Tin Kinh tế Trung Quốc

0
101
(Internet)
(Internet)

1. Trung Quốc công bố “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô năng lượng mới”.

Mới đây, Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc công bố “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô năng lượng mới” (Quy hoạch), nêu rõ định hướng phát triển các phương tiện năng lượng mới trong 15 năm tới (2021-2035).

“Quy hoạch” triển khai 5 nhiệm vụ chiến lược: (i) nâng cao năng lực đổi mới công nghệ cao; (ii) xây dựng sinh thái ngành nghề mới; (iii) thúc đẩy phát triển hội nhập ngành nghề; (iv) hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; (v) tăng cường hợp tác mở cửa.

Theo Quy hoạch, đến năm 2025, mức tiêu thụ điện năng trung bình của các loại xe chở khách chạy điện hoàn toàn sẽ giảm xuống còn 12 kWh/100 km, doanh số bán xe sử dụng năng lượng mới đạt khoảng 20% ​​tổng doanh số bán xe mới, triển khai xe tự lái tại một số khu vực. Đến năm 2035, xe ô tô điện sẽ trở thành xu hướng chủ đạo của các phương tiện giao thông, xe công cộng sẽ được chạy bằng điện hoàn toàn, xe ô tô tự lái được ứng dụng với quy mô lớn, thúc đẩy hiệu quả tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và tăng hiệu quả vận hành xã hội.

“Quy hoạch” yêu cầu bắt đầu từ năm 2021, tỷ lệ các phương tiện sử dụng năng lượng mới sẽ chiếm không dưới 80% các phương tiện giao thông công cộng tại khu vực thí điểm văn minh sinh thái quốc gia và các khu vực trọng điểm về phòng và kiểm soát ô nhiễm không khí.

Quy hoạch quy định rõ chính sách hỗ trợ tài chính cho cơ sở hạ tầng sạc, chính sách trợ giá phương tiện năng lượng mới, khuyến khích các công ty cải tiến công nghệ, độ an toàn và độ tin cậy; định hướng các ngành liên quan phát triển lành mạnh và có trật tự.

Xe điện đang trở thành xu hướng phát triển của thị trường ô tô toàn cầu. Ngành công nghiệp xe năng lượng mới của Trung Quốc cần tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao tính cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ.

2. Trung Quốc cấm nhập khẩu lúa mì từ Australia.

Theo thông tin của tờ South China Morning Post, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Australia và Trung Quốc, Bắc Kinh dự kiến sẽ cấm nhập khẩu lúa mì từ Australia, ảnh hưởng đến quan hệ thương mại trị giá 560 triệu đô la Australia (394 triệu USD) về mặt hàng này giữa hai nước. Kể từ ngày 30/10/2020, lúa mạch, đường, rượu vang, gỗ, than đá, tôm hùm, quặng đồng và đồng tinh chế từ Australia sẽ bị cấm vào thị trường Trung Quốc ngay kể cả khi các hàng hóa đã được thanh toán và cập cảng nước này; tiếp theo sẽ là lệnh cấm đối với lúa mì, nhưng hiện chưa có ngày cụ thể. Những nhà nhập khẩu Trung Quốc có các lô hàng của 7 mặt hàng nói trên đến Trung Quốc sau ngày 30/10 được thông báo sẽ phải chịu các khoản chi phí của mọi hàng hóa chưa được thông quan; được yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và tạm dừng mọi đơn hàng vì mục đích thương mại. Quan hệ Trung Quốc – Australia trở nên xấu đi sau khi Canberra trong tháng 4/2020 kêu gọi điều tra nguồn gốc của vi-rút corona mà không tham vấn trước với Bắc Kinh. Kể từ đó, Bắc Kinh áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng lúa mạch của Australia, cấm xuất khẩu sang Trung Quốc thịt bò từ 5 cơ sở giết mổ ở Australia, yêu cầu điều tra nghi vấn trợ cấp và bán phá giá với mặt hàng rượu vang của Australia tại thị trường Trung Quốc.

Ngày 02/11, truyền thông đưa tin các nhà nhập khẩu trên toàn Bắc Kinh dự kiến sẽ đối mặt với lệnh cấm vận đối với quặng đồng và đồng tinh chất, đường từ Australia trong tuần này.

Ngày 30/10/2020, Tổng cục hải quan Trung Quốc ra thông báo tới các nhà xuất khẩu cho biết phát hiện sâu bệnh trong gỗ khúc nhập khẩu từ bang Queensland và đã cấp nhập khẩu gỗ khúc từ tất cả các bang của Australia. Cơ quan hải quan Trung Quốc cũng kết luận phát hiện dấu hiệu thiếu vệ sinh trong các lô hàng lúa mạch của công ty xuất khẩu lương thực Australia Emerald Grain.

