Tin Kinh tế Colombia

0
188
(https://www.alamy.com)
(https://www.alamy.com)

1.Tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 ở Colombia ở mức 20,2%.

Báo cáo mới đây của Cục Thống kê Hành chính Quốc gia Colombia (Dane) cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7/2020 của Colombia ở mức 20,2% trên toàn quốc, tăng 0,4% so với tháng 6/2020 (19,8%) và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2019 (10,7%); Tại 13 thành phố chính, tỷ lệ này ở mức 24,7%, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2019 (10,3%).

Thống kê cụ thể cho thấy con số người lao động có việc làm trong tháng 7/2020 là 17,95 triệu, giảm 4,15 triệu so với cùng kỳ năm 2019 (22,1 triệu); tổng số người lao động thất nghiệp trên toàn quốc là 4,5 triệu, tăng 1,9 triệu so với cùng kỳ năm 2019 (2,6 triệu). Về giới tính, khoảng cách giới đã tăng lên đáng kể cứ 10 lao động thất nghiệp thì có tới 6 người là lao động nữ. Về độ tuổi, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên dưới 30 tuổi cao hơn mức trung bình, ở mức 29,7%. Về trình độ học vấn, 70% người lao động thất nghiệp tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc các trường dạy nghề, 30% có trình độ đại học và trên đại học. Về số giờ làm việc, 93,7% người lao động có việc làm cho biết họ đang làm việc ít giờ hơn bình thường do lệnh cách ly xã hội. Về lĩnh vực, tác động lớn nhất ở các lĩnh vực sản xuất, thương mại, bán lẻ, khách sạn, quán bar và nhà hàng. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp nhỏ có ít hơn 10 lao động, 60% số người lao động thất nghiệp thuộc các doanh nghiệp này.

2. Kim ngạch xuất khẩu Colombia giảm 21,7% trong tháng 7/2020.

Theo Cục Thống kê Hành chính quốc gia Colombia (Dane), kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2020 của Colombia đạt 2 tỷ 548,9 triệu USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2019 (3 tỷ 255,8 triệu USD).

Nguyên nhân chủ yếu do lĩnh vực chủ đạo là công nghiệp khai thác và nhiên liệu giảm 44,8%; trong tháng 7/2020, Colombia xuất khẩu được 15,6 triệu thùng dầu thô, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019; lĩnh vực sản xuất tiếp tục giảm 21,4%, chỉ đạt 585,9 triệu USD so với 745,3 triệu USD của cùng kỳ năm 2019.

 Ở chiều ngược lại, lĩnh vực chế tạo đã có sự tăng trưởng tích cực 23%; nông sản, thực phẩm và đồ uống tăng 16,5% và các ngành khác tăng 11,3%.

07 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Colombia trong tháng 7/2020 là: Mỹ (28,3%), Trung Quốc (10,8%), Ecuador (5%), Ý, Panama, Mexico và Chile.

Trong 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tích lũy đạt 17 tỷ 722,1 triệu USD, giảm 24,8% so với cùng kỳ năm 2019 (23 tỷ 557,4 triệu USD). Trong đó xuất khẩu dầu và các sản phẩm phái sinh giảm 48,2%, xuất khẩu than đá giảm 19,6%, sắt thép niken giảm 10,7%; Ở chiều ngược lại, xuất khẩu nông sản, thực phẩm và đồ uống đạt 4 tỷ 487,1 triệu USD, tăng trưởng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019 do doanh thu xuất khẩu gia súc sống và cà phê tăng mạnh.

07 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Colombia trong 7 tháng đầu năm 2020 là: Mỹ (28,6 %), tiếp theo là Trung Quốc, Mexico, Panama, Ecuador, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.

3. Colombia lên kế hoạch tái kích hoạt ngành du lịch kể từ ngày 01/9/2020.

Colombia sẽ bắt đầu giai đoạn mới trong việc quản lý đại dịch Covid-19 từ ngày 01/ 9/2020, được Chính phủ gọi là “cách ly có chọn lọc”, trong đó trọng tâm là việc tái kích hoạt ngành du lịch để phục hồi nền kinh tế. Bộ Y tế đã thông qua các quy định về việc tái mở cửa hoạt động hàng không, bao gồm các chuyến bay nội địa và quốc tế và giao thông vận tải đường bộ liên tỉnh. Ngoài ra, người dân Colombia có thể trở lại các bãi biển. Tuy nhiên các hoạt động trên cần tuân thủ những giao thức đặc biệt để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19

Hoạt động duy nhất sẽ bị hạn chế trong giai đoạn đầu tiên của quá trình tái kích hoạt ngành du lịch là những sự kiện tập trung đông người như: hòa nhạc, thi đấu thể thao, vũ trường. Chính quyền các thành phố được trao quyền mở lại các quán bar. Trong giai đoạn này, các khách sạn, nhà nghỉ và các cơ sở du lịch phải cam kết chỉ tiếp nhận khách không vượt quá 30% công suất hoạt động.

