Tin kinh tế Trung Quốc 26/2

0
99

1. Mạng Tuần báo Kinh tế – 26/2: Năm 2018 là năm thứ 6 liên tiếp, Trung Quốc tạo được con số tăng trưởng việc làm tại các thành phố, thị trấn mới ở mức cao kỷ lục, với hơn 13,6 triệu việc làm mới (tăng 113,7%), giảm số người thất nghiệp ở các khu vực này xuống còn 3,8%. Đây là kết quả chỉ đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, coi việc làm là vấn đề quan trọng nhất trong đời sống, tâm nguyện, và căn bản của người dân, và còn là đảm bảo quan trọng cho ổn định xã hội, đưa “ổn định việc làm” trở thành một trong sáu mục tiêu ổn định của Trung Quốc. Các biện pháp thực hiện trong năm 2018 đã giúp Trung Quốc tăng số lượng việc làm, tối ưu hóa cấu trúc, nâng cao chất lượng việc làm, đưa thu nhập bình quân đầu người lên mức 15.829 NDT, tăng 8,3%. Trong năm 2018, tỷ lệ việc làm trong lĩnh vực dịch vụ của TQ tăng 3%, trong lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân tăng 5,7%, các hộ cá thể tăng 6,7%.

2. Báo Tham khảo Kinh tế – 26/2: Thông tin từ Văn phòng Xóa đói, Giảm nghèo Quốc vụ viện Trung Quốc đưa ra cho biết, từ năm 2012 tới 2018, số người nghèo tại nông thôn Trung Quốc đã giảm từ 98,99 triệu người xuống còn 82,39 triệu người, giúp giảm tỷ lệ người nghèo từ 10,2% xuống còn 1,7%. Thu nhập của người dân nông thôn Trung Quốc ở các khu vực nghèo đói cũng tăng 10% mỗi năm kể từ 2012. Trong năm 2018, Trung Quốc đã tiếp triển khai tiếp một chiến dịch xóa giảm nghèo kéo dài trong 3 năm tại các nông thôn nhằm tiếp tục hạ tỷ lệ người nghèo. Nếu tính cho tới nay, qua hơn 40 năm cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã đưa hơn 700 triệu người thoát nghèo, và giúp thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 25 lần. Năm 2017, IMF và WB đã đánh giá, thành tích của Trung Quốc trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo đã khiến cho số người nghèo trên thế giới giảm từ 40% xuống còn 10%.

3. Mạng Financial Times Chinese – 26/2: Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc Vương Đào Tinh trong tuyên bố đưa ra ngày 25/2 khẳng định, chính phủ Trung Quốc “cần đánh tốt trận chiến tiến công, và cũng cần chuẩn bị cho trận đánh lâu dài”, vì trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc, mặc dù rủi ro trong các ngành ngân hàng, bảo hiểm đã cơ bản được khống chế, nhưng tình hình cũng còn “phức tạp và nghiêm trọng”. Ông Vương Đào Tinh cũng cho biết, “mặc dù những rủi ro gần nhất đã được hóa giải, nhưng trong quá trình hóa giải vẫn có thể có những rủi ro mới, lượng rủi ro tồn đọng được hóa giải, nhưng có thể vẫn còn các rủi ro khác gia tăng”. Theo ông Vương, các khoản nợ của các chi nhánh ngân hàng, các tập đoàn địa ốc, chính phủ địa phương, và doanh nghiệp nhà nước có thể tạo thành rủi ro với hệ thống tài chính Trung Quốc. Cùng với sự biến động của thị trường, mức độ an toàn và ổn định của các ngân hàng Trung Quốc có thể sẽ phải chịu thêm các tác động ảnh hưởng từ sự dịch chuyển và các rủi ro mang tính hệ thống. Trước đó, ngày 22/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã khẳng định, an ninh tài chính là một bộ phận quan trọng của an ninh quốc gia, và còn là sức mạnh cạnh tranh cốt yếu của quốc gia.

4. VOA-26/2: Trong các phát biểu đưa ra ngày 24 và 25/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, Mỹ-Trung đã đạt được tiến triển “mang tính thực chất”, hai bên đã “đạt được tiến bộ lớn” khi thảo luận về các vấn đề quan trọng liên quan tới cơ cấu và nhiều vấn đề khác. Sau các phát biểu này, giá trị cổ phiếu trên các sàn của Trung Quốc đã đồng loạt tăng ở mức hơn 5% trong ngày 25/2. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi khả năng Mỹ-Trung có thể đạt được một thỏa thuận liên quan tới các vấn đề cốt lõi. Tham tán Thương mại Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh James Green cho rằng, rất khó để tin một số vấn đề căn bản, như việc Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách công nghiệp có lợi cho doanh nghiệp để Mỹ không còn phải quan tâm. Do đó, chỉ hy vọng các thỏa thuận đạt được sẽ tăng tính minh bạch, kiềm chế một số hành động của Trung Quốc nhằm làm sai lệch thị trường. Nick Marro, chuyên gia phân tích tài chính tại Luân Đôn nhận định, do cấu trúc chính sách của Trung Quốc ít nhiều luôn bao hàm các vấn đề mang tính cơ cấu, nên bất kỳ một thỏa thuận nào cuối cùng cũng sẽ gặp phải vấn đề thực thi. Nhà bình luận chính trị Pokong Chen thì cho rằng, Mỹ không nên để Trung Quốc sử dụng thành công chiến thuật trì hoãn, “vừa đàm vừa đánh”, trong khi đàm phán thì cũng tiếp tục tấn công mạng, ăn cắp bí mật thương mại của Mỹ. Trong khi đó Aaron Friedberg, Giáo sư tại Đại học Princeton cho rằng, có thể Mỹ sớm chấp nhận việc đạt được các thỏa thuận thương mại hời hợt với Trung Quốc, nhưng các thỏa thuận này lại không liên quan tới chính sách thương mại, công nghiệp, hay công nghệ của Trung Quốc.

ĐSQVN tại Trung Quốc tổng hợp.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here