Tin Kinh tế Mỹ

0
49
(AFP)
(AFP)

1. The Hill: Các biện pháp thúc đẩy kế hoạch của Chính quyền Biden về kinh tế hài hòa, biến đổi khí hậu và đổi mới sáng tạo tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương

Ngày 6/5/2021, the Hill đăng bài của học giả Wendy Cutler, phó Chủ tịch viện Asia Society Policy và Kurt Tong, thành viên Asia Group về cách Chính quyền Biden có thể thúc đẩy các ưu tiên kinh tế thông qua một thể chế khu vực như APEC.

Đánh giá tổng quan về 100 ngày đầu tiên, nhóm tác giả cho rằng Chính quyền Biden đã phần nào thành công trong việc gửi thông điệp cho toàn thế giới về sự trở lại của nước Mỹ, thể hiện sự tập trung trở lại vào hàn gắn và xây dựng quan hệ đối tác ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Tổng thống Biden cần sớm có các hành động cụ thể và thực chất triển khai các phát biểu trước đó của mình, đặc biệt là các ưu tiên về tăng trưởng hài hòa, biến đổi khí hậu và đổi mới sáng tạo. Chính quyền Mỹ, do đó, cần tận dụng các thể chế quốc tế và khu vực hiện có trong khi xây dựng liên minh mới với các quốc gia cùng chí hướng. Theo các tác giả, diễn đàn APEC là một diễn đàn quan trọng mà Mỹ cần quan tâm. Mỹ cần hỗ trợ New Zealand thúc đẩy chương trình nghị sự của APEC theo 3 hướng sau:

Về kinh tế công bằng và hài hòa, Mỹ cần thúc đẩy các chính sách kinh tế và thương mại công bằng và rộng rãi hơn qua đó Mỹ có thể có sự ủng hộ của khu vực đối với chương trình nghị sự của mình, tránh để một số nước lo ngại rằng chủ nghĩa bảo hộ vẫn ẩn bên trong chính sách lấy người lao động làm trung tâm của chính quyền Biden. Mỹ có thể: (i) thúc đẩy một chương trình việc làm về kĩ năng cho lực lượng lao động và đào tạo việc làm thế hệ mới dựa trên nền tảng công nghệ; (ii) dẫn dắt APEC trong mở rộng phạm vi ra ngoài cộng đồng doanh nghiệp đến các nhóm lao động, môi trường và dân sự xã hội; (iii) giúp APEC nâng cấp và mở rộng các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), và (iv) dùng APEC làm diễn đàn chia sẻ các ý tưởng ban đầu về việc cập nhật các hiệp định thương mại nhằm phản ánh tốt hơn các quan tâm và ưu tiên của tầng lớp trung lưu.

Về biến đổi khí hậu, New Zealand đang thúc đẩy một loạt sáng kiến về tạo thuận lợi thương mại trong hàng hoá và dịch vụ về môi trường, thúc đẩy thương mại và phát triển bền vững. Do đó, nếu Mỹ hợp tác chặt chẽ với New Zealand thì có thể định hướng một chương trình nghị sự tham vọng về biến đổi khí hậu của APEC trong những năm tới. APEC có thể được sử dụng để giúp các nước đang phát triển xác định các dự án cơ sở hạ tầng xanh. Có thể xây dựng một thị trường tín nhiệm điều hoà các-bon, theo đó các nhà đầu tư từ các nước giàu có thể đầu tư vào các dự án xanh ở các nước đang phát triển để đổi lấy các tín chỉ về giảm phát thải các-bon.

Về kinh tế kỹ thuật số, Mỹ có thể hỗ trợ APEC và các nước thành viên theo đuổi các chính sách kinh tế và thương mại kỹ thuật số mà thể hiện được các giá trị của Mỹ, như bảo mật dữ liệu và đảm bảo thông suốt cho luồng thông tin và dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới. Nhóm tác giả dẫn thêm ví dụ việc APEC có thể thúc đẩy các quy tắc thiết thực giúp DN nhỏ tiếp cận các thị trường trong khu vực thông qua thúc đẩy lĩnh vực hóa đơn, chữ ký và thanh toán điện tử.

