1. Số người đi làm việc ở nước ngoài có thể đạt kỷ lục mới
Theo Cục Việc làm và Đào tạo Nhân lực (BMET), năm 2018, 1.008.525 lao động ra nước ngoài là con số kỷ lục trong xuất khẩu lao động của Bangladesh. Trong 7 tháng đầu năm nay, BMET cho biết, khoảng 691.017 công nhân Bangladesh đã ra nước ngoài làm việc, nhiều hơn khoảng 361.022 người so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia nhận định, nếu lấy số lao động xuất khẩu thấp nhất (tháng 7) là 75.499 người làm trung bình mỗi tháng trong 5 tháng còn lại của năm, thì số lao động xuất khẩu trong năm 2022 sẽ phá vỡ kỷ lục đạt được vào năm 2018.
Thư ký (Thứ trưởng) Bộ Việc làm và Phúc lợi ở nước ngoài cho biết Bangladesh đang đa dạng hóa thị trường với việc mở lại thị trường lao động Malaysia và bắt đầu triển khai một số điểm mới, “bao gồm Campuchia, Uzbekistan, Ba Lan, Hungary, Romania, Croatia và một số nước châu Phi như Senegal, Burundi và Seychelles”. Ông cũng cho biết đã ký MoU với Hy Lạp và đang chờ ký kết thỏa thuận đưa lao động sang Albania, Malta và Bosnia.
Dòng người xuất khẩu lao động tăng lên, dòng tiền gửi về đã tăng lên đáng kể. Chỉ riêng trong 10 ngày đầu tháng 8, có 813 triệu USD kiều hối được gửi về nước. Trong năm tài khóa 2021-2022, Bangladesh nhận được lượng kiều hối là 21,03 tỷ USD. Hơn 10 triệu người Bangladesh đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, kiều hối họ gửi về là nguồn ngoại tệ lớn thứ hai của Bangladesh sau lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc.
2. Xuất khẩu nông sản của Bangladesh đạt hơn 1 tỷ USD trong năm tài chính 2022
Theo Dữ liệu của Cục Xúc tiến Xuất khẩu (EPB), trong năm tài chính 2021-2022 (FY22), xuất khẩu hàng nông nghiệp và thực phẩm chế biến đạt 1,16 tỷ USD, tăng 13,04% so với cùng kỳ năm trước, năm thứ 2 liên tiếp nông sản xuất khẩu vượt 1 tỷ USD (FY21 là 1,02 tỷ).
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh trong FY22 đạt 52,08 tỷ USD, tăng 34,38% so với cùng kỳ năm trước. Ngành may mặc là ngành xuất khẩu lớn nhất của Bangladesh trong hơn ba thập kỷ, đóng góp khoảng 80% vào tổng thu xuất khẩu.
Các nhà kinh tế cho rằng, xuất khẩu nông nghiệp gia nhập câu lạc bộ tỷ đô đã thắp lên hy vọng mới cho đa dạng hóa giỏ hàng xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào hàng may mặc. Cũng theo các nhà kinh tế, các mặt hàng như cơ khí nhẹ, đay và hàng đay, hàng thủ công mỹ nghệ, da và đồ da, một số hàng dệt chuyên dụng, gốm sứ và thủy tinh cũng xuất khẩu tốt trong vài năm qua.
Theo EPB, một số sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu tốt trong năm tài chính vừa qua, như rau củ (99,91 triệu USD), thịt và gia vị (49,54 triệu USD), gừng, saffron, nghệ, cà ri và các loại gia vị khác (39,66 triệu USD), mứt kẹo (26,93 triệu USD), mạch nha, thực phẩm chế biến từ bột mì (67,23 triệu USD), nước ép trái cây và nước ép rau quả (58,20 triệu USD). Ngoài ra, thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá xuất khẩu có xu hướng tăng, đạt 107,22 triệu USD trong năm FY22.
Nông sản Bangladesh xuất khẩu chủ yếu tới các thị trường Trung Đông, một số nước châu Phi và Nam Á.
3. FDI vào Bangladesh tăng trong năm tài chính FY22
Theo Ngân hàng Trung ương Bangladesh, trong năm tài chính 2021-2022 (FY22), FDI vào nước này tăng 39%, lên 4,7 tỷ USD so với 3,38 tỷ USD trong năm tài chính trước. Dòng vốn FDI ròng cũng tăng 61% lên 2,17 tỷ USD so với 1,35 tỷ USD trong FY21. Nền kinh tế Bangladesh đạt quy mô 416 tỷ USD trong FY22 cho thấy tiềm năng thu hút đối với doanh nghiệp nước ngoài.
FDI tăng trong năm tài chính vừa qua do các hoạt động kinh tế toàn cầu bắt đầu trở lại bình thường sau đại dịch. Sự phục hồi kinh tế nhanh chóng của Bangladesh sau đại dịch cũng khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mới. Tuy nhiên, họ lo ngại xu hướng này có thể bị đảo ngược do những lo lắng về khó khăn mà Bangladesh và các quốc gia khác đang phải đối mặt hiện nay. Lạm phát toàn cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng và chiến tranh Nga-Ukraine có thể làm gián đoạn tốc độ FDI vào nước này trong thời gian tới. Chi phí vận tải tăng cao do giá dầu nhiên liệu tăng, thiếu hụt nhiên liệu và điện, đồng nội tệ taka mất giá đáng kể có thể là lực cản lớn đối với dòng vốn FDI.
Điểm thu hút chính của Bangladesh đối với FDI là lao động giá rẻ. Tuy vậy, chính phủ nên quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo nguồn lao động có kỹ năng và tạo thuận lợi kinh doanh. Quỹ đất cho công nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông cũng cần được quan tâm hơn nữa để có thể thu hút được nhiều FDI.
Báo cáo của Hoa Kỳ về Môi trường Đầu tư trong Hướng dẫn Thương mại công bố ngày 28/7/2022, cho rằng tham nhũng, những hạn chế về công cụ tài chính, sự chậm trễ của tệ quan liêu và thực thi luật lao động lỏng lẻo tiếp tục là cản trở đối với đầu tư nước ngoài vào Bangladesh. Báo cáo cũng cho biết, việc nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh trong những năm gần đây của chính phủ Bangladesh cho thấy có hứa hẹn.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)