Tiến tới livestream bán nông sản sang thị trường Trung Quốc

0
62
Hiện đang có một cuộc chạy đua rất tích cực giữa các chương trình livestream giữa các công ty và các cá nhân. Hình ảnh buổi livestream "Chợ phiên OCOP - Về miền đất Tổ". (Nguồn: TTXVN)

Hiện tại, còn rất nhiều dư địa mà các sản phẩm nông nghiệp nông thôn có thể phát triển. Thậm chí, hoạt động livestream bán hàng được kỳ vọng sẽ không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước mà có thể tiến tới livestream bán sang thị trường Trung Quốc.

Hiện đang có một cuộc chạy đua rất tích cực giữa các chương trình livestream giữa các công ty và các cá nhân. Hình ảnh buổi livestream “Chợ phiên OCOP – Về miền đất Tổ”. (Nguồn: TTXVN)

Tại Tọa đàm “Thúc đẩy bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến cho cộng đồng doanh nông trẻ và các chủ thể OCOP” diễn ra vào sáng 15/11, các chuyên gia nhận định, trong thời đại bùng nổ công nghệ số hiện nay, việc quảng bá hàng hóa, đặc biệt là nông sản lên sàn thương mại điện tử đang là xu thế giúp sản phẩm có cơ hội đến gần hơn với người tiêu dùng. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi vẫn còn nhiều thách thức, áp lực khi thay đổi với phương thức kinh doanh mới cho cả doanh nghiệp, hộ sản xuất và đơn vị quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ tháng 3/2023, Bộ đã giao Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp ký kết chương trình phối hợp với TikTok Việt Nam. Với sự hỗ trợ, song hành của TikTok Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động như kết nối với các địa phương tổ chức các phiên chợ bán sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩmm (OCOP).

Đến nay, đã có 24 phiên chợ OCOP ở 24 địa phương với 700 phiên livestream sản phẩm được tổ chức, thu về 100 tỷ đồng, bình quân mỗi phiên đạt 130-150 triệu đồng.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp khẳng định: “Với nhãn hàng phi nông sản thì đó là con số khiêm tốn, nhưng với nông sản thì đã là con số lớn”.

Theo đó, ở mỗi địa phương sẽ lựa chọn một nhà bán hàng trực tiếp với địa phương đó để khai thác được niềm tự hào, sự gắn bó của mỗi người bán hàng với mỗi địa phương.

Sự tương tác trong phiên livestream giữa người bán hàng và những người theo dõi làm cho họ hiểu thêm về sản phẩm, từ đó tạo ra được những câu chuyện mới, tạo ra cảm xúc mới. Có hơn 3 triệu lượt xem cho tất cả các clip làm từ tháng 3 đến tháng 11/2023.

Ông Nguyễn Minh Tiến cho biết thêm, trước đây, khi truyền thông làm hội chợ, mỗi ngày lượt xem chỉ trên dưới 1 vạn, 3 ngày 3 vạn người xem, nhưng nay trong các buổi livestream TikTok shop có thời điểm một buổi có tới 30 vạn người xem. “Giá trị về mặt kinh tế, giá trị về mặt lan toả, hiệu ứng xã hội rất tốt”, ông Tiến đánh giá.

Từ kết quả tích cực đã đạt được, ông Tiến đánh giá hiện còn rất nhiều dư địa mà các sản phẩm nông nghiệp nông thôn có thể phát triển. Thậm chí, hoạt động livestream bán hàng được kỳ vọng sẽ không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước mà có thể tiến tới livestream bán sang thị trường Trung Quốc.

“Chúng tôi đã thí điểm, hướng tới thuê kho ngoại quan ở các địa phương nằm sâu trong nội địa Trung Quốc để đưa các sản phẩm của Việt Nam sang tập kết tại kho. Trước hết tập trung ở các mặt hàng nông sản chế biến như yến, trái cây chế biến, rau củ quả, gạo, cà phê… sau này khi đẩy mạnh được hệ thống logistics tốt hơn thì sẽ mở rộng sang sản phẩm trái cây tươi”, ông Tiến thông tin.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng nhìn nhận, hiện đang có một cuộc chạy đua rất tích cực giữa các chương trình livestream giữa các công ty và cả các cá nhân là người bán hàng ở các shop tại gia.

Tại tọa đàm, các chuyên gia nhận định, bán hàng qua các nền tảng trực tuyến là giải pháp không chỉ tạo thói quen cho người tiêu dùng mua sắm trên sàn thương mại điện tử, mà còn tạo điều kiện hỗ trợ, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc sản các địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo… rộng rãi tới người dùng, nhất là lớp trẻ.

Tuy vậy, việc bán hàng nông sản online này rủi ro lớn (bởi phần lớn là hàng thực phẩm dễ hư hỏng khi vận chuyển xa) nhưng thông qua đó cũng góp phần tạo động lực cho các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường… Điều quan trọng nhất là góp phần cải thiện sinh kế của nông dân các địa phương, người dân thuộc các làng nghề thủ công và các doanh nghiệp nhỏ trải dài trên khắp cả nước.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here