6% sau khi trừ đi các yếu tố giá cả. Lần đầu tiên trong năm, thu nhập khả dụng chuyển biến tích cực.

Đại diện Cục Thống kê Trung Quốc cho rằng, về tổng thể, hoạt động kinh tế  của Trung Quốc tiếp tục phục hồi ổn định trong 3 quý đầu năm, công tác phòng chống dịch đạt kết quả rõ rệt. Tuy nhiên, môi trường quốc tế còn nhiều phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất ổn, áp lực phòng chống dịch bệnh lây lan từ bên ngoài và phòng chống dịch bệnh bùng phát trở lại là không nhỏ, nền kinh tế vẫn đang trong quá trình phục hồi, nền tảng để phục hồi bền vững vẫn cần được củng cố. Trong giai đoạn tiếp theo, Trung Quốc bám sát yêu cầu đẩy mạnh phát triển chất lượng cao, xây dựng mô hình phát triển mới, mở rộng nhu cầu trong nước, bình thường hóa công tác phòng chống dịch; làm tốt “sáu ổn định”, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ “sáu bảo đảm”, cải cách mở cửa sâu rộng, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo nền tảng vững chắc cho dân sinh, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong cả năm.

Các chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về sự khởi sắc của kinh tế Trung Quốc. Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới”. Dự kiến Trung Quốc sẽ là quốc gia duy nhất trong các nền kinh tế lớn trên thế giới đạt tăng trưởng dương trong năm 2020. Theo IMF, Trung Quốc tăng trưởng 1,9% trong năm 2020 và 8,2% trong năm 2021.

2. Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm giảm nhẹ

Theo thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc, trong 9 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) (phi tài chính) với tổng số vốn đạt 551,5 tỷ NDT (khoảng 78,88 tỷ USD), giảm 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Doanh thu của các dự án hợp đồng nước ngoài đạt 638,13 tỷ NDT, giảm 8,8%. Tính đến cuối tháng 9/2020, Trung Quốc đã đưa 635 nghìn người ra nước ngoài làm việc.

ODI của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm thể hiện một số đặc điểm sau:

(i) Đầu tư vào khu vực “Vành đai và Con đường” duy trì tăng trưởng ổn định. Doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư (phi tài chính) tại các nước này đạt 13,02 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ.

(ii) Các doanh nghiệp trong nước gia tăng đầu tư ở nước ngoài. Trong 9 tháng đầu năm, quy mô đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước đạt 57,08 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Trong đó, đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp khu vực phía Đông đạt 47,34 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ; đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp khu vực phía Tây là 4,45 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ.

(iii) Đầu tư nước ngoài tăng nhanh trong một số lĩnh vực: trong 9 tháng đầu năm, ODI chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực như dịch vụ cho thuê và thương mại, ngành dịch vụ, ngành chế tạo, bán buôn và bán lẻ. Trong đó, ngành dịch vụ cho thuê và thương mại đạt 30,93 tỷ USD, tăng 18,6%; bán buôn và bán lẻ đạt 12 tỷ USD, tăng 41,1% so với cùng kỳ.

(iv) Về quy mô dự án, số dự án quy mô lớn ký mới tăng: có 518 dự án với số hợp đồng được ký mới trên 50 triệu USD, chiếm 83,1% tổng số hợp đồng được ký mới. Trong đó, có 301 dự án với giá trị trăm triệu USD, tăng 10 dự án so với năm 2019.

(v) Các dự án mới về xây dựng công trình tổng hợp, dự án khai thác tài nguyên và dự án xây dựng công trình thủy lợi tăng nhanh. Trong 9 tháng đầu năm, giá trị hợp đồng xây dựng tổng hợp ký mới đạt 35,9 tỷ USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ; các dự án lọc hóa dầu đạt 13,09 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ; các dự án xây dựng công trình thủy lợi đạt 3,84 tỷ USD, tăng 65,5% so với cùng kỳ.

3. Thu hút FDI tháng 9 của Trung Quốc tăng mạnh

Theo thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc, trong 9 tháng đầu năm 2020, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài[1] (FDI) của Trung Quốc đạt 718,8 tỷ NDT, tăng 5,2% (nếu quy đổi ra đồng Đô-la Mỹ đạt 103,26 tỷ USD, tăng 2,5%) so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 9/2020, Trung Quốc đã thu hút 99,03 tỷ NDT vốn FDI, tăng 25,1% so với cùng kỳ, (nếu quy đổi ra đồng Đô-la Mỹ đạt 14,25 tỷ USD, tăng 23,7%) tăng trưởng dương trong 6 tháng liên tiếp.

Tình hình thu hút FDI của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2020 có 3 đặc điểm chính:

(i) Xét theo quý, trong quý 3, Trung Quốc thu hút FDI tăng 20,4% so với cùng kỳ,  tốc độ tăng cao hơn rõ rệt so với mức -10,8% trong quý 1 và 8,4% trong quý 2/2020.

(ii) FDI vào ngành dịch vụ tăng mạnh. FDI thực tế trong ngành dịch vụ đạt 559,68 tỷ NDT (khoảng 82,3 tỷ USD), tăng 15% so với cùng kỳ; thu hút FDI trong ngành dịch vụ công nghệ cao tăng 26,4% so với cùng kỳ, trong đó, dịch vụ thương mại điện tử (tăng 18,5%), dịch vụ kỹ thuật chuyên ngành (tăng 92,5%), dịch vụ R&D (tăng 72,8%), dịch vụ chuyển đổi thành quả khoa học kỹ thuật (tăng 31,2%).

 (iii) FDI từ các nguồn đầu tư chính vẫn tăng ổn định. Nguồn vốn FDI từ Hồng Công, Singapore, Anh và Hà Lan lần lượt tăng 11%, 8,6%, 32,8% và 150%. (bao gồm số liệu thông qua cảng thương mại tự do).

[1] Không bao gồm lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here