Kế hoạch thí điểm các chuyến bay nội địa sẽ được bắt đầu ở 16 sân bay trong nước, trong đó có những sân bay chính là: Bogotá, Rionegro, Medellín, Cali, Cartagena, Barranquilla, Santa Marta, Pereira. Ngoài ra, tại các sân bay này có thể bắt đầu các chuyến bay quốc tế, ưu tiên 5 điểm đến là: Chile, Panama, Mỹ, Ecuador và Peru; tiếp theo đó là Tây Ban Nha, điểm đến chính của người dân Colombia khi du lịch châu Âu. Đối với từng đường bay quốc tế cụ thể và gần 30 đường bay quốc tế quá cảnh qua Colombia phải tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học theo quy định của sở tại và của nước đi và đến.

4. Ngân hàng Trung ương Colombia (BRC) tiếp tục hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Hội đồng quản trị BRC mới đây đã phê duyệt quyết định hạ tiếp tục 0,25% lãi suất cơ bản xuống mức 2%, đây là lần giảm lãi suất thứ sáu liên tiếp trong năm 2020 từ mức 4,25% vào đầu năm 2020 và là tỷ lệ thấp nhất trong lịch sử.

BRC cho biết lạm phát tháng 7/2020 là 1,97%, các chỉ số lạm phát cơ bản trung bình là 1,76%, thấp hơn phạm vi mục tiêu (từ 2% đến 4%) và BRC kỳ vọng lạm phát vào cuối năm 2021 là 2,87%. Nguyên nhân cắt giảm chủ yếu là do: tổng cầu quốc gia yếu; năng lực sản xuất dư thừa; sự suy thoái thị trường lao động và thu nhập của người lao động sụt giảm trong bối cảnh bất ổn kinh tế, vì vậy cần kích thích các chỉ số của nền kinh tế với mức lãi suất thấp. Quyết định này phù hợp với dự đoán của các nhà phân tích kinh tế, họ dự đoán rằng mức lãi suất cơ bản 2% này sẽ được BRC duy trì trong một thời gian dài sắp tới.

5. Hãng hàng không Quốc gia Colombia Avianca nhận khoản vay trị giá 370 triệu USD để tái cơ cấu.

Chính phủ Colombia mới đây tuyên bố cung cấp cấp khoản tín dụng để tái cơ cấu Avianca nhằm đảm bảo việc duy trì việc cung cấp dịch vụ và kết nối hàng không phục vụ người dân Colombia. Việc tạm ngừng hoạt động của Avianca sẽ có tác động tiêu cực đến chất lượng dịch vụ hàng không, nền kinh tế và khả năng cạnh tranh quốc tế của Colombia. Khoản vay lên tới 370 triệu USD với thời hạn 18 tháng, được chỉ định bởi Ủy ban Quản lý Quỹ khẩn cấp quốc gia (FOME), tương ứng với khoảng thời gian ước tính theo phán quyết của tòa án New York căn cứ nội dung Bộ luật Phá sản Hoa Kỳ đối với quá trình tái cơ cấu của Avianca. Tuy nhiên quyết định sẽ cần được thẩm phán phụ trách vụ việc tại tòa án New York đánh giá và ủy quyền.

Avianca luôn nằm trong nhóm top 5 doanh nghiệp lớn nhất Colombia, tạo ra khoảng 500.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp, doanh thu chiếm khoảng 1,4% GDP. Trong năm 2019 hãng đã vận chuyển 16 triệu lượt hành khách nội địa (53,8% thị phần), 7,3 triệu lượt hành khách quốc tế (chiếm 46,9% thị phần) và chiếm 31,6% thị phần vận tải hàng hóa. Dự kiến từ ngày 01 tháng 9/2020, Avianca trước mắt sẽ hoạt động trở lại với 14 đường bay nội địa.

Tuy nhiên quyết định này đã bị chỉ trích bởi các học giả, các nhà lập pháp và chính quyền các tỉnh. Họ cho rằng nguồn vốn trợ giúp Avianca có thể được phân bổ cho các công ty khác đang gặp khó khăn hoặc cho các nguồn viện trợ khác. Tuy nhiên, Tổng thống Ivan Duque đã đã bảo vệ quyết định ưu tiên Avianca và khẳng định rằng quyết định này sẽ đảm bảo được 500.000 việc làm, giúp thúc đẩy du lịch và hồi phục kinh tế, Tổng thống cũng không loại trừ việc cung cấp các khoản hỗ trợ tương tự cho các công ty khác. Nếu để Avianca phá sản, việc khôi phục hoạt động hàng không quốc gia sẽ mất hơn 4 năm và gây thiệt hại khoảng 20 tỷ USD. Avianca sẽ phải cam kết duy trì trung tâm hoạt động của họ tại Colombia và Chính phủ sẽ là chủ nợ ưu tiên của Avianca trong việc thanh toán nợ.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here