2. Inside Trade: USTR công bố các nguyên tắc minh bạch, chỉ định Trưởng cố vấn pháp lý làm Trưởng nhóm phụ trách minh bạch (CTO)

Ngày 7/5/2021, Inside Trade đưa tin Trưởng USTR Katherine Tai đã công bố các nguyên tắc minh bạch mới nhằm giúp thiết lập cơ chế trao đổi 2 chiều với người dân Mỹ về chính sách thương mại và các hoạt động hàng ngày của USTR. Đây là các biện pháp nhằm thực hiện cam kết của Chính quyền Biden trong bảo vệ các cộng đồng vốn bị xem thường và thiếu tiếng nói đại diện trong quá trình thực hiện chính sách “thúc đẩy lợi ích của tất cả người dân Mỹ”.

Trong tuyên bố, USTR cũng khẳng định rằng chương trình nghị sự thương mại của Chính quyền sẽ chỉ thành công nếu phản ánh quan điểm và phục vụ lợi ích của tất cả người dân Mỹ và các nguyên tắc minh bạch sẽ là điểm khởi đầu để Mỹ xây dựng một chính sách thương mại bình đẳng và có quy mô rộng lớn. Bà Tai cũng chỉ định Trưởng cố vấn pháp lý Greta Peisch làm Trưởng nhóm phụ trách minh bạch (CTO), chức vụ được quy định tại Đạo luật có sự ủng hộ lưỡng đảng về Các ưu tiên thương mại và trách nhiệm giải trình năm 2015.

Một quan chức USTR trong trao đổi với Inside Trade cho biết việc công bố các nguyên tắc minh bạch nhằm đáp ứng yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, TNS/CH Ron Wyden (Oregon) và phù hợp với cam kết của Chính quyền Biden trong tăng cường tính minh bạch trong các cơ quan Chính phủ. USTR sẽ thông qua một số biện pháp thu hút và tạo cơ hội cho người dân Mỹ tham gia đóng góp các sáng kiến cho chính sách thương mại “ngay cả khi luật pháp không yêu cầu”. USTR cũng sẽ sử dụng các hình thức kết nối phù hợp như điều trần trực tuyến, cập nhật liên tục thông tin trên hệ thống trang chủ của mình. Hiện tại bộ phận truyền thông của USTR đã bắt đầu đăng tải lịch làm việc của trưởng USTR Katherine Tai, một trong những điều chỉnh bà Tai đã thực hiện từ khi lên nắm quyền. USTR cũng dự kiến có kế hoạch khuyến khích sự tham gia của nhiều cơ quan liên quan, như các ủy ban cố vấn liên bang vào quá trình thực hiện chính sách thương mại của mình; đồng thời sẽ định kỳ xem xét và điều chỉnh các nguyên tắc và thực thi để đảm bảo các bên sẽ có đầy đủ cơ hội trao đổi và tham gia vào quá trình hoạch định chính sách thương mại.

Inside Trade cho biết thêm, công bố về các biện pháp minh bạch của USTR được đưa ra sau khi thành viên Ủy ban Tài chính Thượng viện, TNS/DC Bob Menendez (New Jersey) thúc đẩy lại dự luật bổ sung vị trí Thanh tra trưởng tại USTR. Đây là dự luật do thành viên cấp cao Tiểu ban về tài chính thương mại TNS/CH John Cornyn (Texas) từng giới thiệu trước đây. Theo các TNS Menendez và Cornyn, dự luật được cho là sẽ tăng cường sự giám sát đối với USTR, cơ quan phải chịu sự giám sát chặt chẽ những năm gần đây do thiếu nhất quán, nhiều xung đột lợi ích và thiên vị chính trị trong thực thi chính sách của mình.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here