Tín hiệu tích cực về vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung lần thứ 7

0
64

Trong lúc đàm phán thương mại Mỹ – Trung lần thứ 7 đang diễn ra tại Washington, Tổng thống Trump đã liên tục phát đi tín hiệu tích cực về “triển vọng đàm phán” cho rằng đàm phán đang diễn ra “rất tốt đẹp”, “nhiều điều có thể xảy ra”. Đây là tín hiệu rõ rệt nhất từ trước đến nay của Tổng thống Trump về khả năng lùi thời hạn áp thuế với hàng hóa Trung Quốc.

Theo Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), doanh nghiệp và chính giới Mỹ đều lo lắng về khả năng đàm phán đổ vỡ, cho rằng nếu đàm phán thất bại, kinh tế Mỹ sẽ chịu nhiều thiệt hại, thị trường hỗn loạn, ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng. Từ khi xảy ra chiến tranh thương mại đến nay, việc hai nước áp thuế lẫn nhau đã làm GDP của Mỹ giảm 0,37 điểm phần trăm, khiến nhiều người Mỹ mất việc làm, thu nhập năm của hộ gia đình Mỹ giảm hàng trăm USD. Số nông dân Mỹ tuyên bố phá sản trong năm 2018 cao hơn bất kỳ giai đoạn nào kể từ cuộc đại suy thoái vào năm 1930. Bình quân thu nhập của các nông trường tại Mỹ hạ xuống mức thấp nhất trong 15 năm qua. Việc đàm phán không đạt được kết quả sẽ gây cho Mỹ những tổn thương khó có thể khôi phục được trong vòng 10 năm. Vận mệnh chính trị của Tổng thống Trump đang đứng trước nhiều thử thách, vì vậy một thỏa thuận thương mại thành công với Trung Quốc sẽ giúp giảm tải sức ép cho Tổng thống Trump, làm tăng khả năng đắc cử tại cuộc bầu cử tổng thống 2020.

Thời báo Hoàn Cầu nhận định có thể trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Trung Quốc sẽ là bên chịu nhiều thiệt hại kinh tế hơn, nhưng Mỹ lại là bên có khả năng chịu đòn kém hơn. Do vậy, trong giai đoạn cuối của đàm phán, để đạt được thỏa thuận, hai bên cần bình tĩnh cao độ, nắm chắc các nguyên tắc: i) Coi trọng những thành quả đàm phán đã đạt được; ii) Làm rõ hàm ý và mục tiêu cơ bản của đàm phán thương mại Mỹ-Trung, đó là thúc đẩy hợp tác thương mại Mỹ – Trung phát triển thuận lợi, công bằng hơn. Mỹ không nên coi đàm phán thương mại Mỹ – Trung là phương tiện để cưỡng ép Trung Quốc phải thay đổi phương thức quản trị kinh tế, thậm chí là con đường phát triển đất nước; iii) Cần đàm phán về những vấn đề mà hai bên quan tâm, chứ không chỉ là những quan tâm đơn phương của Mỹ.

Tin từ ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc (Theo Thời báo Hoàn Cầu)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here