Tin kinh tế Bangladesh

0
70
(ảnh minh hoạ)

1. Bangladesh ký kết FTA với Bhutan trong vòng 1 tháng tới

Ngày 23/7/2020, Bộ trưởng Thương mại Tipu Munshi cho biết Bangladesh sẽ ký thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Bhutan trong vòng 1 tháng tới nhằm tăng cường thương mại song phương với quốc gia này. Sau đó, các FTA sẽ được ký kết với một số quốc gia khác theo từng giai đoạn. Hiện Bangladesh đã và đang đàm phán với các quốc gia, bao gồm Indonesia. Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Bangladesh, thương mại giữa Bangladesh và Bhutan đạt 26,52 triệu USD trong năm tài khóa 2012-2013 và đạt 57,90 triệu USD trong năm tài khóa 2018-2019.

Bộ trưởng cho rằng thương mại toàn cầu đã bị ảnh hưởng rất nhiều do đại dịch Covid-19 và Bangladesh cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng Covid-19 chấm dứt, nền kinh tế Bangladesh sẽ phục hồi kịp thời. Ông hy vọng rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ giảm dần vào cuối năm nay và có thể mang đến cho Bangladesh những cơ hội lớn trong thương mại trong nước và quốc tế. Đề cập đến quyết định của Nhật Bản về việc chuyển một số công ty ra khỏi Trung Quốc, ông Munshi nói rằng đây là thời điểm tốt nhất để Bangladesh mở rộng phạm vi ra thị trường quốc tế. Một nhóm đặc trách do Thứ trưởng Thương mại đứng đầu đã được thành lập để đảm bảo thực hiện nhanh chóng các quyết định của Chính phủ trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra.

Shams Mahmud, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka (DCCI) kêu gọi Chính phủ điều chỉnh các chính sách liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhằm thu hút thêm tài chính trong thời kỳ Covid-19. Chính phủ cần hỗ trợ ngành kỹ thuật để đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu.

Cựu Chủ tịch DCCI Abul Kashem Khan nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành nghiên cứu về cách loại bỏ những điểm yếu của FDI và đa dạng hóa xuất khẩu. Bangladesh cần ngừng phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu thô từ Trung Quốc.

Mặc dù xuất khẩu của Bangladesh bị ảnh hưởng nặng nề, nguồn thu từ xuất khẩu tháng 6 cao hơn nhiều so với dự đoán. Xét tổng thiệt hại kinh tế về mặt giá trị gia tăng, giá trị tháng 6/2020 có thể bị mất 9-21 tỷ USD. Đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới 3,8 nghìn tỷ USD, tương đương 4,3% trong 88 nghìn tỷ USD của tổng GDP toàn cầu.

2. Chính phủ Bangladesh sẽ nỗ lực hơn nữa để thu hút đầu tư từ Nhật Bản

Ngày 22/7/2020, Bangladesh tổ chức hội thảo trực tuyến với tiêu đề “Đối thoại để thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Bangladesh” do Văn phòng Thủ tướng, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức, ông Salman F Rahman, cố vấn đầu tư và công nghiệp tư nhân của Thủ tướng, đã kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tận dụng những lợi thế của Bangladesh, gồm khả năng tạo lợi nhuận cao, chính sách thân thiện với doanh nghiệp, thị trường nội địa lớn và chiến lược tiếp cận đến các thị trường trọng điểm trên toàn thế giới.

Trong sự kiện này, ông Ito Naoki, Đại sứ Nhật Bản tại Bangladesh, đã kêu gọi các nhà đầu tư Nhật khám phá các cơ hội đầu tư đa dạng có sẵn tại Bangladesh. Nền kinh tế của Bangladesh sẽ thay đổi trong một vài năm với sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản. Đại sứ cũng đề cập đến hợp tác của Nhật Bản trong sáng kiến ​​Vành đai Tăng trưởng công nghiệp Vịnh Bengal, dự án đường sắt metro (MRT) và dự án mở rộng sân bay quốc tế Hazrat Shahjalal của thành phố Dhaka. Ông Naoki cũng nhắc lại cam kết của Nhật Bản với Bangladesh trong các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế và phát triển nguồn nhân lực.

Chủ tịch điều hành của Cơ quan Phát triển Đầu tư Bangladesh (BIDA) Md Sirazul Islam nhấn mạnh khả năng thu lợi nhuận từ thị trường nội địa của Bangladesh được đánh giá cao trong cuộc khảo sát của JETRO về Châu Á và Châu Đại Dương trong hai năm liên tiếp. “Bangladesh hiện có hơn 300 công ty Nhật Bản. Một cuộc khảo sát năm 2019 cho thấy 70,3% các công ty Nhật Bản sẵn sàng mở rộng hoạt động tại Bangladesh, đạt tỷ lệ cao nhất ở châu Á và châu Đại Dương”. Ông cũng đưa ra các sáng kiến ​​khác nhau để cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách Thuận lợi hóa kinh doanh và phát triển Dịch vụ một cửa trực tuyến. “Dịch vụ một cửa trực tuyến của BIDA đã cung cấp 18 dịch vụ hỗ trợ thanh toán điện tử của ba cơ quan và sẽ cung cấp thêm 34 dịch vụ cho 15 cơ quan Chính phủ trong năm nay”. Ngoài ra, các công ty nước ngoài hiện có thể tiếp cận các khoản vay vốn lưu động từ các công ty mẹ.

Ngày 21/7/2020, Ngân hàng Bangladesh thông báo rằng tất cả các ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng hiện có thể hỗ trợ tài chính cho các công ty nước ngoài dựa trên bảo lãnh ở nước ngoài của các công ty.

Chủ tịch điều hành của Cơ quan quản lý khu kinh tế Bangladesh (BEZA), ông Clausan Chowdhury cho biết các khu kinh tế của Bangladesh sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết, cả trong và ngoài địa điểm, với giá đất cạnh tranh so với các nước láng giềng. Một khu kinh tế rộng 1.000 mẫu dành riêng cho các công ty Nhật Bản đang được phát triển tại huyện Araihazar, Narayanganj. Đây là khu kinh tế đầu tiên của Bangladesh dựa trên sáng kiến giữa ​Chính phủ với Chính phủ. Ông Chowdhury cũng đề cập đến các ưu đãi tài chính và phi tài chính và nhấn mạnh các biện pháp khác như thành lập các trung tâm phát triển kỹ năng tại các khu kinh tế.

Yuichiro Ishii, CEO và Giám đốc quản lý của Honda Bangladesh, cho biết thị trường Bangladesh là ưu tiên chiến lược của Honda với nhà máy đầu tiên được thành lập vào năm 2018. Bất chấp đại dịch Covid-19, nhu cầu về xe máy đã tăng lên, doanh số và cổ phiếu của Honda Bangladesh cũng vậy. Ngoài xuất khẩu, tiềm năng của thị trường nội địa Bangladesh là vô cùng lớn.

Wendy Werner, Giám đốc quốc gia của IFC (Bangladesh, Bhutan và Nepal) đánh giá cao các giải pháp đổi mới và định hướng công nghệ của Nhật Bản tại Bangladesh. IFC sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân ở Bangladesh, vì đây là một trong những thị trường mới nổi hứa hẹn nhất thế giới.

Hayakawa Yuho, đại diện chính của JICA Bangladesh cho biết Bangladesh không chỉ là một cửa ngõ vào Nam Á, mà còn đến Đông Nam Á. “Đây là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và sẽ là chân trời mới cho đầu tư của Nhật Bản”.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here