1. Tình hình và chính sách tài chính – tiền tệ:
Trong tháng qua, đồng Rupi ghi nhận mức giá thấp nhất 75,18 rupi đổi 1 USD ngày 13/4/2021. Đồng Rupi ghi nhận mức giá cao nhất 72,38 rupi đổi 1 USD ngày 22/03/2021. Kể từ ngày 07/4/2021, đồng Rupi duy trì trên mức 74 rupi đổi 1 USD. Việc đồng Rupi mất giá được đánh cho là bởi tình trạng lạm phát leo thang với giá dầu thô và kim loại tăng cao; nhập khẩu vàng trong nước tăng mạnh trong tháng 3 và thanh khoản đồng Rupi dồi dào sau thông báo của RBI về chương trình mua trái phiếu.
Dự trữ ngoại hối của Ấn Độ trong tháng ghi nhận mức cao nhất 581,21 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 09/4/2021 và mức thấp nhất 576,87 tỷ USD vào tuần ngay trước đó, kết thúc vào ngày 02/4/2021.
Ấn Độ thu hút vốn FDI ở mức 72,12 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm tài khóa 20-21 (4,20 – 1,21); cao hơn 15% so với cùng kỳ (62,72 tỷ). Đây cũng là mức cao nhất trong 10 tháng đầu của bất cứ năm tài khóa nào. Các nhà đầu tư chủ yếu là Singapore (30,28%); Mỹ (24,28%); và UAE (7,31%). Đầu tư chủ yếu tập trung trong lĩnh vực Phần cứng và mềm máy tính (45,81%); Xây dựng, hạ tầng (13,37%); Dịch vụ (7,80%).
Với tình trạng bùng phát Covid-19, mỗi ngày đều phá đổ kỷ lục của ngày trước đó, các dự báo tăng trưởng của Ấn Độ đều được điều chỉnh giảm. Nomura hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2022 xuống 12,6% từ 13,5% trước đó, JP Morgan hiện dự báo tăng trưởng GDP ở mức 11% so với 13% trước đó. UBS nhận thấy tăng trưởng GDP 10%, giảm từ 11,5% trước đó và Citi đã hạ mức tăng trưởng xuống 12%.
Lạm phát giá bán lẻ tháng 3 tăng lên mức cao nhất trong 04 tháng gần đây, 5,52%, do giá thực phẩm và vận chuyển tăng trong bối cảnh số ca lây nhiễm Covid-19 tăng cao và viễn cảnh tiếp tục giãn cách xã hội quay trở lại.
Cuộc biểu tình của nông dân Ấn Độ vẫn đang tiếp tục mặc cho tình hình Covid-19 ngày càng trầm trọng.
2. Tình hình xuất nhập khẩu của Ấn Độ
Theo số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ, từ đầu năm tài khóa 20-21 đến tháng 3/2021, xuất khẩu giảm 6,66% so với cùng kỳ, đạt 493,19 tỷ USD. Nhập khẩu giảm 16,53% so với cùng kỳ, đạt 505,94 tỷ USD. Thâm hụt thương mại là 12,74 tỷ USD.
Từ đầu năm tài khóa đến nay, nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu là: nhiên liệu thô; máy móc và thiết bị điện; vàng trang sức đá quý. Nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu là: chế phẩm từ dầu mỏ; đá quý và trang sức; dược phẩm.
3. Quan hệ kinh tế Ấn Độ với Việt Nam
Theo số liệu từ Bộ Công thương Ấn Độ, trong tháng 01/2021 Ấn Độ xuất sang Việt Nam trị giá 435,53 triệu USD, tăng 16,81% so với cùng kỳ; lũy kế theo năm tài khóa đạt 3.903,28 triệu USD, giảm 11,53%. Ấn Độ nhập từ Việt Nam trị giá 687,05 triệu USD, tăng 47,32% so với cùng kỳ; tuy nhiên lũy kế theo năm tài khóa chỉ đạt 4.807,95 triệu USD, giảm mạnh ở mức 23,84% so với cùng kỳ.
Việt Nam bắt đầu nhập khẩu gạo chất lượng cao hơn từ Ấn để đáp ứng nhu cầu nội địa. Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu nông sản M Madan Prakash cho biết “Việt Nam đang mua gạo tấm 5% từ Ấn Độ do sản lượng suy giảm. Loại gạo 5% tấm này được dùng để cung cấp cho các nhà công nghiệp và lực lượng quốc phòng.” Việt Nam cũng liên tục mua gạo 10% tấm từ Ấn Độ. Đối với gạo tấm 100%, giữa tháng 12/2020 và tháng 01/2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 65 nghìn tấn từ Ấn Độ nhằm làm nguyên liệu cho bánh phở, các loại bột, ủ đồ uống có cồn và thức ăn chăn nuôi.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, thương mại song phương Việt Nam – Ấn Độ có bước tăng trưởng tích cực trong ba tháng đầu năm 2021 đạt 3,3 tỷ USD tăng 34,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,71 tỷ USD tăng 22,2% và nhập khẩu đạt 1,58 tỷ USD tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như xuất khẩu chè tăng 693,8%; xuất khẩu than đá tăng 256,5%; xuất khẩu chất dẻo nguyên liệu tăng 195%; xuất khẩu sắt thép các loại tăng 186%; xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ – mây tre, cói thảm cùng tăng 103,5%…
Các ngành hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn đều ghi nhận sự tăng trưởng tích cựu, trong đó, xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện đạt 441,35 triệu USD tăng 16%; xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 227,53 triệu USD tăng 14,2%; xuất khẩu kim loại thường và sản phẩm đạt 161,32 triệu USD tăng 37% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu trong tháng 3 cũng tăng mạnh, đạt 677 triệu USD, tăng 65,3% so với tháng trước.
Đáng chú ý, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu và ngô có sự tăng trưởng đột biến, tổng kim ngạch nhập khẩu hai mặt hàng này đạt 247,85 triệu USD trong quý 1/2021, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm trước chỉ đạt 23,5 triệu USD; riêng nhập khẩu Ngô đạt 115,86 triệu USD trong 3 tháng, tăng 58.925%; đạt mức cao nhất từ trước tới nay, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đạt 131,99 triệu USD tăng 466%. Hai sản phẩm đã trở thành nhóm sản phẩm có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất từ Ấn Độ.
Một số mặt hàng khác có kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng lớn gồm nhập khẩu phân bón các loại tăng 288%; nhập khẩu kim loại thường tăng 143%; nhập khẩu bông các loại tăng 128%; nhập khẩu hàng rau quả tăng 92%.
Nếu tiếp tục giữ được đà tăng trưởng như hiện tại, thương mại song phương giữa hai nước sẽ đạt hơn 13 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, với sự quay trở lại của dịch bệnh Covid-19 (làn sóng thứ hai), thương mại trong các tháng sắp tới dự báo sẽ khó khăn hơn nhiều.