3. Mức độ số hóa trong ngành công nghiệp, dịch vụ của Trung Quốc vẫn thấp hơn mức bình quân toàn cầu.

Mới đây, Viện nghiên cứu thông tin và truyền thông Trung Quốc đã công bố báo cáo “Tầm nhìn mới của nền kinh tế số toàn cầu” (2020), nhận định nền kinh tế số của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, nhưng mức độ số hóa trong ngành dịch vụ và công nghiệp vẫn thấp hơn mức bình quân toàn cầu.

Báo cáo thống kê sự phát triển kinh tế số tại các quốc gia trên thế giới từ năm 2017. Năm 2019, Báo cáo chọn 20 quốc gia phát triển và 27 quốc gia đang phát triển được chọn làm đối tượng thống kê. Theo Báo cáo, tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế số toàn cầu năm 2019 đạt 5,4%, cao hơn 3,1 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng của GDP toàn cầu. Giá trị gia tăng của kinh tế số toàn cầu tăng từ 30,2 nghìn tỷ USD năm 2018 lên 31,8 nghìn tỷ USD năm 2019, tăng 1,6 nghìn tỷ USD.

Trong đó, quy mô kinh tế số của Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới, đạt 13,1 nghìn tỷ USD; kinh tế số của Trung Quốc lớn thứ hai trên thế giới với quy mô đạt 5,2 nghìn tỷ USD; Đức và Nhật Bản đứng thứ ba và thứ tư thế giới với với quy mô kinh tế số đạt hơn 2 nghìn tỷ USD.

Nhìn chung, so với các nước phát triển, sự phát triển kinh tế số ở các nước đang phát triển có đặc điểm là quy mô nhỏ và tốc độ phát triển nhanh. Theo Báo cáo, quy mô nền kinh tế số ở các nước phát triển gấp khoảng 3 lần các nước đang phát triển. Năm 2019, giá trị gia tăng kinh tế số của 20 nước phát triển đạt 23,5 nghìn tỷ USD, chiếm 73,9% tổng lượng kinh tế số của 47 nền kinh tế; giá trị gia tăng kinh tế số của 27 nước đang phát triển là 8,3 nghìn tỷ USD, chiếm 26,1%.

Tại các nước đang phát triển kinh tế số tăng trưởng nhanh hơn các nước phát triển. Năm 2019, nền kinh tế số của các nước phát triển tăng 4,5% so với cùng kỳ, trong khi kinh tế số của các nước đang phát triển đạt mức tăng trưởng 7,9%. Lưu Đa-Viện trưởng Viện nghiên cứu thông tin và truyền thông Trung Quốc chỉ ra, nền kinh tế số của các nước đang phát triển có quy mô nhỏ và nền tảng kém, do vậy kinh tế số phát triển nhanh chóng. Trong khi đó, kinh tế số của các nước phát triển có quy mô lớn hơn, sự phát triển của kinh tế số bước vào chiều sâu, chuyển từ phát triển tốc độ nhanh sang giai đoạn phát triển chất lượng cao.

Trong năm 2019, vị thế của kinh tế số trong kinh tế quốc gia tiếp tục tăng lên. Tỷ trọng GDP của kinh tế kỹ thuật số toàn cầu đã tăng từ 40,3% vào năm 2018 lên 41,5% vào năm 2019, tăng 1,2 điểm phần trăm. Trong đó, kinh tế số tại các nước thu nhập cao chiếm 47,9% GDP, tại các nước thu nhập trung bình cao chiếm 30,8% GDP và tại các nước thu nhập trung bình thấp chỉ chiếm 17,6% GDP. Vai trò thúc đẩy kinh tế quốc gia của kinh tế số tại các nước thu nhập cao vượt xa các nước thu nhập trung bình cao và thu nhập nhập trung bình thấp.

Phân tích theo các ngành, ngành dịch vụ có mức độ số hóa cao nhất. Năm 2019, tỷ lệ thâm nhập kinh tế số của ngành dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp toàn cầu lần lượt là 39,4%, 23,5% và 7,5%; trong khi con số này của Trung Quốc trong cùng kỳ là 36,8%, 19,5% và 8,2%, cao hơn mức bình quân của các nước đang phát triển, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức bình quân thế giới, vẫn còn một khoảng cách lớn so với Mỹ, Đức và Anh.

Báo cáo chỉ ra, do ảnh hưởng bởi tính chất ngành nghề, ngành dịch vụ với chi phí cố định thấp và chi phí giao dịch cao càng dễ dàng chuyển đổi số hóa. Ngành nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, khiến việc chuyển đổi số hóa trở nên khó khăn.

Theo Lưu Đa, đánh giá xu thế chuyển đối số hóa từ góc độ toàn cầu có thể phân làm 3 loại: (i) các nước có số hóa phát triển cân bằng trong 3 ngành (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ) như Đức, Anh; (ii) các nước có nền kinh tế số công nghiệp hàng đầu như Hàn Quốc, Ireland; các nước đi đầu trong nền kinh tế số dịch vụ như Mỹ và Trung Quốc.

