Tin Kinh tế Mỹ

0
52
(Twitter)
(Twitter)

1. Các thỏa thuận thương mại của Mỹ đã làm tăng thêm nửa triệu việc làm.

Một báo cáo của Ủy ban Thương mại Quốc (ITC) cho thấy các hiệp định thương mại tự do mà Mỹ đã tham gia trong 3,5 thập kỷ qua đã có tác động “nhỏ nhưng tích cực” đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Ngày 29/6/2021, ITC công bố báo cáo cho thấy các hiệp định thương mại mà Mỹ tham gia từ năm 1984 đã nâng tổng sản phẩm quốc nội lên 88,8 tỷ USD, tương đương 0,5% GPD và tạo thêm 485.000 việc làm. Cơ hội việc làm được phân bổ không đồng đều, với mức tăng việc làm lớn nhất được ước tính với lao động nam có trình độ đại học. Trong khi các hiệp định thương mại tự do “giúp tạo sân chơi bình đẳng trong khi các thị trường khác kém cởi mở hơn so với Mỹ”, thì các nhà phê bình cho rằng các thỏa thuận “thường phục vụ lợi ích của các tập đoàn đa quốc gia với chi phí của người lao động Mỹ.” Ví dụ, các hiệp định này thúc đẩy thương mại tự do hóa và bảo vệ nhà đầu tư trong khi không bảo vệ đầy đủ quyền của người lao động và môi trường. Chính quyền Biden đã cam kết rằng chính sách thương mại của chính quyền sẽ tập trung vào người lao động và tầng lớp trung lưu khi đất nước phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Nghiên cứu này chỉ tìm hiểu các tác động kinh tế của các hiệp định thương mại mà Quốc hội đã ban hành các đạo luật thực thi, bao gồm các hiệp định theo Luật thẩm quyền phê duyệt nhanh trước năm 2002 và những hiệp định được thực hiện theo Luật thúc đẩy thương mại kể từ thời điểm đó, trong đó có Thỏa thuận Mỹ – Canada – Mexico gần đây. Tuy nhiên, nghiên cứu không tính các thỏa thuận một phần với Trung Quốc vào năm 2020, hiệp định năm 2019 với Nhật Bản và Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi, cung cấp cho khoảng 30 quốc gia châu Phi cận Sahara được miễn thuế khoảng 6.500 sản phẩm sang Mỹ.

Báo cáo này sẽ được trình trước Quốc hội vào giữa năm 2021, theo một đạo luật được thông qua vào năm 2015.

2. Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 6 tăng lên mức cao nhất kể từ đại dịch.

Trong tháng 6, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã tăng tháng thứ năm liên tiếp, lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm ngoái, khi chiếm dịch tiêm chủng được tăng cường và các hoạt động kinh doanh được khôi phục trở lại.

Theo báo cáo của Conference Board, niềm tin người tiêu dùng đã tăng từ chỉ số 120,0 điểm trong tháng 5 lên 127,3 điểm trong tháng 6, phản ánh sự cải thiện trong đánh giá của người tiêu dùng về tình hình hiện tại. Tâm lý người tiêu dùng được dự báo ​​sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới và điều này sẽ thúc đẩy tiêu dùng nhiều hơn, các hoạt động vốn chiếm 70% các hoạt động kinh tế. Lynn Franco, Giám đốc cấp cao về các chỉ số kinh tế tại Conference Board cho biết “sự lạc quan trong ngắn hạn của người tiêu dùng đã phục hồi, được thúc đẩy bởi các kỳ vọng rằng các điều kiện kinh doanh và triển vọng tài chính của họ sẽ tiếp tục được cải thiện trong những tháng tới”. Franco lưu ý rằng trong khi kỳ vọng ngắn hạn về lạm phát tăng lên, thì điều này ít ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng về việc đặt mua các mặt hàng có giá trị lớn. Tỷ lệ người tiêu dùng có kế hoạch mua nhà, ô tô và các đồ đạc lớn đều tăng như các kế hoạch đi nghỉ.

Đánh giá tốt của người tiêu dùng về các điều kiện kinh doanh hiện tại đã tăng từ mức 19,9% trong tháng 5 lên 24,5%. Đánh giá của người tiêu dùng về thị trường lao động dồi dào cũng tăng từ mức 48,5% trong tháng 5 lên 54,4%, trong khi chỉ có 10,9% người tiêu dùng thấy khó khăn trong tìm kiếm việc làm, giảm từ mức 11,6% trong tháng trước.

3. Nhóm lưỡng đảng kêu gọi Tổng thống Biden lựa chọn Trưởng đoàn đàm phán nông nghiệp

Theo tin từ Inside Trade, gần 30 nhà lập pháp, thành viên Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện đang kêu gọi Tổng thống Biden đề cử Trưởng đoàn đàm phán nông nghiệp tại Đại diện Thương mại Mỹ (USTR).

Trong thư gửi đến Tổng thống Biden ngày 29/6/2021, các thành viên của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Jodey Arrington (R-TX) và Jimmy Panetta (D-CA) cho rằng các nhà đàm phán nông nghiệp là “công cụ” đối với việc ưu tiên nông nghiệp trong các hiệp định thương mại và loại bỏ những rào cản phi thuế quan. Bức thư có chữ ký của 26 thành viên Hạ viện khác, gồm một số thành viên Ủy ban Tài chính và Thuế vụ và Ủy ban Nông nghiệp. Họ viết rằng “Để đảm bảo rằng nông dân và chủ trang trại Mỹ nhận được đầy đủ lợi ích của các thỏa thuận mới đây và được ưu tiên khi có các cơ hội tiếp cận thị trường mới thì cần có Trưởng đoàn đàm phán nông nghiệp.”

Tổng thống Biden vẫn chưa công bố lựa chọn Trưởng đoàn đàm phán nông nghiệp cũng như Đại sứ tại Tổ chức Thương mại Thế giới, cả hai vị trí đều là Phó Trưởng USTR. Thư của Hạ viện được đưa ra một tuần sau khi Thượng nghị sĩ John Thune (R-SD) phàn nàn rằng chính quyền vẫn chưa chỉ định được Trưởng đoàn đàm phán nông nghiệp. Trong phiên điều trần xác nhận của Ủy ban Tài chính Thượng viện đối với hai ứng cử viên Phó Trưởng USTR là Sarah Bianchi và Jayme White, Thune cho rằng sự chậm trễ này “gây quan ngại sâu sắc đối với nông dân và chủ trang trại trên khắp đất nước.” Thune cũng hỏi bà Katherine Tai về thời điểm chính quyền sẽ công bố lựa chọn của mình trong phiên điều trần của Ủy ban Tài chính Thượng viện vào tháng trước. Bà Tài cho biết  vấn đề nhân sự là một ưu tiên của chính quyền và hy vọng việc này sẽ được giải quyết sớm.

Các nhà lập pháp cũng thúc ép chính quyền Biden đề cử vị trí cấp phó đoàn đàm phán về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ, vị trí này vẫn còn khuyết kể từ khi được thành lập vào năm 2015. Ngoài ra, Tổng thống Biden chưa đưa ra một đề cử nào cho vị trí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp phụ trách thương mại và các vấn đề nông nghiệp nước ngoài.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here