Tiền Giang nắm bắt cơ hội để ‘ăn nên làm ra’ từ trái dừa xuất khẩu sang Trung Quốc

0
52
Xuất khẩu dừa và sản phẩm dừa của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 900 triệu USD, với thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. (Nguồn: NLĐ)

Mỗi năm, Trung Quốc tiêu thụ hơn 4 tỷ quả dừa nhưng năng lực cung ứng hạn chế “tạo cơ hội” cho xuất khẩu dừa của Việt Nam, trong đó có tỉnh Tiền Giang.

Xuất khẩu dừa và sản phẩm dừa của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 900 triệu USD, với thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. (Nguồn: NLĐ)

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, để khai thác tiềm năng phát triển của cây dừa, ngành nông nghiệp sẽ kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương để phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương xây dựng đề án phát triển cây dừa trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ thành lập các hợp tác xã để người dân trồng dừa phải tham gia hợp tác xã và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Các sở, ngành liên quan sẽ hỗ trợ các hợp tác xã, người dân trồng dừa xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ…

Hơn nữa, việc ký kết Nghị định thư xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc mới đây sẽ giúp mặt hàng này có cơ hội vượt mốc 1 tỷ USD trong thời gian tới cũng như tạo ra cơ hội “ăn nên làm ra” cho các địa phương chủ lực về dừa, trong đó có tỉnh Tiền Giang.

Một trong điều kiện thuận lợi cho phát triển tiềm năng cây dừa ở tỉnh Tiền Giang là Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang đã đầu tư nhà máy chế biến trái cây cùng các sản phẩm từ trái dừa tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo với công suất chế biến 300.000 trái dừa/ngày đêm, sẵn sàng bao tiêu dừa hữu cơ cho nông dân.

Theo thống kê, tổng diện tích dừa của tỉnh Tiền Giang hiện nay là 21.654 ha, với diện tích cho trái là 18.116 ha, năng suất đạt 13,5 tấn/ha, sản lượng 244.115 tấn/năm. Từ năm 2015 đến nay, diện tích dừa đã tăng 5.749 ha, với tốc độ tăng trưởng diện tích trung bình 4,5%/năm. Khi cây dừa vào giai đoạn cho thu hoạch ổn định, nhà vườn trồng dừa thu lợi nhuận trung bình khoảng 91,2 triệu đồng/ha/năm.

Tại huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh dừa lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, thương lái hiện đang thu mua dừa khô với giá từ 80.000-110.000 đồng/chục (12 trái), tăng 20.000 đồng/chục so với thời điểm cách đây vài tháng.

Huyện Chợ Gạo hiện có gần 8.000 ha dừa; trong đó, diện tích dừa đang cho trái 7.035 ha. Theo các nhà vườn trồng dừa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, cây dừa không đòi hỏi công chăm sóc và chi phí đầu tư (phân bón, thuốc trừ sâu) như những loại cây trồng khác nên với giá bán trung bình từ 50.000 đồng/chục trở lên là nông dân đã có lợi nhuận tương đối ổn định.

Nhằm phát huy tiềm năng cùng thế mạnh cây dừa trong nền nông nghiệp hàng hóa, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 11/01/2022 về phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây dừa đến năm 2025 cùng những năm tiếp theo. Địa phương khuyến khích nông dân thay đổi tập quán, ứng dụng rộng rãi khoa học – kỹ thuật nông nghiệp thâm canh đồng thời chuyển đổi sang trồng dừa hữu cơ nhằm nâng chất lượng cùng giá trị sản phẩm dừa trên thị trường. Trên địa bàn huyện hiện có 78 tổ hợp tác, 6 hợp tác xã, 4 doanh nghiệp và 30 cơ sở thu mua, sơ chế sản phẩm có liên quan từ trái dừa.

Để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 4.000 ha dừa sản xuất hữu cơ, đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo đã khảo sát được 242 ha tại xã Bình Ninh, Xuân Đông, Hòa Định. Sau nhiều bước tiến hành, huyện đã chọn những hộ đủ điều kiện để thực hiện dự án trước. Đơn vị tư vấn đã đi khảo sát để đánh giá với diện tích 109,6 ha dừa tại xã Bình Ninh là 16,86 ha, xã Xuân Đông là 51,43 ha, xã Hòa Định là 41,32 ha.

Theo kế hoạch, trong tháng 9/2024, cơ quan chuyên ngành Trung Quốc kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa của Việt Nam, bước hoàn tất khâu đăng ký xuất khẩu dừa theo đường chính ngạch sang Trung Quốc sau khi nghị định thư giữa hai nước được ký.

Mỗi năm, Trung Quốc tiêu thụ hơn 4 tỷ quả dừa nhưng năng lực cung ứng hạn chế “tạo cơ hội” cho xuất khẩu dừa của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện thực hóa cơ hội này đang đối mặt với nhiều thách thức.

Theo yêu cầu của nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc, tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (MARD) và phải được phê duyệt bởi cả MARD và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Cùng với đó, tất cả vườn trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, phải áp dụng nguyên tắc thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện vệ sinh.

Một thực tế trải rộng ở nhiều địa phương trồng dừa của Việt Nam là nhỏ lẻ, nằm rải rác, khó đạt tiêu chuẩn tối thiểu 10ha để có thể xin mã số vùng trồng cũng như yêu cầu đảm bảo chất lượng đồng đều. Không chỉ vườn trồng, các cơ sở đóng gói dừa xuất khẩu sang Trung Quốc cũng phải trải qua quy trình đăng ký mã số và phải được Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông qua.

Do vậy, MARD yêu cầu các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với người dân, các hiệp hội và địa phương, tuân thủ những quy định của nghị định thư, phải thu mua từ các vùng trồng được cấp mã số.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dừa và sản phẩm dừa của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 900 triệu USD, với thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Với cơ hội mới từ thị trường Trung Quốc, xuất khẩu dừa năm nay kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD.

An Hải

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here