Lưu Đa cũng chỉ ra, xu hướng số hóa chuỗi ngành nghề toàn cầu ngày càng trở nên rõ rệt. Kể từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng quốc tế và cung cầu thị trường thu hẹp, cùng với đó là mẫu thuẫn trong điều tiết vĩ mô của kinh tế thế giới và sự cạnh tranh lợi ích giữa các quốc gia, chuỗi ngành nghề toàn cầu xuất hiện sự tắc nghẽn, thậm chí là nguy cơ đứt đoạn, điều này khiến vai trò của công nghệ số trong cải tạo, tái cấu trúc chuỗi ngành nghề càng trở nên quan trọng.

4. Trung Quốc tăng cường mở rộng nội nhu, thúc đẩy tiêu dùng

Để tiếp tục mở rộng nhu cầu trong nước, đặc biệt thúc đẩy tiêu dùng có hiệu quả, thúc đẩy sự lưu thông thông suốt tuần hoàn cung và cầu kinh tế, mới đây Ủy ban Phát triển và Cải cách Trung Quốc phối hợp cùng các bộ, ngành hữu quan ban hành “Kế hoạch công tác mở rộng nhu cầu trong nước, thúc đẩy tiêu dùng trong tương lại gần” (Kế hoạch).

Kế hoạch đề xuất thúc đẩy tăng tốc tiêu thụ dịch vụ truyền thống “kết nối Internet”, giải phóng tiềm năng kinh tế trực tuyến; cải thiện chính sách thanh toán bảo hiểm y tế “Internet+”; làm phong phú thêm nguồn cung cấp các sự kiện thể thao thông minh trực tuyến; mở rộng các loại hình sản phẩm dịch vụ giáo dục trên Internet; Thúc đẩy phát triển bảo tàng trực tuyến, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm văn hóa và sáng tạo; giảm chi phí khởi nghiệp và việc làm trực tuyến cá nhân; thúc đẩy phát triển tích hợp các dịch vụ tài sản trực tuyến và truyền thống.

Kế hoạch yêu cầu xây dựng hình thức tiêu dùng dịch vụ mới trên cơ sở làm tốt công tác phòng chống dịch thường xuyên. Tích cực hỗ trợ ngành dịch vụ ăn uống phục hồi và phát triển. Tăng cường phát hành vé du lịch năm và thẻ đa chức năng. Tăng cường quảng bá du lịch. Tăng cường tiêu dùng dịch vụ sinh hoạt tại khu dân cư. Nuôi dưỡng thói quen tiêu dùng thông tin mới.

Kế hoạch nhấn mạnh cần thực hiện các chính sách thúc đẩy tiêu dùng hiện vật để làm thông suốt tuần hoàn cung và cầu một cách hiệu quả. Tăng cường hỗ trợ cho cải tạo các khu dân cư cũ ở các thành phố và thị trấn. Tận dụng tốt hơn không gian ngầm để xây dựng các bãi đỗ xe công cộng. Thực hiện chương trình “Nhắc nhở về tuổi thọ sử dụng an toàn của các thiết bị điện gia đình”. Đưa ra danh sách khuyến nghị dự trữ vật tư khẩn cấp quốc gia trong mùa Thu-Đông.

Kế hoạch chỉ ra rằng sử dụng tốt hơn các yếu tố, nguồn lực bên trong và bên ngoài, tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất.

Một là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm gốc mạng 5G. Giảm chi phí điện vận hành của các trạm gốc 5G thông qua các biện pháp như mở rộng giao dịch điện theo định hướng thị trường, thúc đẩy chuyển đổi nguồn cung cấp điện trung gian sang cung cấp điện trực tiếp, tăng cường giám sát giá cung cấp điện chuyển giao. Khuyến khích các địa phương tăng cường hỗ trợ xây dựng mạng 5G.

Hai là, tối ưu hóa hơn nữa môi trường đầu tư nước ngoài. Thực hiện danh sách hạn chế tiếp cận đầu tư nước ngoài năm 2020. Mở rộng danh mục các ngành khuyến khích đầu tư nước ngoài. Xây dựng danh sách hạn chế tiếp cận đầu tư nước ngoài của Cảng Thương mại Tự do Hải Nam năm 2020.

Ba là, mở rộng hơn nữa phạm vi thực hiện “cùng dây chuyền, cùng tiêu chuẩn, cùng chất lượng”. Mở rộng phạm vi thực hiện “cùng dây chuyền, cùng tiêu chuẩn, cùng chất lượng” đối với sản phẩm trong và ngoài nước sang hàng tiêu dùng thông thường và hàng công nghiệp, thúc đẩy các sản phẩm chất lượng cao của các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng cạnh tranh tại thị trường trong nước.

Bốn là, đẩy mạnh mức độ hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp sản xuất. Khuyến khích tăng cường các khoản vay trung và dài hạn, các khoản vay tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất. Tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here