Timor Leste: Con đường tìm chỗ đứng trong thị trường cạnh tranh ở ASEAN

0
365
Bộ trưởng Ngoại giao Timor Leste cho biết nước này tiếp tục tiến hành công tác chuẩn bị để cải thiện các điều kiện kinh tế, văn hóa-xã hội và chính trị, nhằm đáp ứng các yêu cầu cần thiết cho việc gia nhập ASEAN.

Trong những năm qua, Timor Leste đã thể hiện rõ ràng ý định gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và dường như đang áp dụng nhiều cách tiếp cận để đạt được mục tiêu này. Ngoài những lý do về vị trí địa lý, giao lưu văn hóa và chính trị khu vực, Timor Leste muốn gia nhập ASEAN là vì muốn có cơ hội tiếp cận thị trường này. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Timor Leste.

Bộ trưởng Ngoại giao Timor Leste cho biết, nước này tiếp tục tiến hành công tác chuẩn bị để cải thiện các điều kiện kinh tế, văn hóa-xã hội và chính trị, nhằm đáp ứng các yêu cầu cần thiết cho việc gia nhập ASEAN.

Mong muốn của Timor Leste cũng phù hợp với mục đích của ASEAN, đó là tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực cũng như thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực. Thông qua việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN, khối các quốc gia Đông Nam Á này muốn thiết lập một thị trường và cơ sở sản xuất chung để tăng cường thực hiện các sáng kiến kinh tế hiện có, đẩy nhanh hội nhập khu vực trong các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển của các doanh nhân, lao động lành nghề và nhân tài.

Mặc dù Timor Leste chưa phải là thành viên của ASEAN nhưng đã có quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước ASEAN, đặc biệt là Indonesia, Singapore, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan. Dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê Timor Leste, nước này đã chi khoảng 2,05 tỷ USD cho hàng nhập khẩu trong giai đoạn 2016-2019, hơn một nửa trong số đó là nhập khẩu từ 5 nước ASEAN. Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Timor Leste sang các nước ASEAN chỉ đạt 95 triệu USD trong cùng kỳ, phản ánh tình trạng thâm hụt thương mại rất lớn của nước này với ASEAN.

Trong suốt tiến trình theo đuổi mục tiêu gia nhập ASEAN, nhiều câu hỏi đã được đặt ra liên quan đến sự sẵn sàng gia nhập của Timor Leste. Ý tưởng về sự sẵn sàng khá mơ hồ, nhưng hầu hết được nhìn nhận trên phương diện kỹ thuật, xét về điều kiện kinh tế, nguồn nhân lực và tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng. Về GDP, trước khi rơi vào thế bế tắc chính trị trong năm 2017 và 2018, tăng trưởng kinh tế của Timor Leste ở mức chấp nhận được, mà bằng chứng là mức tăng trưởng 5,3% của nước này trong năm 2016. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng này tương đương với một số nước ASEAN. Chẳng hạn, phân tích của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về tăng trưởng GDP của một số nước ASEAN từ 2016 đến 2018 cho thấy trung bình Indonesia tăng trưởng 5,1%, Malaysia 5,0%, Philippines 6,6%, Việt Nam 6,6% và Thái Lan 3,4%.

Về phát triển nguồn nhân lực, Timor Leste đã có những bước tiến đáng kể. Chẳng hạn, chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ 0,484 năm 2000 lên 0,606 vào năm 2019, đưa quốc gia này vào nhóm có trình độ phát triển con người ở mức trung bình. Trong khi đó, tỷ lệ biết chữ đã đạt 84% vào năm 2015, một thành tích đáng kể so với con số 46% vào năm 2004. Ngoài ra, tỷ lệ sinh viên đại học đã tăng gần gấp đôi, từ 4,6% năm 2010 lên 9% năm 2015.

Cơ sở hạ tầng trên toàn quốc cũng đã được cải thiện đáng kể. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, việc xây dựng các tuyến quốc lộ đã giúp làm giảm thời gian đi lại và cải thiện khả năng kết nối giữa các tỉnh thành. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng đã giúp khoảng 80% dân số tiếp cận lưới điện vào năm 2017. Trong khi đó, tính đến năm 2015, 75% hộ gia đình trong cả nước được tiếp cận với các nguồn nước sinh hoạt được cải thiện hoặc an toàn.

