Tin Kinh tế Lào

0
71
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Các chuyên gia cho biết, Lào đang chìm trong nợ nần với ít nhất 400 triệu USD các khoản vay đến hạn trong năm nay không thể trả được, với dòng tiền trong nước bị tê liệt do nền kinh tế ngừng hoạt động vì COVID-19 và 1 tỷ USD khác sẽ đến hạn mỗi năm từ 2022-2025 với các chủ nợ chủ yếu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Một quan chức trong cơ quan thanh tra nhà nước Lào nói rằng: “Sẽ rất khó để Lào có thể trả hết các khoản nợ đã tồn đọng trong nhiều năm nay. Lào không thể trả hết các khoản nợ của mình ngay cả khi thanh toán trong vòng mười năm tới. Đó thực sự là một khoản tiền lớn”. Theo báo cáo của Fitch Ratings ngày 09/8 vừa qua, hồ sơ trả nợ nước ngoài của Lào “vẫn còn nhiều thách thức”, với khoảng 422 triệu USD đến hạn từ giờ đến cuối năm 2021 và trung bình 1,16 tỷ USD sẽ đến hạn mỗi năm từ năm 2022 đến năm 2025.

Các khoản nợ của Lào chủ yếu gắn liền với việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm đập thủy điện và hệ thống giao thông. Keith Barney, giảng viên cao cấp tại Trường Chính sách Công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia cho biết thách thức nợ của Lào là có thể tránh được “và có liên quan mật thiết đến việc quá tham vọng cũng như sự yếu kém trong việc tiến hành xây dựng đập và các siêu dự án khác. Đây là một thảm kịch môi trường khi hy sinh các con sông chính tại Lào, như dòng Nam Ou hung vĩ để xây dựng những con đập với mong muốn mang lại nguồn thu nhà nước và sự phát triển bền vững cho người dân Lào, song lại tạo ra gánh nặng nợ nần và căng thẳng tài chính”.

Một nhà nghiên cứu Lào cho biết tiền thuế thu về ít hơn nhiều so với trước đây. Doanh thu trước đây đến từ khai thác vàng gần như không còn. Các nguồn thu thuế và thuế quan ở Lào cũng giảm do các doanh nghiệp đóng cửa và người dân mất việc làm, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ, do sự lây lan của virus Corona. Ngoài ra, Lào phải tìm nguồn vốn để tiếp nhận và cách ly hàng trăm nghìn lao động nhập cư trở về từ Thái Lan và các nước láng giềng khác. Hiện có khoảng 100 khu cách ly được làm nơi ở cho 1.000 công nhân, với chi phí thực phẩm mỗi ngày khoảng 40 triệu kip (tương đương 4.000 USD).

Chính quyền của Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh gần đây đã khởi động một chương trình mới yêu cầu các quan chức nhà nước cấp cao trả lại xe công, hiện đại hóa hệ thống thu thuế của đất nước và sản xuất hàng hóa xuất khẩu để tăng thu ngân sách quốc gia, có thêm ngoại tệ dự trữ để ổn định ngân sách. Thủ tướng Lào cho biết Bộ Tài chính hiện không có tiền trong kho bạc Nhà nước, đồng thời yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm trả nợ cho Bộ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Bounchom Ubonpaseuth cho biết Chính phủ hiện đang chú trọng việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước để tăng cường tính minh bạch trong quản lý: “Nhiều cơ quan nhà nước muốn nắm quyền kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước, nhưng khi những doanh nghiệp này sụp đổ thì không ai muốn chịu trách nhiệm về thiệt hại của mình”. Trong một báo cáo vào tháng 01/2021, Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết xếp hạng tham nhũng của Lào đã giảm từ 130 vào năm 2019 xuống 134 vào năm 2020 trong số 180 quốc gia.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Lào)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here