Theo bài phân tích mới đây trên The Diplomat, dù đạt những bước tiến nói trên, Timor Leste vẫn không thể che giấu những thiếu sót trên thực tế. Trước hết, nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ lĩnh vực dầu khí, trong khi các lĩnh vực quan trọng ngoài dầu mỏ – đặc biệt là nông nghiệp – còn rất kém phát triển, mặc dù ngành nông nghiệp chiếm khoảng 80% số lượng việc làm trên cả nước. Hơn nữa, dữ liệu điều tra dân số năm 2015 cho thấy 33,3% dân số từ 15 tuổi trở lên không được học hành, trong khi chỉ có 5,3% đã tốt nghiệp đại học. Điều này cho thấy trình độ học vấn của người dân Timor Leste còn ở mức thấp.

Điều kiện như vậy sẽ đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với Timor Leste khi xét tới điều khoản về dịch chuyển lao động lành nghề trong ASEAN, được xác định trong khuôn khổ của Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA). Kết quả cuộc Khảo sát kỹ năng và doanh nghiệp do Văn phòng quốc gia về thanh niên và lao động Timor Leste tiến hành năm 2017 cung cấp một ví dụ cụ thể về tình trạng này khi chỉ ra rằng Timor Leste có nhu cầu lớn cho kỹ sư dân dụng và các lao động lành nghề khác, nhưng thị trường địa phương lại không có nhân lực như vậy.

Hơn nữa, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nước này năm 2015 chỉ ở mức 56,1%, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp cao. Timor Leste cũng phải giải quyết khoảng cách về tiến bộ giữa đô thị và vùng nông thôn, khi các vùng nông thôn ít có khả năng tiếp cận với giáo dục, nước sạch và dịch vụ y tế, cũng như thiếu các cơ hội kinh tế hơn so với các khu vực đô thị. Khoảng cách này đã góp phần vào tình trạng khó khăn của Timor Leste là có tới 42% dân số sống dưới mức nghèo khổ.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Timor Leste cho biết nước này tiếp tục tiến hành công tác chuẩn bị để cải thiện các điều kiện kinh tế, văn hóa-xã hội và chính trị, nhằm đáp ứng các yêu cầu cần thiết cho việc gia nhập ASEAN.

Bất chấp những lập luận này, Timor Leste cần đánh giá lại cách tiếp cận của mình đối với việc gia nhập ASEAN, cũng như những gì nước này hy vọng đạt được với tư cách thành viên của khối. Quá trình gia nhập ASEAN phải là một con đường hai chiều, trong đó sự sẵn sàng của Timor Leste gia nhập ASEAN được đáp lại bằng sự sẵn sàng của ASEAN cho phép nước này trở thành thành viên. Điều này có nghĩa là những nỗ lực của Timor Leste để trở thành thành viên phải dựa trên một loạt các yêu cầu rõ ràng, xuất phát từ quyết định chung của tất cả 10 thành viên ASEAN hiện tại.

Điều này phục vụ hai mục đích: Thứ nhất, nó sẽ cho phép Timor Leste thực hiện công tác chuẩn bị có trọng điểm hơn; và thứ hai, nó sẽ báo hiệu sự nghiêm túc của ASEAN đối với việc trao tư cách thành viên cho Timor Leste. Hơn nữa, Timor Leste phải nhận ra rằng trở thành thành viên của ASEAN không phải là mục tiêu cuối cùng, mà là một trong những phương thức cần thiết để chuyển đổi nền kinh tế đất nước và cải thiện đời sống của người dân. Như vậy, Timor Leste phải tiếp tục củng cố nền kinh tế, cải thiện nguồn nhân lực và củng cố nền dân chủ của mình, không chỉ đơn giản là để gia nhập ASEAN, mà còn để đạt được mức phát triển được đề ra trong Kế hoạch phát triển chiến lược 2011-2030.

10 năm sau khi Timor Leste chính thức nộp đơn xin gia nhập ASEAN vào tháng 3/2011, việc phê chuẩn tư cách thành viên của nước này vẫn chưa rõ ràng. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may, vì Timor Leste đã có cơ hội cải thiện các lĩnh vực sản xuất, củng cố khu vực tư nhân, mở rộng các hoạt động thương mại và nâng cao lực lượng lao động lành nghề, mà sẽ bị buộc phải tự tìm chỗ đứng trong thị trường cạnh tranh của ASEAN. Do đó, cách tiếp cận của Timor Leste phải dựa trên sự phát triển được thúc đẩy từ bên trong và đạt được thành tựu thông qua cải thiện các lĩnh vực then chốt, đặc biệt là giáo dục, thay vì mong đợi những thay đổi được thúc đẩy từ bên ngoài.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here